Thiếu nữ 22 như trẻ lên 3
Thoạt nhìn, cứ tưởng là bé gái 3 tuổi. Nhưng hỏi ra mới biết đó là cô gái đã 22 tuổi.
Cô gái đó là Đỗ Thị Dung, cao 70 cm, nặng 12 kg, con anh Đỗ Văn Lai và chị Trần Thị Nguyễn ở đội 5 xã Hùng Sơn (Đại Từ, Thái Nguyên). Dung là con thứ của anh chị.
Như lời ông chủ tịch mặt trận xã Hùng Sơn thì Dung “nổi tiếng” khắp xã và cả huyện vì “khiến người lạ hiểu nhầm”. Ngay cả chủ tịch xã ông Đỗ Đăng Khoa cũng từng nhầm cô gái này là em bé 3 tuổi.
“Hôm đó tôi đi cơ sở để xem thực tế các hộ nghèo ra sao thì thấy cô bé Dung ngồi bên cửa. Tưởng đó là em bé 3 tuổi, hỏi ra mới biết đã 22 tuổi rồi”.
Chị Nguyễn cho hay “Từ khi biết đi, Dung đã có thói quen ngồi bên cửa nhà hoặc ra cổng ngồi xem mọi người qua lại, mặc cho thời tiết nắng mưa. Mọi người nói thế nào Dung cũng mặc kệ không nghe, khi nào ngồi chán thì bò vào ngủ”.
Các bạn cùng lứa với Dung sinh năm 1990 phần nhiều đã đi lấy chồng, có bạn có con. Còn Dung vẫn mang dáng vẻ của đứa trẻ lên 3, nhưng nếu nhìn kỹ, người ngoài sẽ phát hiện sự già nua trên khuôn mặt cô.
Dung đã 22 tuổi nhưng vẫn như trẻ lên 3, suốt ngày ngồi bậu cửa ngắm người qua lại.
Chị Nguyễn cũng cho biết thỉnh thoảng lại có các đoàn khách là các chuyên gia trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu. Có đoàn y tế còn xét nghiệm máu, chụp X-quang và làm đủ thứ để tìm hiểu về Dung.
“Hình dáng con bé vậy và trí tuệ cũng thiểu năng. Đến bây giờ mà Dung mới bập bẹ tập nói, cả ngày chỉ ngồi một chỗ, cho gì ăn nấy, nhưng cũng biết xấu hổ khi ai đó hỏi thăm”.
Khi khách giơ máy ảnh lên chụp, Dung che mặt cười tỏ ra xấu hổ, còn khi được hỏi chuyện, cô gái chỉ biết cười và quay mặt đi.
Không chỉ có Dung, chị Nguyễn còn có cậu con út cũng thấp bé khác thường. Cháu Đỗ Văn Thiệp 7 tuổi, đã học lớp 2 trường tiểu học Hùng Sơn, nhưng chỉ cao 86 cm và nặng chưa đầy 11 kg. Gia đình đã đưa đi khám nhưng bác sĩ kết luận không có bệnh gì.
Chị Nguyễn cho biết “Cháu Thiệp còi cọc nhất trường. Gia đình chăm sóc đủ kiểu, mua cả sữa cho uống nhưng vẫn không tăng được cân nào, thậm chí có dấu hiệu bé đi. Chúng tôi hết sức lo lắng nhưng thấy con ăn được cơm nên cũng đành tặc lưỡi hy vọng”.
Nói rồi chị quay sang nhìn Dung bảo: “Chỉ hy vọng thằng Thiệp không giống với chị nó. Mỗi ngày Dung chỉ ăn được nửa bát cơm. Hai chục năm nay nó đã ngồi bên cái cửa này rồi, ngồi nhiều quá nên một bên sườn lõm lại, thành cái tật mới nữa rồi”.
Ở xã Hùng Sơn này ai cũng biết gia đình anh Lai chị Nguyễn thuộc diện nghèo nhất nhì xã. Gia đình đông con, lại it ruộng vườn nên chị phải ngày ngày kiếm mớ tôm đem ra chợ bán. Anh Lai làm thợ xây cần mẫn suốt ngày cũng chẳng đủ tiền nuôi con.
“Nuôi một đứa con khuyết tật vất vả gấp 5 gấp 10 lần những đứa trẻ khác. Chúng hay đau ốm, bệnh tật dẫn đến đủ thứ kéo theo”, anh Lai tâm sự.
Anh chia sẻ anh chị kết hôn năm 1986, và có 5 người con. Dung sinh thứ hai, lúc chào đời nặng 2,5 kg. Được 6 tháng thì cô bé ốm nặng, lúc đó tỉnh đang có đợt tiêm phòng lao và chỉ mấy tháng sau khi tiêm mũi thuốc chống lao ấy, người Dung bỗng nổi lên rất nhiều hạch.
Anh chị không hiểu biết về y tế nên bỏ mặc cho số phận. Từ đó, Dung ăn bao nhiêu cơm, uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi bệnh.
Năm 2005, chính quyền xã có làm hồ sơ cho Dung đi bệnh viện chỉnh hình ở Thái Nguyên để khám. Các bác sĩ kết luận em bị não úng thủy nên dẫn đến hậu quả chậm lớn, thiểu năng trí tuệ.
Xét hoàn cảnh của gia đình chị, xã đã công nhận là hộ nghèo, nhưng theo lời chị Nguyễn, chỉ 2 năm sau, họ phải “nhường” chế độ hộ nghèo cho gia đình khác.