Google bị chê cạn ý tưởng
Chủ tịch Eric Schmidt của Google và nhà siêu đầu tư Peter Thiel, hai tượng đài của ngành công nghệ cùng bước lên sân khấu Hội thảo Brainstorm Tech do Tạp chí Fortune tổ chức và gần như bất đồng với nhau về mọi việc.
Trước vài trăm cử tọa bên dưới, Chủ tịch Eric Schmidt của Google và nhà siêu đầu tư Peter Thiel đã khẩu chiến lẫn nhau về một chủ đề tưởng như “xưa hơn Trái đất”, ấy là vai trò của công nghệ trong xã hội. Bất chấp nỗ lực thắp lại hòa khí trong vô vọng của người dẫn chương trình Adam Lashinsky đến từ Fortune, hai người vẫn miệt mài “tỉa tót” lẫn nhau.
Schmidt đã mở đầu cuộc đối thoại bằng một sự lạc quan hoàn toàn đoán trước được về việc công nghệ và khả năng truy cập thông tin đã giúp tăng năng suất, chất lượng cuộc sống trên phạm vi toàn cầu ra sao. Ngay lập tức, Thiel đáp lại bằng việc bình luận Schmidt đã “rất xuất sắc trên cương vị Bộ trưởng Tuyên truyền” của Google.
Chưa dừng ở đó, Thiel phản bác rằng dù ngành công nghệ đã có những phát kiến vượt bậc trong các lĩnh vực như máy tính và phần mềm trong vài thập kỷ gần đây, nhưng thất bại của nó trong các lĩnh vực khác như “phát minh ra năng lượng mới” phải gọi là “thê thảm”.
Nhà đồng sáng lập ra PayPal vẫn chưa chịu buông tha cho Schmidt và Google khi chỉ trích gã khổng lồ tìm kiếm đã không đầu tư đủ nhiều cho phát minh và sáng chế.
“Google không hề biết cách phải đầu tư cho công nghệ sao cho hiệu quả”, Thiel tuyên bố khi Schmidt vẫn đang ngồi bên cạnh, mặt sững sờ vừa vì khó chịu, vừa vì bất ngờ vì hành động vuốt mặt chẳng nể mũi của đồng diễn giả.
Để minh chứng cho sự cáo buộc của mình, Thiel nói rằng Google đã phải đóng cửa dở chừng rất nhiều dự án thử nghiệm, chẳng hạn như ô tô tự lái ở Nevada. “Amazon là hãng công nghệ lớn duy nhất tái đầu tư cho sáng chế một cách hợp lý và có ý nghĩa”, Thiel đánh giá.
Trong khi đó, Google bị chê là “đã cạn sạch ý tưởng”.
Về phần mình, Schmidt liên tục phản bác lại lập luận của Thiel và đưa ra rất nhiều thành công của Google như Android hay Chrome, trình duyệt vừa mới trở thành trình duyệt phổ biến nhất thế giới. Và trong toàn bộ cuộc trò chuyện, hai người thường xuyên rơi vào thế không thể tìm được tiếng nói chung cho cả những vấn đề cơ bản nhất.
Ngay cả với những đề tài tưởng như “2 cộng 2 là 4”, họ vẫn nghĩ ra cách để “hục hặc” với nhau. Vừa câu trước Schmidt kêu gọi xây dựng và cải tiến nền giáo dục thì Thiel lập tức cảnh báo về một “bong bóng giáo dục”.
Trọng Cầm
(vietnamnet.vn)