Chiêm ngưỡng sắc màu kinh ngạc từ mặt nước
1. Cánh đồng muối ở San Francisco, Mỹ
Cánh đồng muối đa màu sắc này bao gồm nhiều hồ muối nhân tạo được thiết kế để sản xuất muối từ nước biển. Ban đầu, nước biển được đưa vào hồ, sau đó nước sẽ được rút dần ra thông qua quá trình bốc hơi tự nhiên và để lại muối trong hồ.
Phải mất tới 5 năm, nước trong vịnh mới chuyển thành nước muối. Khi nước muối đủ độ bão hòa, nó tạo ra một thảm muối dày từ 12 – 20cm và lúc này người dân chỉ cần thu hoạch muối.
Những cánh đồng muối bao la với nhiều màu sắc khác nhau từ màu xanh lá cây cho đến màu đỏ tươi. Màu sắc trong hồ là do các vi sinh vật ưa mặn phát triển mạnh tạo ra. Màu sắc càng đậm chứng tỏ độ mặn ở những thửa ruộng đó càng cao và vi sinh vật càng nhiều. Ba sinh vật đặc biệt ảnh hưởng đến màu sắc ruộng muối là Synechococcus, Halobacteria và Dunaliella.
Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc của hồ. Khi hướng gió thay đổi, màu sắc trong hồ trở nên âm u hơn. Mưa lớn có thể khiến nước muối trong hồ loãng ra khiến cho màu nước chuyển sang màu xanh lá hay màu trắng.
Các loại tảo và vi sinh vật trong hồ đã tạo ra nền tảng cho một hệ sinh thái phong phú. Đó là nơi sinh sống của hơn một triệu loài chim nước và các động vật hoang dã khác. Đồng thời, những sinh vật nhỏ bé này góp phần điều chỉnh chất lượng nước, thúc đẩy sự phát triển của loại muối chất lượng cao.
2. Hồ Ngũ Hoa, Trung Quốc
Hồ Ngũ Hoa là niềm tự hào của thung lũng Jiuzhaigou (Cửu Trại Câu), Tứ Xuyên, Trung Quốc. Hầu hết những chiếc lá nhiều màu sắc rụng che phủ khắp mặt hồ khiến người xem cảm tưởng đang được ngắm nhìn một bức tranh. Nước trong hồ có chứa calcium carbonate và hydrophyte với các màu sắc khác nhau như màu xanh lá cây, màu xanh đen, màu vàng sáng…
Nước hồ trong vắt nên du khách có thể nhìn rõ những khúc cây gãy dưới đáy hồ. Nước hồ thay đổi nhiều gam màu khác nhau, từ xanh ngọc bích, lam, lục, vàng đến xanh dương. Hầu hết những sắc màu này đều hội tụ trên mặt hồ và hòa quyện với nhau như những dải kim tuyến đa sắc.
Bao phủ hầu như toàn bộ hồ nước là màu xanh lá cây, tuy nhiên nổi lên ở giữa hồ một mảng màu xanh đậm. Do vậy hồ nước thực sự trông như một con nai đốm.
Theo truyền thuyết, vị thần núi đã làm chú hươu thần của chúa tể rừng xanh bị thương khi đang tìm nguồn nước uống. Chúa tể rừng xanh vô cùng tức giận đã cưỡi hươu thần đuổi theo để giết chết thần núi. Để bảo vệ thần núi, các vị thần núi khác đã chặt đứt một chân hươu thần. Hươu thần lăn xuống núi và biến thành hồ nước đa sắc như ngày nay.
Ảnh 360 độ ở Cửu Trại Câu.
3. Hồ Kelimutu, Indonesia
Hồ Kelimutu tại đảo Flores, Indonesia nằm trên một miệng núi lửa và có màu xanh ngắt. Thực ra ngọn núi lửa này chia ra làm 3 hồ nước, nguồn gốc đều đến từ sự hoạt động của núi lửa Kelimutu trước đây. Toàn bộ 3 hồ có diện tích 1.051.000m vuông với khối lượng nước chứa trong hồ là 1.292m khối nước. Các hồ được ngăn cách bởi một vách đá rất mỏng và có nguy cơ sụp lở. Bức tường của hồ cao từ khoảng 50 – 150m.
Hồ Tiwu Ata Mbupu (hay còn gọi là Hồ của Người Già) thường có màu xanh và nằm gần phía Tây nhất so với 2 hồ còn lại. Hồ Tiwu Nuwa Muri Koo Fai (Hồ của các Chàng Trai và Cô Gái ) và hồ Tiwu Ata Polo (Hồ Phù Thủy) thì nằm riêng biệt và có màu xanh lá cây hoặc đỏ tùy vào mật độ các chất có trong miệng núi lửa.
Màu sắc của nước trong hồ thay đổi liên tục theo thời gian. Theo các nhà khoa học, sự thay đổi màu sắc của nước trong hồ là do sự phản ứng hóa học của trữ lượng khoáng sản hay ảnh hưởng của loài sinh vật, rong rêu và đá trong miệng núi lửa gây ra.
Theo niềm tin của người dân địa phương thì màu sắc của nước của hồ tượng trưng cho một thế lực siêu nhiên hùng mạnh. Hồ nước màu xanh là nơi thu nhận những linh hồn người khi chết trẻ còn quá trẻ, hồ nước màu đỏ là nơi thu nhận linh hồn của những người chết bị phạm pháp, dính vào vòng lao lý, còn hồ nước còn lại là nơi thu nhận linh hồn của cha mẹ khi đã chết.
(kenh14.vn)