Bình Nhưỡng nếu còn khiêu khích, Mỹ sẽ chủ động tấn công
Hãng thông tấn Yonhap Hàn Quốc ngày 24/3 đưa tin, quân đội Mỹ và Hàn Quốc vừa ký kết vào một bản kế hoạch hợp tác chống lại “những hành động gây hấn” của Bắc Triều Tiên.
Bản kế hoạch hợp tác tác chiến được ký giữa Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc tướng Jung Seung-jo và tướng James Thurman, Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc và nó đã có hiệu lực ngay lập tức.
Kế hoạch bao gồm các thủ tục tham vấn ý kiến và hành động cho phép liên quân Mỹ – Hàn ứng phó lập tức với các mối đe dọa và “hành vi khiêu khích” từ Bình Nhưỡng, đại diện Bộ tư lệnh liên hợp cho hay.
Mỹ và Hàn Quốc đã bàn bạc về kế hoạch này từ năm 2010 khi Triều Tiên phóng ngư lôi bắn chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc và pháo kích hòn đảo Yeonpyeong ở Hoàng Hải khiến 48 thủy thủ và 2 dân thường Hàn Quốc thiệt mạng.
Sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quân sự Mỹ – Hàn càng trở nên khẩn trương và bức thiết trong bối cảnh căng thẳng tăng cao trên bán đảo Triều Tiên “sau một loạt hành động khiêu khích từ Bình Nhưỡng”, Yonhap cho biết.
Pháo binh Triều Tiên tập trận trong lúc tình hình bán đảo liên tục căng thẳng |
Tổng tham mưu trưởng quân đội Hàn Quốc khẳng định, mối đe dọa quân sự từ Bắc Triều Tiên là có thật. “Chúng tôi sẵn sàng trả đũa nghiêm khắc các hành động khiêu khích của Triều Tiên như bản kế hoạch này”, tướng Jung Seung-jo nói, “kế hoạch này cho phép quân đội Hàn Quốc và Mỹ phản ứng mạnh mẽ hơn so với 2 kế hoạch riêng biệt.”
Theo kế hoạch mới, quân đội Hàn Quốc được thiết lập để đóng một vai trò tích cực hơn trong bất kỳ chiến dịch nào chống lại các “hành động khiêu khích” của Bắc Triều Tiên ngay từ giai đoạn đầu.
Trước đó quân đội Hàn Quốc chịu trách nhiệm đối phó với bất kỳ hành động “gây hấn” nào từ Bình Nhưỡng và Mỹ chỉ điều động lực lượng tham gia khi một cuộc chiến tranh bùng nổ trên bán đảo.
Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tùy thuộc vào mức độ gây hấn, khiêu khích của Bắc Triều Tiên và tình huống cụ thể, Mỹ có thể chủ động tấn công vào lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Nếu các “hành động khiêu khích” của Bình Nhưỡng leo thang, Mỹ sẽ điều quân tiếp viện từ trong cũng như ngoài lãnh thổ Hàn Quốc, bao gồm các căn cứ ở Nhật Bản và các nơi khác dưới quyền chỉ huy của Bộ tư lệnh Thái Bình Dương.
Hiện tại Mỹ đang duy trì khoảng 28.500 quân tại Hàn Quốc, một “di sản” của chiến tranh Triều Tiên 1950 – 1953 kết thúc bằng một thỏa thuận ngừng bắn chứ không phải hiệp ước hòa bình.
Theo GDVN