Tên lửa DF-41 có thể sử dụng công nghệ “thó” của Nga
– Theo đánh giá của các chuyên gia nước ngoài, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41 mới của Trung Quốc có thế là kết quả của việc gián điệp ăn cắp công nghệ từ ICBM của Nga.
Theo ông Mark Stokes, chuyên gia quân sự hàng đầu của Lầu Năm Góc về hệ thống hạt nhân chiến lược của Bắc Kinh, tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-41mà Trung Quốc vừa thử nghiệm sử dụng động cơ tên lửa nhiên liệu rắn lớn hơn so với loại động cơ được sử dụng trên tên lửa DF-31. Các cuộc thử nghiệm động cơ trên mặt đất đã được tiến hành cách đây vài năm.
Ông Stokes cũng nói rằng, Quân đoàn pháo binh thứ hai của Trung Quốc, trước đó được trang bị các tên lửa chiến lược và tên lửa phi hạt nhân, giờ đây đang làm việc để đưa ICBM DF-41 vào trong kho vũ khí của họ.
Dựa vào những thông tin tình báo, ông Stokes cho rằng, Quân đoàn pháo thứ hai của Trung Quốc đã thành lập một đơn vị thử nghiệm và đánh giá tên lửa DF-41 ở tỉnh Hà Nam của nước này.
Sản phẩm ăn cắp công nghệ từ Nga?
Trong khi đó, các nhà phân tích của CIA thì nghi ngờ rằng, ICBM DF-41 được thiết kế dựa trên loại tên lửa di động tầm xa SS-27 Topol của Nga và được trang bị hệ thống dẫn hướng tên lửa cũng của Nga. Không loại trừ khả năng tình báo Trung Quốc đã đánh cắp được một phần của hệ thống tên lửa Topol do Nga kỳ công phát triển.
Chuyên gia Phillip Karber, Giáo sư Đại học Georgetown (Mỹ), người đã tham gia nghiên cứu các chương trình hạt nhân của Trung Quốc thì nhận xét rằng, có thể tên lửa DF-41 sẽ mang được 3 đầu đạn, và nếu người Trung Quốc đi theo mô hình xây dựng 3 đầu đạn hạt nhân cho mỗi bệ phóng tên lửa thì số lượng đầu đạn chiến lược của họ có thể hơn gấp ba mức hiện tại.
Xe mang bệ phóng của ICBM DF-41 |
Một lực lượng tên lửa DF-41 trong tương lai, trang bị khoảng 32 tên lửa, mỗi tên lửa tích hợp nhiều đầu đạn sẽ đủ cho Trung Quốc nhắm tới tất cả các mục tiêu thành phố của Mỹ với dân số hơn 50.000 người, ông Karber nói.
“Nếu Trung Quốc quyết tâm phát triển một loại tên lửa như vậy, và chúng tôi không xây dựng lá chắn tên lửa để chống lại họ, thì sẽ không còn gì ngăn được việc mở rộng khả năng hạt nhân ở châu Á. Kết quả sẽ là một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở khu vực này”, ông Karber nhận định.
Richard Fisher, một chuyên gia về tiềm lực quân sự của Trung Quốc thì cho rằng, tên lửa DF-41 đã được phát triển từ năm 1986, nhưng chính phủ Mỹ mới chỉ bây giờ mới nhận ra điều đó.
“Lầu Năm Góc dè dặt tiết lộ thông tin về tên lửa này, nhưng sự thật thì các nguồn ảnh internet đã cho thấy chiếc xe cơ động mang tên lửa 18 bánh TEL đã có từ năm 2007. Hiện nay có 4 hình ảnh khác nhau về TEL cho thấy một ICBM di động rất lớn, tương tự như kích thước của các ICBM di động hiện đại Topol của Nga”.
Nhận định của các chuyên gia đều quy về một điểm cho rằng ICBM thế hệ mới DF-41 của Trung Quốc nhiều khả năng là một sản phẩm được sao chép từ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm xa Topol của Nga.
Mới đây, hai giáo sư của một trường đại học Nga đã bị kết án vì tội bán bí mật tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm Bulava cho Trung Quốc. Một số báo cáo cũng nói rằng, tình báo Trung Quốc đang tìm kiếm thông tin về loại tên lửa mặt đất Topol-M và tên lửa đạn đạo chiến dịch chiến thuật Iskander.
Tham vọng đầu đạn hạt nhân
Chuyên gia Fisher nói rằng, việc thử nghiệm tên lửa DF-41 có thể đã được nhắc đến trong báo cáo về tiềm lực quân sự Trung Quốc của Lầu Năm Góc năm 2011, nhưng đã bị loại bỏ khỏi báo cáo rút gọn trình lên Quốc hội Mỹ năm nay.
Ngoài DF-31 và DF-31A, “Trung Quốc cũng có thể đang phát triển một ICBM di động mới, có khả năng mang nhiều đầu đạn phân tách độc lập (MIRV)”, trích dẫn một đoạn trong báo cáo của Lầu Năm Góc nói.
Trung Quốc đang đặt nhiều tham vọng vào ICBM DF-41 có khả năng mang nhiều đầu đạn phân tách độc lập |
Tuy nhiên, vẫn chưa có nguồn tin đáng tin cậy nào có thể xác định được khả năng mang đầu đạn của ICBM DF-41. Tờ Missilethreat thì báo cáo rằng tên lửa này có thể được trang bị tới 10 đầu đạn MIRV.
“Tên lửa DF-41 có thể có khả năng dễ dàng tấn công nước Mỹ và sẽ trở thành lực lượng tấn công hạt nhân nòng cốt của Trung Quốc”, tờ báo cho biết.
Tầm bắn tối đa của DF-41 được ước tính tới 8.699 dặm (khoảng 14.000 km), tức là còn xa hơn cả tầm bắn của tên lửa Topol-M của Nga (11.000 km). Tầm bắn này thừa sức để vươn tới các mục tiêu trên khắp nước Mỹ từ các bệ phóng di động ở phía Đông Bắc Trung Quốc.
Cho tới nay, số lượng đầu đạn hạt nhân trên ICBM mới của Trung Quốc vẫn còn là một bí ẩn, nhưng công nghệ họ thu được từ Mỹ trong những năm 1990 có thể tạo cơ sở cho các đầu đạn MIRV.
Một số báo cáo tình báo Mỹ cũng cho biết, Trung Quốc đã thu được thông qua các hoạt động gián điệp về đầu đạn hạt nhân cỡ nhỏ W-88. Đầu đạn này được sử dụng trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa phóng từ tàu ngầm (SLBM) và được cho là phù hợp với tên lửa mang nhiều đầu đạn.
Đánh giá về tốc độ sản xuất ICBM DF-31A, ông Fisher nói rằng, Trung Quốc có thể sản xuất số lượng tên lửa đủ để trang bị cho một lữ đoàn mới mỗi năm. Như vậy, Trung Quốc có thể có tới 900 đầu đạn hạt nhân cho tên lửa DF-41 của họ vào năm 2020.
Lực lượng đầu đạn hạt nhân trên các tên lửa tầm xa của Trung Quốc có thể lên tới 1.032 đầu đạn, dựa trên số lượng tàu ngầm và số lữ đoàn ICBM cơ động của Bắc Kinh đang được triển khai, ông Fisher nói.
Tuyết Mai (tổng hợp)
(bee.net.vn)