8 miền đất hứa với thuế thu nhập cá nhân bằng 0
Thuế thu nhập cá nhân là nguồn tiền không nhỏ cho chính phủ các nước trên thế giới. Thậm chí, đó còn là vấn đề nóng bỏng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Thế nhưng ở một số quốc gia, người dân lại không phải nộp loại thuế này. Dựa trên cuộc khảo sát của hãng kiểm toán KPMG năm 2011 tại 96 nước, CNBC đã liệt kê danh sách 8 quốc gia có thuế thu nhập bằng 0.
Tại Việt Nam, sau khi đóng các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc, người lao động phải nộp thuế thu nhập cá nhân với biểu lũy tiến từ 5% đến 35% trên số thu nhập đã giảm trừ gia cảnh. Trong đó, phần đóng bảo hiểm xã hội tương đương 22% lương hằng tháng (người lao động nộp 6%, doanh nghiệp nộp 16%), bảo hiểm y tế 4,5%( người lao động đóng 1,5%, doanh nghiệp nộp 3%) và bảo hiểm thất nghiệp 3% (người lao động nộp 1%, doanh nghiệp nộp 1% và ngân sách hỗ trợ 1%).
1. Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE)
UAE là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với 48.200 USD một năm. Không đánh thuế cá nhân, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ ba thế giới này lại áp mức thuế lên tới 55% đối với các công ty dầu khí. Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài phải nộp thuế 20%. Theo thống kê của chính phủ UAE, thuế thu từ các công ty dầu mỏ chiếm khoảng 80% tổng thu ngân sách chính phủ năm 2010. Trong khi đó, thu nhập từ các loại thuế, phí khác chỉ chiếm 12%. |
2. Qatar
Theo Forbes, Qatar hiện là quốc gia có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với 88.000 USD một năm. Qatar không hề đánh thuế thu nhập, cổ tức, tiền bản quyền, thuế lợi nhuận, thuế thặng dư vốn hay thuế tài sản. Tuy nhiên, người dân Qatar phải trích ra 5% thu nhập cho quỹ dịch vụ an sinh xã hội. Các chủ doanh nghiệp cũng phải đóng góp khoảng 10% lợi nhuận vào quỹ này. |
3. Oman
Cũng như các quốc gia Trung Đông khác, phần lớn thu nhập của Oman đến từ dầu thô. Lợi nhuận từ dầu mỏ của quốc gia này đạt 8,49 tỷ USD trong tháng 4, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 71% tổng thu cả nước. Dù không phải nộp thuế thu nhập cá nhân hay thuế thặng dư vốn, nhưng người dân Oman lại phải dành ra 6,5% lương tháng cho dịch vụ an sinh xã hội. Hoạt động mua bán đất cũng bị chính phủ nước này đánh thuế 3%. |
4. Kuwait
Đứng thứ sáu về xuất khẩu dầu trên thế giới, Kuwait đã thu được 63,5 tỷ USD từ hoạt động này trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8/2011, chiếm 95% tổng doanh thu của chính phủ. Không bị đánh thuế thu nhập, nhưng người dân Kuwait phải dành 7,5% tiền lương cho dịch vụ an sinh xã hội. Trong khi đó, mức đóng góp của các chủ doanh nghiệp là 11%. Dù Kuwait là một trong những quốc gia có thu nhập bình quân cao nhất thế giới, hàng loạt các cuộc đình công, biểu tình của công chức nhà nước vẫn diễn ra. Vì thế, chính phủ Kuwait đã phải tăng 25% lương cho người lao động. |
5. Quần đảo Cayman
Nổi tiếng là một trung tâm tài chính trên biển, quần đảo Cayman là điểm đến hấp dẫn của những người giàu có. Một phần vì nơi này không có thuế thu nhập cá nhân, thuế thặng dư vốn hay những khoản đóng góp bắt buộc cho an sinh xã hội. Các doanh nghiệp tại đây được yêu cầu phải cấp lương hưu cho mọi công nhân, kể cả người nước ngoài, đã làm việc ít nhất 9 tháng trên đảo. Dù không có thuế tiêu dùng hay VAT, quần đảo Cayman lại thu tới 25% thuế nhập khẩu. |
6. Bahrain
Bahrain cũng không đánh thuế thu nhập cá nhân khi có tới 70% thu ngân sách của nước này đến từ giếng dầu Abu Safa. Tuy vậy, người dân nước này vẫn phải bỏ ra 7% tiền lương cho dịch vụ an sinh xã hội. Trong khi đó, lao động nước ngoài chỉ phải trả 1%. Các chủ doanh nghiệp cũng phải đóng bảo hiểm xã hội 12% lương cho người dân trong nước và 3% đối với lao động nước ngoài. Hoạt động mua bán bất động sản bị đánh thuế 3%, trong khi đó, người nước ngoài phải nộp 10% thuế đô thị nếu muốn thuê nhà ở Vịnh Ba Tư. |
7. Bermuda
Dù không phải nộp thuế thu nhập, công nhân Bermuda vẫn có thể bị các chủ lao động yêu cầu đóng góp 5,75% trong 16% thuế lương mà doanh nghiệp phải trả cho chính phủ. Lao động ở đây cũng phải trả 30,4 USD mỗi tuần cho các dịch vụ an sinh xã hội. Ngoài ra, người dân Bermuda sẽ bị đánh thuế tài sản khoảng 19% tùy vào giá thuê đất hàng năm do chính phủ quy định. Nếu được thừa kế đất, thì mức thuế họ phải trả sẽ là 5% – 20% tùy theo giá trị tài sản. |
8. Quần đảo Bahamas
Trong những nơi giàu có nhất vùng Caribbean, Bahamas là một ví dụ điển hình cho nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch và ngân hàng nước ngoài. Khoảng 70% thu nhập của chính phủ Bahamas đến từ thuế nhập khẩu. Dù không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, nhưng dân Bahamas lại phải đóng 3,9% tiền lương cho Tổ chức an sinh xã hội quốc gia. Các chủ doanh nghiệp cũng được yêu cầu dành ra 5,9% lương nhân viên để nộp vào tổ chức này, trong khi các cá nhân tự doanh phải trả 8,8%. Ngoài ra, chính phủ nước này cũng đánh thuế 1% đối với các loại bất động sản. |
Hà Thu
(vnexpress.net)