Y học ngày nay đôi khi vẫn phải “bó tay” trước những căn bệnh nan y, bệnh mãn tính. Trong khi đó, người xưa thường giảng bệnh tại tâm sinh, vì vậy cách trị bệnh triệt để nhất chính là trị từ tâm bệnh. Câu chuyện trị bệnh của vị bác sĩ Đông y dưới đây là một ví dụ.
Một bệnh nhân mà tôi xin gọi là Rita đã đến gặp tôi để điều trị bệnh Parkinson. Trong Đông y, bệnh Parkinson còn được gọi là bệnh run chân tay. Rita được một bác sĩ Tây y giới thiệu đến chỗ tôi. Cô đã bị bệnh này 3 năm. Hai tay cô luôn run rẩy, bên phải bị nhiều hơn bên trái.
Tay Rita run đến mức khi ăn uống, thức ăn luôn rơi xuống sàn trước khi đến được miệng cô. Mặc dù tình hình đã cải thiện sau khi tôi điều trị một thời gian, nhưng bệnh vẫn luôn tái phát.
Sau vài lần tái phát như vậy, tôi bắt đầu hỏi kỹ hơn về những sự kiện xảy ra gần đây trong cuộc sống của Rita. Và cô đã kể cho tôi những chuyện khiến cô khổ não suốt 3 năm qua.
Trong khi kể, tâm trạng Rita thay đổi từ bình ổn sang kích động, giận dữ, rồi buồn bã. Lúc đó tôi mới hiểu nguyên nhân thực sự đằng sau căn bệnh của cô là gì và những muộn phiền đó đã đến như thế nào.
Rita kể: “Chồng tôi và tôi sở hữu và điều hành một công ty vận tải. Chúng tôi có một biệt thự trên một hòn đảo. Vợ chồng tôi và một nhà hàng xóm nữa là những cư dân duy nhất sinh sống trên đảo này, 2 gia đình cùng đi chung một con đường. Vì đường bị hư hỏng nên hai vợ chồng tôi đề nghị chia sẻ chi phí để cùng sửa chữa nhưng họ đã từ chối và chúng tôi không còn cách nào khác là tự mình thực hiện.
Không ngờ những người thợ sửa đường đã vô tình để lại một đống đá giữa đường, khiến những người hàng xóm rất bất tiện khi đi lại.
Họ nghĩ rằng chúng tôi đã tức giận và cố ý làm vậy. Thế nên họ đã đóng một cái cổng trên khu đất nhà họ, khóa mất đoạn đường chúng tôi thường đi về căn biệt thự. Và rồi chúng tôi phải lái xe thêm vài dặm mới có thể đến được nhà mình.
Chồng tôi bắt đầu nói về hành động của họ bằng những lời lẽ thô tục, và trong lúc tức giận đã cắt nước của gia đình đó. Bởi vì trước đây nhà tôi lắp đặt hệ thống nước dùng trước, sau đó họ mới dẫn nhờ để tiết kiệm tiền.
Gia đình kia gần như phát điên lên vì tức giận. Họ xây nguyên một bức tường đá giữa đường, chặn hoàn toàn đường về nhà tôi, khiến chúng tôi mất 2.000 USD để sửa lại con đường, còn 2 gia đình thì trở thành kẻ thù không thể nào hòa giải. Trên hết, điều bực bội nhất là cả hai nhà đã phải tìm đến sự hỗ trợ của pháp luật, và kết quả là tốn thêm một khoản chi phí khoảng 2 triệu USD nữa!
Trong 3 năm qua, chúng tôi đã không thể sống trong căn biệt thự. Và những người hàng xóm cũng không thể sống trong nhà của họ. Mâu thuẫn giữa chúng tôi giờ đây đã lên đến đỉnh điểm một mất một còn. Vì tòa án chưa đưa ra phán quyết, nên chúng tôi không thể bán căn biệt thự, cũng không thể sống ở đó, nhưng vẫn phải duy trì ngôi nhà”.
Khi Rita kể chuyện, tôi có thể thấy cô ấy đang run lên vì tức giận. Mặt cô đỏ bừng, và cô như đang bên bờ sụp đổ. Chứng kiến nỗi khổ và sự tức giận của Rita, tôi có thể thấy căn nguyên của việc bệnh liên tục tái phát. Tức giận ảnh hưởng bất lợi đến gan, do đó gây ra sự kích thích khiến người ta càng tức giận hơn. Với trường hợp này, nó gây ra sự bực bội, làm ảnh hưởng xấu đến dòng chảy năng lượng, tinh thần và cơ thể.
Căn bệnh này không phải bắt nguồn từ vụ tranh cãi với hàng xóm mà nó đến từ cách nhìn nhận mâu thuẫn trong cuộc sống của cô. Trên thực tế, chỉ với một ý nghĩ, cuộc xung đột cũng có thể được hòa giải dễ dàng, nhưng giờ đây, chỉ vì sự hẹp hòi, những tranh cãi đã kéo dài vô tận với bao nhiêu tiền của bỏ ra vô ích, và những gì còn lại chỉ là sự bực tức, phiền muộn triền miên.
Tôi biết rằng bệnh của Rita không thể chữa khỏi chỉ với thuốc men, mà phải được giải quyết từ gốc rễ. Vì vậy, tôi đã nói chuyện với Rita về chữ Nhẫn và giải thích nguyên lý này cho cô ấy.
“Nhẫn một chút sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, tôi khuyên Rita.
Sau khi nghe tôi, Rita nói nếu cô nghe được những lời này từ ba năm trước, cô sẽ không bao giờ cho phép tình hình phát triển đến mức như ngày hôm nay.
Tôi cũng nói với Rita về các nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, và về Pháp Luân Đại Pháp, một môn tu luyện cả tâm lẫn thân của Phật gia. Tôi còn nói chuyện với cô về luân hồi và những ảnh hưởng qua lại của nghiệp lực.
Đây là lần đầu tiên cô nghe về những nguyên lý này. “Ôi trời! Phải chăng chúng ta đã đi lệch quá xa khỏi nguyên lý Chân Thiện Nhẫn đến nỗi tự gây ra những khổ nạn cho chính mình? Phải chăng vì chúng ta đã làm nhiều điều xấu trong đời trước, nên giờ đang mắc nợ rất nhiều người? “
“Phải chăng đó chính là lý do tại sao chúng ta đang phải chịu những hình phạt này? Liệu đó có phải là lời cảnh báo cho chúng ta?”, cô hỏi.
Sau đó tay cô tự nhiên ngừng run. Khi chuẩn bị rời đi, Rita nói với tôi: “Bác sĩ, cô đã kết thúc ba năm trầm cảm và oán hận của tôi”.
Tôi không nói gì thêm mà chỉ nhìn cô bước đi và thở dài nhẹ nhõm.
Hồng Liên, theo Vision Times