Các nhà khoa học thuộc Đại học São Paulo ở Brazil mới đây đã phát hiện ra kẻ săn mồi kỳ lạ nhất thế giới, một sinh vật đơn bào bé nhỏ không có não và chỉ có một con mắt ở độ sâu 90m tại một đại dương ở vùng Nam Mỹ.
Giới nghiên cứu đã đặt tên loài sinh vật bé nhỏ này là Erythropsidinium. Cùng với đó, họ còn phát hiện ra con mắt của Erythropsidinium có cấu trúc giống như một nhãn cầu, nhạy cảm với ánh sáng, giống đôi mắt của các loài có xương sống hay con người.
Nghiên cứu sâu hơn, Tiến sĩ Fernando Gómez thuộc ĐH São Paulo phát hiện, dù chỉ có một mắt nhưng Erythropsidinium lại có khả năng nhắm thẳng con mồi và bắn một phi tiêu cực nhỏ vô cùng chính xác.
Chia sẻ với New Scientist, Gómez nói: “Erythropsidinium thuộc về một nhóm sinh vật phù du biển, được biết đến giống như loài tảo. Chúng sử dụng một cái đuôi nhỏ để di chuyển xung quanh. Khi phát hiện ra con mồi, chúng sẽ dựa vào ánh sáng có được và ngắm mục tiêu để bắn phi tiêu, hạ gục đối tượng. Tuy nhiên, không phải lúc nào Erythropsidinium cũng nhắm mồi chính xác”.
Theo các chuyên gia, dường như Erythropsidinium tinh tế hơn nhiều. Tiến sĩ Gómez tin, loài sinh vật này có thể phát hiện ra con mồi nhờ con mắt đặc biệt nhưng nhiều chuyên gia khác lại cho rằng, Erythropsidinium khó có thể thực sự nhìn thấy con mồi bằng “con mắt” của nó khi không có bộ não xử lý thông tin.
Tuy vậy, Gómez vẫn lập luận rằng, phần mắt của Erythropsidinium (gọi là ocelloid) có thể căn chỉnh kích thước, vị trí, đường đi của con mồi một cách chuẩn xác.
Nghiên cứu về ocelloid ở loài sinh vật này, các chuyên gia tin rằng, họ có thể hiểu hơn về sự tiến hóa của mắt. Hiện các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về loài sinh vật kỳ lạ này.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Public Library of Science One.
Theo Trí Thức Trẻ