Những bộ rễ cây khổng lồ kỳ quái ở đền Ta Prohm
Trải qua cả trăm năm, bộ rễ những cây Tung, Knia lớn dần… rồi một ngày kia, nó xuyên phá, đẩy sập bức tường đá gần nghìn năm tuổi của đền Ta Prohm.
Đây là một hành lang đi lại của đền Ta Prohm, bộ rễ cây khổng lồ với tạo hình kỳ quái gần như đã nuốt trọn nó
“Điêu tàn, hoang phế và sức mạnh ghê gớm của tự nhiên” là những cảm xúc ập đến tức thì khi tôi bước chân vào Ta Prohm- ngôi đền được sao nữ Hollywood Angelina Jolie đóng phim “Bí mật ngôi mộ cổ” (dù rằng chỉ có 30% bộ phim được quay ở thực địa, còn lại là cảnh dàn dựng trên phim trường).
Đền Ta Prohm nằm trong quần thể Angkor, được vua Khmer Jayavarman VII xây theo phong cách Bayon vào khoảng thế kỷ 12 để làm tu viện và trường học Phật giáo Đại thừa. Tương truyền rằng, để xây ngôi đền nằm trong diện tích 1km chiều dài và 700m chiều rộng này, nhà vua đã tiêu tốn đến 5 vạn lượng vàng, 5 vạn lượng bạc và vô vàn đá quý.
Khi đế chế Khmer suy tàn, cùng với nhiều ngôi đền khác trong quần thể Angkor, đền Ta Prohm rơi vào quên lãng. Mãi cho những năm đầu của thế kỷ 20, ngôi đền mới được phát hiện ra, khi mà bao quanh nó là cả một cánh rừng nhiệt đới rậm rạp.
Ngày nay, một trong những cảnh gây ấn tượng nhất của ngôi đền, là những bộ rễ cây khổng lồ của cây Tung, cây Knia từ trên cao buông xuống. Hoặc là chúng “nuốt trọn” cả một ngọn tháp, qua đó giữ cho tháp khỏi đổ; hoặc là chúng mọc xuyên giữa những kẽ đá, và phá hủy tất cả trên đường đi của nó.
Chùm ảnh về những bộ rễ cây khổng lồ, phô diễn sức mạnh đáng sợ của tự nhiên
Một góc đền Ta Prohm, nhìn từ bên ngoài
Nhiều người tưởng rằng, những bộ rễ cây này mọc lên từ đất. Kỳ thực, chúng buông từ trên không xuống – khi chim chóc tha hạt rừng tới ngôi đền rồi đánh rơi vương vãi, gặp môi trường thuận lợi thì phát triển.
Có khi nhờ bộ rễ những cây Tung, Knia này làm điểm tựa, mà ngọn tháp cổ (vốn được xây dựng với kỹ thuật ghép đá, dạng như chỉ xếp chồng lên nhau) còn tồn tại đến ngày nay
Nhưng cũng tại những bộ rễ cây khổng lồ, chết chóc này tàn phá mà nhiều đoạn tường thành, hành lang của ngôi đền sụp đổ
Khi bò ngoằn nghèo dưới đất…
Lúc vắt vẻo trên tường thành…
… Những bộ rễ cây hủy diệt mọi thứ trên đường nó trườn qua
Liệu cửa tháp được sự hỗ trợ của con người này, sẽ tồn tại được thêm bao nhiêu năm?
Đã có ý kiến đề xuất, cần phải chặt bỏ những bộ rễ cây gây hại. Tuy nhiên những cây Tung, Knia hàng trăm năm tuổi cũng chính là cây di sản nên không dễ để quyết định được thông qua
Ngoài ra, chính những thân cây kỳ quái này, góp phần cùng kiến trúc cổ Khmer, tạo nên sức hút cực lớn cho đền Ta Prohm
Theo Vietnamnet