Màu xanh của người Ai Cập hay đồng canxi silicat (CaCuSi4O10) là một trong những chất màu nhân tạo đầu tiên được con người sử dụng.
Mẫu vật lâu đời nhất chứng minh cho việc sử dụng hợp chất này có niên đại khoảng 5.000 năm trước. Đó là một bức họa trên tường mộ thuộc triều đại của Ka-Sen, vị pharaoh cuối cùng của Triều đại Đầu tiên. Có nhiều ý kiến khác cho rằng thời gian ‘màu xanh Ai Cập’ được sử dụng sớm nhất là trong giai đoạn từ Triều đại Thứ Tư đến Vương triều Trung (Middle Kingdom), khoảng 4.500 năm trước.
Tuy nhiên, vào thời Vương triều Mới (New Kingdom), màu xanh Ai Cập đã được dùng phổ biến như một chất màu trong hội họa và có thể thấy trên các bức tượng, tranh vẽ ở lăng mộ và trên các áo quan. Ngoài ra, màu xanh Ai Cập còn được dùng để sản xuất đồ gốm tráng men hay còn gọi là đồ sứ Ai Cập.
Màu xanh dương đặc trưng của chất màu này là do đồng – một trong những thành phần chính có trong hợp chất – thay đổi từ nhạt sang đậm tùy thuộc quá trình và cách pha trộn khác nhau. Nếu nghiền thô, sắc xanh sẽ đậm. Nếu nghiền thật mịn, màu xanh tạo ra sẽ nhạt và tao nhã. Chất màu này được chế tạo bằng cách nung nóng hợp chất của canxi (thường là canxi cacbonat), hợp chất chứa đồng (hợp chất kim loại hoặc khoáng chất malachite), cát silica và soda hoặc potash hòa trộn ở nhiệt độ khoảng 850 – 950 độ C.
Trong tín ngưỡng Ai Cập, màu xanh là màu của bầu trời và cũng là màu của vũ trụ, nó còn gợi đến màu nước và sông Nile. Vì vậy, màu xanh là sắc màu của cuộc sống, của sự màu mỡ và tái sinh. Một trong những hợp chất màu xanh tự nhiên được người Ai Cập sử dụng là lapis lazuli, loại đá màu xanh đậm, có thể nghiền thành bột. Vì lapis lazuli là một mặt hàng xa xỉ phải nhập từ Afghanistan nên không quá ngạc nhiên khi người Ai Cập tìm cách sản xuất một chất màu tổng hợp để sử dụng thay thế đá lapis lazuli.
Việc sản xuất màu xanh Ai Cập cuối cùng đã phát triển ra khỏi biên giới nước này khi người ta có thể tìm thấy loại hợp chất màu này ở khắp vùng Địa Trung Hải. Màu xanh Ai Cập được tìm thấy rất nhiều ở Hy Lạp và La Mã, trên các bức tượng tại đền Parthenon ở Athens và những bức tranh tường ở Pompeii. Mặc dù được ứng dụng nhiều trong nghệ thuật nhưng màu xanh Ai Cập không còn được sử dụng và phương pháp sản xuất chất màu này bị quên lãng cùng với sự kết thúc của đế chế La Mã.
TK 19, màu xanh Ai Cập tái xuất hiện. Các cuộc khai quật tại Pompeii cho thấy nhiều bức tranh tường được vẽ bằng màu xanh Ai Cập và điều này đã thúc đẩy các nhà khoa học nghiên cứu chính xác những thành phần chính tạo nên chất màu này.
Kể từ đó, các nhà khoa học đã có một sự hiểu biết sâu rộng hơn về tính chất độc đáo của nó. Các thí nghiệm phát hiện, khi được ánh sáng đỏ chiếu vào, màu xanh Ai Cập mang đặc tính phát xạ ánh sáng hồng ngoại mạnh mẽ bất thường. Sự phát xạ này cực kỳ mãnh liệt và kéo dài khá lâu nhưng không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ngoài ra, một khám phá bất ngờ khác là màu xanh Ai Cập sẽ phân tách thành các “tấm nano” (nanosheet) – mỏng hơn sợi tóc hàng ngàn lần – nếu được khuấy trong nước ấm vài ngày. Các nhà khoa học tin rằng, với đặc tính độc đáo này, màu xanh Ai Cập có thể phù hợp với nhiều ứng dụng hiện đại.
Một ngày nào đó màu xanh Ai Cập có thể được dùng vào cho mục đích liên lạc khi những chùm ánh sáng của nó có thể ứng dụng vào các thiết bị điều khiển từ xa và viễn thông. Hơn nữa, màu xanh Ai Cập có thể được sử dụng trong kỹ thuật chụp ảnh sinh học tiên tiến vì tính chất tính chất phát xạ cận hồng ngoại giúp tia sáng xuyên quan các mô tốt hơn bước sóng khác. Với khả năng trở thành giải pháp trong lĩnh vực mực in, màu xanh Ai Cập mở ra những triển vọng kết hợp với các ứng dụng hiện đại, chẳng hạn như phát triển loại mực in an ninh mới hay thuốc nhuộm sinh học.
Hàn Mai, Hồ Duyên – Theo Ancient Origins