Hacker lấy dữ liệu từ não
Các nhà nghiên cứu trường Đại học Oxford (Thuỵ Sĩ) và Đại học California (Mỹ) vừa chế tạo một thiết bị chỉ vài trăm USD nhưng có tính năng như một hacker máy tính có khả năng lấy dữ liệu bí mật từ não người.
ảnh minh họa
Thiết bị giao diện máy – não (Emotiv BCI) được thiết kế giống như một chiếc mũ. Trong cuộc thử nghiệm, một nhóm sinh viên đã đội nó và ngồi trước màn hình máy tính. Sau đó, một loạt thông tin như hình ảnh bản đồ nơi sống, các ngân hàng, mã PIN thẻ của họ hiển lộ trên màn hình.
Giao diện máy – não (BCI) là con đường giao tiếp trực tiếp giữa não bộ và các thiết bị bên ngoài. Nó hoạt động bằng cách theo dõi các tín hiệu não P300 – một loại sóng não có chức năng kích thích quá trình hình thành hình ảnh sau 300 mili giây và có thể được phát hiện thông qua các cực điện gắn lên phần da đầu.
P300 được biết đến với vai trò kích thích quá trình hình thành hình ảnh. Việc theo dõi P300 có thể giúp người ta lần ra tín hiệu thần kinh của quá trình nhận thức bất chợt hay vô tình về một vấn đề, một sự kiện hoặc một mẩu thông tin nào đó trong đầu đối tượng.
Một thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Thí nghiệm của chúng tôi chứng tỏ khả năng sẽ có những cuộc tấn công tinh vi hơn. Ví dụ, lợi dụng những sự thiếu hiểu biết của một vài người chơi trò mindgames hacker đã tạo vỏ bọc để moi thông tin cá nhân của người sử dụng. Cùng sự phát triển về mặt chất lượng thiết bị, tỷ lệ thành công của các cuộc tấn công sẽ ngày càng lớn”.
Các nhà khoa học cảnh báo, nếu sử dụng BCI, mọi người hãy cẩn thận với những gì mà mình nghĩ. Nghiên cứu đã được trình bày tại hội nghị Usenix Security, Washington (Mỹ).