Ngày thứ Sáu đen phủ bóng ảm đạm lên eurozone
S&P đã biến đồn đoán thành hiện thực
Ngày thứ 6 đen
Những tin đồn về việc S&P có thể bắt đầu giảm chỉ số xếp hạng tín nhiệm của các nước khu vực đồng euro xuất hiện trong ngày 13/1 đã gieo rắc sự hoảng loạn trên thị trường thế giới. Thứ Sáu ngày 13 đã là một ngày điên rồ đối với châu Âu.
Sự kiện chủ chốt là kết cục thất bại của cuộc đàm phán giữa Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papadimosom và đại diện các ngân hàng để xóa nợ của Hy Lạp đến 50%. Thương thuyết không thành đã đưa Athens gần thêm một bước nữa tới đổ vỡ phá sản, có thể gây tổn thất rất lớn cho các ngân hàng, cho chính phủ các nước thuộc khu vực đồng euro và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Nhưng ngày thứ Sáu đen chưa dừng lại ở đấy. Cơ quan thẩm định tài chính quốc tế S&P đã biến đồn đoán thành hiện thực khi thực hiện lời đe dọa đưa ra nhiều tháng qua, đó là hạ điểm tín nhiệm tài chính của Pháp, cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực đồng euro, nhưng cơ quan này đã không đụng đến nước Đức.
S & P đổ lỗi cho sự thất bại của các nhà lãnh đạo châu Âu trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng.
Trong bản thông cáo, S&P cho rằng những biện pháp mà các lãnh đạo châu Âu thi hành trong những tuần qua “vẫn chưa đủ để giải quyết hoàn toàn các vấn đề có tính chất cơ cấu của khu vực đồng euro”. Cho nên, hãng này đã hạ hai bậc điểm các nước Tây Ban Nha, Italia, Chypre, Bồ Đào Nha và hạ một bậc điểm các nước Pháp, Áo, Malta, Slovaquia và Slovenia.
Mức điểm của những nước khác được giữ nguyên, nhưng S&P đặt toàn bộ các quốc gia khối euro vào diện “viễn cảnh xấu”, ngoại trừ Đức và Slovaquia, được xem là “có viễn cảnh ổn định”.
Đặc biệt, việc hạ điểm nước Pháp, một trong hai đầu tàu kinh tế của châu Âu cùng với Đức, sẽ có những tác động rất mạnh trong khu vực đồng euro. Quỹ bình ổn tài chính FESF, cơ chế hỗ trợ các nước đang gặp khó khăn, trong những ngày tới cũng có nguy cơ bị mất hạng điểm AAA, khiến cho nhiệm vụ của quỹ này thêm phức tạp.
Bộ trưởng Kinh tế François Baroin đã cố giảm nhẹ tầm mức của việc nước Pháp bị hạ điểm, cho rằng “đây không phải là một tin tốt nhưng cũng không phải là một thảm hoạ”- ông Baroin cho biết sau khi kêu gọi cuộc họp khẩn với Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Thủ tướng và các bộ trưởng khác.
Tuy nhiên, về mặt chính trị nội bộ, việc nước Pháp bị mất điểm tín nhiệm AAA là một vố đau đối với đương kim tổng thống Nicolas Sarkozy trong khi chỉ còn khoảng 100 ngày nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống 2012.
Còn những ngày đen tối nữa…
Quan chức kinh tế hàng đầu của EU, ông Olli Rehn, phê phán việc S&P hạ điểm tín dụng chín nước khu vực đồng euro, nói rằng quyết định này “không nhất quán” vì khu vực đồng euro đang có “hành động dứt khoát” để ngừng khủng hoảng nợ.
Ông Olli Rehn, nói rằng ông lấy làm tiếc trước quyết định không phù hợp của S&P tại thời điểm các nước trong khu vực đồng Euro đang có hành động quyết định trên tất cả các mặt trận để ứng phó với cuộc khủng hoảng.
Nhiều quan chức châu Âu cũng chỉ trích Công ty đánh giá mức tín nhiệm tín dụng S&P.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng việc tụt hạng tín dụng của 9 nước Âu châu cho thấy Liên minh châu Âu có một “con đường dài” trước mắt để phục hồi niềm tin của giới đầu tư. Tuy nhiên, bà cũng cho rằng vụ hạ thấp thứ hạng tín dụng không phải là một việc gây ngạc nhiên và khu vực đồng euro sẽ đẩy nhanh việc thực thi quĩ cứu nguy thường trực có tên là Cơ chế Ổn định Âu châu.
Nói chung, quyết định ngày hôm qua của S&P khiến khủng hoảng khu vực đồng euro nghiêm trọng trở lại, nhất là vì hãng này cảnh báo là từ nay đến cuối năm 2013 có thể sẽ hạ điểm thêm nữa đối với toàn bộ các quốc gia khối euro, ngoại trừ Đức và Slovaquie.
Thêm vào đó, những cuộc thương lượng về nợ của Hy Lạp hiện đang gặp bế tắc, nguy cơ nước này bị phá sản vẫn còn rất lớn.
Hà Khoa
Tổng hợp