Nắng quái Bàu Sen
(LV) – Truyền thuyết kể rằng Bàu Sen không đáy, nhưng kỳ thực, cũng như Bàu Tró, Bàu Sen có đáy, với độ sâu từ 5 đến 6 mét, đầy ắp nước, xanh rì, ngọt lịm. Nguồn nước ngọt cấp cho Bàu Sen luôn đầy là từ các đồi cát bao bọc trùng điệp quanh Bàu.
Mỗi đồi cát này sẽ là một chiếc “khăn tắm” khổng lồ được dồn đống lại, ngấm “no” nước vào mùa mưa, để lặng lẽ cấp nước cho Bàu suốt mùa hè miền trung khốc liệt, rồi chờ đợi một mùa mưa tích nước khác, luân hồi. Một sự mát mẻ, khoan thai, từ tốn trong lòng, trái ngược với vẻ ngoài khô khốc “chang chang cồn cát…” mà ngay đến nhà thơ Tố Hữu, người con miền Trung xứ Huế cũng khó nhận ra. Tuy nhiên, ngày nay, những đồi cát báu vật, riêng có ở đây đang ngày đêm bị khai thác cạn vơi dần, dẫn đến nguy cơ làm cạn kiệt nguồn nước Bàu Tró, Bàu Sen…
Bàu Sen và làng Thủy Liên được sử sách nhắc đến từ xa xưa, gắn với sự kiện Hồ Hán Thương (con Hồ Quý Ly), năm 1404 cho đào con sông Liên Cảng từ Quảng Bình vào bắc Quảng Trị xuyên qua Bàu Sen nhằm tạo một con đường thuỷ thông về phía nam nhằm vận chuyển lương thảo vũ khí và quân đội. Tuy nhiên, theo thời gian, sông bị cát dần lấp cạn. Năm 1448 vua Lê Thánh Tông trên đường đi đánh Chiêm Thành, bắt dân Thủy Liên đào lại con sông Liên Cảng.
Lý trưởng làng Thuỷ Liên lúc bấy giờ, ông Mai Văn Bản do thương dân, lại sợ hao tài tốn của nên khẳng khái can gián Vua, nhưng bị Vua tức giận xử trảm. Dân làng Thủy Liên thương tiếc ông Mai Văn Bản đã lập miếu thờ ông. Khi Vua Lê Thánh Tông thắng trận trở về, đến vùng Thủy Liên, nơi Mai Văn Bản quỳ gối can gián, cả đoàn voi của vua bỗng cắm ngà xuống đất, nhất loạt rống lên không chịu đi tiếp nữa. Nhìn quanh, thấy dòng sông mới đào đã bị lấp, chỉ có Bàu Sen là mênh mông nước, Vua phải lập đàn cúng tế trung thần Mai Văn Bản đoàn voi mới chịu cất bước. Vua Lê Thánh Tông cảm kích phong ông Bản là danh thần và ban cho đôi câu đối ca ngợi đức độ của ông:
Thiên thu chính khí nghiêm kim cô.
(Một tấm lòng ngay thẳng khiến cho voi Vua phải dừng bước
Nghìn thu chính khí làm cảm động cả mặt trời).
Tên là Bàu Sen, nhưng từ xưa đến nay chưa từng thấy sen mọc ở đây bao giờ, duy chỉ có cá là nhiều. Hơn 5 năm trước, Trường Đại học Thủy sản Nha Trang thả xuống đây hàng vạn cá giống nước ngọt các loại để làm giàu đa dạng sinh học của Bàu. Bàu Sen gồm hai nửa vắt qua đường thiên lý Bắc-Nam (quốc lộ 1), nên có người còn gọi là Nhị hồ. Nửa phía đông Bàu Sen rộng hàng trăm mẫu, nằm trên đất làng Thuỷ Liên Thượng (Sen Thượng), mênh mông tĩnh lặng, có năng lực cảm nhận, lưu giữ và “miêu tả” tinh tế màn sương mai mờ ảo mỗi sáng trong lành, hoặc những đám mây bồng bềnh hư ảo và cũng chỉ trong chốc lát…
Ngược lại, nửa hồ phía Tây, nhỏ hơn, nằm ở đất Thuỷ Liên Nam (Sen Nam), lùi sâu vào “lục địa”, quanh năm in mờ bóng núi, lại thường nhận và phản ánh rõ ràng nhất, ấn tượng nhất những tia nắng quái chiều hôm với những chập chờn khoảnh khắc…
Bàu Sen không chỉ có sương mai và nắng quái chiều hôm, những “thực đơn tinh thần” thuần khiết mà Bàu Sen còn có nhiều giá trị vật chất khác: cung cấp nguồn nước ngọt quý giá đảm bảo sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho một bộ phận cư dân vùng duyên hải, điều hòa khí hậu tiểu vùng, di dưỡng một nguồn hải sản nước ngọt phong phú và ổn định: cá mè cá trôi, cá trắm, cá chép, cá trê, tôm càng… nhờ đó mà có món cháo cá Bàu Sen, một món ngon ẩm thực đã thành thương hiệu, làm nức lòng biết bao du khách mỗi khi qua đây…
Ngày nay, Bàu Sen đang được chính quyền địa phương quy hoạch và xúc tiến đầu tư thành khu du lịch nghỉ dưỡng với những sản phẩm du lịch phong phú, trong đó có trạm dừng đỗ hấp dẫn cho du khách trên đường thiên lý Bắc – Nam.
Trần Hùng