Nghệ thuật “trói” và bóc lột nhân viên của Apple
Năm ngoái, trong vòng 3 tháng thành công nhất, Jordan Golson đã bán được khoảng 750.000 USD các loại máy tính và phụ kiện tại cửa hàng Apple Store ở thị trấn Salem, bang New Hampshire. Lẽ ra với thành công trên Golson có thể được nhận một chai Champagne nhưng đó không phải thứ xa xỉ anh có thể chi trả.
Apple luôn khai thác triệt để sự nhiệt huyết của các nhân viên
“Trung bình mỗi giờ tôi kiếm được 11,25 USD”, anh tâm sự với tờ New York Times. “Một phần trong tôi nghĩ rằng, “Tình hình thật tuyệt. Tôi là fan của Apple và cửa hàng đang hoạt động tốt”. Nhưng khi nhìn vào số tiền khổng lồ công ty đang thu lợi và rồi nhìn vào đồng lương của mình, thật khó có thể chấp nhận”.
Trên thế giới, không thể phủ nhận rằng Apple Store là ông hoàng, là một hiện tượng trong ngành bán lẻ bởi những thiết kế gian hàng cực kỳ bắt mắt, dịch vụ khéo léo cùng doanh thu ngất ngưởng. Trong năm ngoái, 327 cửa hàng toàn cầu của họ đạt mức doanh thu/m2 diện tích cao hơn bất kỳ nhà bán lẻ nào khác tại Mỹ và gần gấp đôi công ty xếp thứ nhì là Tiffany. Tính tổng cộng các cửa hàng này đã bán được tới 16 tỷ USD hàng hóa.
Thế nhưng các nhân viên bán hàng của Apple lại chỉ được hưởng một phần rất nhỏ, khác xa với những gì mọi người thường nghĩ về nhân viên của hãng này. Không hề có những khoản lương ngất ngưởng hay thưởng “khủng” như các lãnh đạo ở trụ sở chính tại Cupertino, California. Thay vào đó những người này chỉ đơn thuần được trả lương theo giờ.
Hiện có khoảng 30.000 trong tổng số 43.000 nhân viên của Apple tại Mỹ làm việc tại các Apple Store. Nhiều người trong số họ chỉ được trả 25.000 USD/năm. Mức lương trung bình một nhân viên bán hàng của hãng điện thoại Verizon được nhận thường gấp đôi số này chưa kể các khoản thưởng hoa hồng theo doanh số.
Trong năm ngoái, tính bình quân mỗi nhân viên tại các cửa hàng của họ, bao gồm cả những người không bán hàng trực tiếp, đem về 473.000 USD, cao hơn rất nhiều mức doanh số 206.000 USD/đầu người của các công ty nhóm ngành điện tử và thiết bị gia dụng. Vậy vì sao Apple vẫn giữ chân được các nhân viên và đầy sức hút với giới trẻ?
Đó chính là nghệ thuật khai thác sự nhiệt huyết của các tín đồ công nghệ cùng khả năng “thổi” vào họ suy nghĩ rằng họ đang làm một việc thật lớn lao, cao quý chứ không đơn thuần là một nghề nghiệp. “Khi làm việc cho Apple, bạn có cảm giác rằng mình đang làm việc một thứ gì đó tốt đẹp, vĩ đại hơn”, một cựu nhân viên bán hàng của Apple chia sẻ.
“Chính những tín đồ thực sự đi trước sẽ lôi kéo những người trẻ, bất kỳ ai từng đặt chân vào Apple Store sẽ biết điều đó. Và đội ngũ bán hàng khá trẻ này giải thích vì sao nhiều người đánh giá công ty này dựa trên một chuẩn khác thay vì mức cao hay thấp của tiền lương”, Paul Osterman, giáo sư tại trường kinh doanh Sloan, học viện M.I.T giải thích.
Hàng năm chỉ một số ít trong số hàng chục ngàn ứng viên được Apple gọi phỏng vấn. Công ty sẽ sàng lọc trong số này những người có các phẩm chất như “hòa nhã” và khả năng “tự lãnh đạo” chứ không phải những người hiểu biết về công nghệ. Đơn giản bởi kiến thức thì có thể được đào tạo còn những phẩm chất kia là thì không.
Sau đó các ứng viên được mời tới một hội thảo tại một khách sạn lớn. Nếu ai đến trễ vài phút họ sẽ bị loại. Sự cạnh tranh cao độ khiến nhiều người hạnh phúc đến độ khóc nức nở khi biết mình được tuyển dụng. Và từ đây quá trình định hướng tư tưởng cho ứng viên bắt đầu và có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần.
Theo tờ New York Times, đầu tiên sẽ là một buổi chào đón nhiệt liệt. “Khi các nhân viên mới bước vào phòng, các lãnh đạo Apple cùng các nhà đào tạo nhân sự sẽ đồng loạt đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Ban đầu các nhân viên có thể cảm thấy lạ lùng, nhưng khi những tràng pháo tay kéo dài vài phút thì họ thấy thực sự hân hoan”, tác giả bài báo miêu tả.
“Tay của tôi thường đau nhói sau mỗi lần vỗ tay đó”, Michael Dow, người từng có vài năm làm công tác đào tạo cho Apple tại thành phố Providence, bang Rhode Island tiết lộ. Bước sang giai đoạn đào tạo tiếp theo, các nhân viên sẽ được học về những nghi thức xã giao đầy phức tạp trong việc tiếp xúc khách hàng. Một trong số đó chính là: luôn xin phép khách hàng trước khi chạm vào iPhone của họ.
“Chúng tôi nói với các học viên rằng việc đầu tiên họ phải làm đó là ghi nhận những trục trặc với máy mà khách hàng trình bày nhưng không được hứa rằng mình có thể xử lý nó”, Shane Garcia, cựu quản lý khu vực Chicago nói. “Nếu có thể hãy cho họ biết bạn chia sẻ phần nào những cảm xúc họ đang gặp phải. Nhưng cũng cần phải thận trọng để không bị họ nhận ra bạn đang nói dối”.
Cụm từ mà các học viên sẽ phải nghe đi nghe lại ngay từ ngày đầu đặt chân tới cửa hàng đó là “làm cuộc sống thêm phong phú”. Ý tưởng ở đây đó chính là gài vào đầu họ ý niệm rằng công việc họ làm có ý nghĩa vĩ đại chứ không chỉ là bán và sửa chữa các sản phẩm.
“Nếu có một bí mật nào đó đằng sau sự hấp dẫn của Apple đó chính là: công ty này luôn khiến các nhân viên cảm thấy mình thật cao quý, quan trọng. Apple hiểu rằng rất nhiều người sẵn sàng cho qua chuyện tiền bạc một khi họ có cảm giác rằng mục đích của mình còn cao hơn thế”, tác giả bài báo khẳng định.
(còn tiếp)
Thanh Tùng
Theo New York Times
(dantri.com.vn)