‘Con phải thành thạc sĩ’
Thứ hai, 17/12/2012, 10:27 GMT+7
Sĩ tử Trung Quốc chuẩn bị cho kỳ thi công chức hồi tháng 11 vừa qua. Ảnh: Chinanews |
Hơn 70% số các phụ huynh thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc cho biết họ mong muốn con cái mình sở hữu những tấm bằng cao học, trong khi chỉ khoảng 30% hài lòng với bậc cử nhân, theo một nghiên cứu của Mintel, nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường toàn cầu về phong cách sống của người Trung Quốc. Bản nghiên cứu có tên “Những tiểu đế vương”.
“Tiểu đế vương” là từ lóng được dùng để ám chỉ những đứa trẻ sinh ra theo chính sách một con ở Trung Quốc. Các em là những người nhận được toàn bộ sự quan tâm, chăm sóc và chiều chuộng của ông bà và cha mẹ. Công ty Mintel ước tính có trên dưới 50 triệu “tiểu đế vương” ở Trung Quốc hiện nay, và 35 triệu em trong số đó thuộc tầng lớp trung lưu.
Báo cáo này của Mintel được thực hiện dựa trên 1.500 bậc cha mẹ thuộc trung lưu của Trung Quốc, với độ tuổi từ 20 tới 49. Những người này trung bình kiếm được hơn 7.000 tệ/tháng ( khoảng 1.110 USD) khi sống tại các đô thị loại một như Bắc Kinh hay Thượng Hải, và khoảng 5.000 tệ/tháng (793 USD) tại các đô thị loại hai như Thiên Tân hay Thành Đô. Phần lớn họ là công chức trong những công ty nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hoặc đang tự làm chủ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ước mơ thạc sĩ một phần là do thực trạng khan hiếm việc làm ở Trung Quốc. Không phải tân cử nhân nào ở đất nước này cũng kiếm được một công việc ổn định sau khi tốt nghiệp. Năm ngoái, Trung Quốc đã đào tạo ra hơn 6 triệu cử nhân, và khoảng 570.000 người trong số đó đã không thể tìm được việc làm sau nửa năm tốt nghiệp, theo các thống kê chính thức của chính phủ. Nhiều vị trí công việc đòi hỏi các ứng viên phải sở hữu ít nhất một tấm bằng thạc sĩ, đồng nghĩa với việc giáo dục sau đại học ngày càng được coi như chìa khóa để những đứa trẻ mở cánh cửa thành công.
Trong kỳ thi công chức vừa qua ở Trung Quốc, ước tính đã có hơn 1,2 triệu ứng viên nộp đơn tham gia dự tuyển cho 20.000 vị trí. Ảnh: European Pressphoto Agency |
Không chỉ phải đáp ứng những hy vọng từ phụ huynh, các đứa trẻ thuộc tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc còn phải gắng sức cạnh tranh với nhau để giành suất theo học tại các trường học hàng đầu. Hai phần ba số trẻ sống ở các thành phố của nước này thường xuyên phải tham dự những kỳ kiểm tra ngặt nghèo để có chân trong các trường trung học trọng điểm, nơi sẽ tạo bước đệm cho các em tới với những trường đại học hàng đầu. Những đứa trẻ không đủ khả năng sẽ phải học tại các trường công lập, hoặc tư thục, với cơ hội thi đậu đại học thấp hơn.
“Hoặc gắng sức học tập, hoặc dựa vào các mối quan hệ của gia đình hay sức mạnh của tiền bạc, các em sẽ vào được những ngôi trường ấy và có được những cơ hội mà nhiều đứa trẻ khác chỉ dám mơ đến”, Liam Russell, quản lý marketing chiến lược của Mintel châu Á – Thái Bình Dương, nói.
So với những người bạn đồng trang lứa ở phương Tây, trẻ em trung lưu ở Trung Quốc phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ gia đình và trường học.
“Đơn giản là vì những trường đại học tốt không có đủ chỗ cho tất cả các tiểu đế vương, ngay cả khi các em có đủ khả năng tham dự và vượt qua những kỳ kiểm tra bắt buộc”, Paul French, giám đốc chiến lược về thị trường Trung Quốc của Mintel, nói. “Do đó, áp lực học tập đang ngày một đè nặng lên vai những đứa trẻ, vì một tương lai tốt hơn, một tương lai không có sẵn cho tất cả.”
Phần lớn các bậc phụ huynh thuộc tầng lớn trung lưu của Trung Quốc đều sinh ra và lớn lên trong giai đoạn diễn ra Cách mạng Văn hóa. Khi đó, rất nhiều trường đại học của đất nước đã bị đóng cửa hoặc không được phép nhận thêm sinh viên. Chính điều đó đã phần nào gây nên sự ám ảnh về một nền giáo dục bậc cao trong tâm trí họ.
“Họ muốn con cái mình có được điều đó”, ông French nói.
Quỳnh Hoa (Theo Wall Street Journal)
(vnexpress.net)