IMF cảnh báo nguy cơ “sốc dầu mỏ” vì trừng phạt Iran
Iran đã sản xuất 5% lượng dầu mỏ toàn cầu.
Theo IMF, hơn nữa, nếu Iran thực thi đe dọa phong tỏa tuyến đường vận chuyển dầu mỏ qua eo biển ở vùng Vịnh, cú sốc này thậm chí còn lớn hơn.
Ông Gary Sick, nguyên cố vấn Nhà Trắng dưới thời hai tổng thống Ford và Carter, có cùng quan điểm với IMF. Theo ông này, nếu Iran bị cấm vận dầu mỏ, tức là nước này sẽ không còn gì để mất, do đó một sự đáp trả mạnh tay.
Ông Sick còn cho rằng Tehran thậm chí hoàn toàn có thể viện đến quân sự: nước này có thể phóng tên lửa đánh phá các bến cảng hoặc các khu lọc dầu ở bờ bên kia Vùng Vịnh, và như vậy sẽ gây khó khăn cho việc xuất khẩu dầu của Arập Xêút và Koweit. Giá dầu vì thế sẽ tăng cao. Kinh tế phương Tây vốn đang khó khăn sẽ càng chồng chất khó khăn.
Khoảng 1/4 lượng dầu mỏ toàn cầu, và khoảng 40% lượng dầu xuất khẩu – gồm từ Iraq, Kuwait và Arập Xêút – được vận chuyển qua eo biển này mỗi năm.
IMF dẫn chứng rằng thị trường dầu mỏ quốc tế đã có phản ứng tiêu cực trước nguy cơ leo thang căng thẳng giữa một bên là Iran và bên kia là Mỹ, châu Âu và Israel. Các nước phương Tây tiếp tục đe dọa trừng phạt nếu Iran không chấm dứt chương trình hạt nhân mà những nước này cho rằng được tiến hành nhằm phát triển vũ khí.
Hôm 23/1, Liên minh châu Âu (EU) đã quyết định một số biện pháp trừng phạt ngoạn mục nhắm vào Iran để buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân. Hai biện pháp chủ chốt của được đề ra là cấm vận dầu mỏ song song với cấm vận tài chính, nhắm vào ngân hàng trung ương Iran.
Theo các chuyên gia phân tích kinh tế, nếu cấm vận dầu mỏ có thể sẽ chỉ tác động hạn chế, thì cấm vận tài chính sẽ phát sinh hiệu quả mạnh hơn.
Trong lĩnh vực dầu mỏ, ngay sau khi EU loan báo quyết định dần dần ngưng nhập dầu mỏ của Iran, chính quyền Teheran đã lập tức tuyên bố rằng lệnh cấm vận này sẽ không ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu dầu thô của Iran. Theo nhiều quan chức Iran cao cấp, trong bối cảnh nhu cầu dầu mỏ vẫn mạnh, họ có thể bán dầu cho bất kỳ nước nào trên thế giới.
Trong khi đó, lệnh trừng phạt của phương Tây trong lĩnh vực tài chính được cho là sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn. Việc tăng cường các biện pháp phong tỏa các ngân hàng Iran – áp dụng từ năm 2010 – có thể làm cạn kiệt nguồn ngoại tệ của Iran, hạn chế khả năng đầu tư của Iran vào việc phát triển nguồn tài nguyên dầu khí, vốn đã bị hao tổn nhiều trong thời gian qua, gây xáo trộn cho nền kinh tế nước này.
Hà Khoa
Theo AFP, BBC