Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần, dưới bút pháp vừa thực vừa hư, ông muốn con người thế gian, những người đang si mê tại chốn “Hồng Lâu” hãy thức tỉnh. Thực tế, ý nghĩa ẩn sau trong câu chuyện chính là huyền cơ tu luyện của Phật gia và Đạo gia.
Trong phần 5, Hồng Lâu Mộng đã chỉ ra rằng con người vì cái tình nên mới khởi lên mọi buồn vui thương ghét. Tuy nhiên, trần gian là một vở kịch đã có an bài từ trước, nên khi có mâu thuẫn xảy ra, hãy bình thản đón nhận sự việc, như thế tâm tính của chúng ta mới được nâng cao, từ đó phản bổn quy chân tìm về nguồn cội.
6. Tướng tùy tâm sinh
“Linh tại ngã bất linh tại ngã” hay câu “tướng tùy tâm sinh” là muốn nói mọi việc đều do tâm của mình, do sự suy tưởng của mình mà hình thành. Khi người buồn thì mặt ủ mày chau, nhìn đâu cũng thấy một màu ảm đạm. Lúc vui sướng khoái lạc thì thấy thế giới như tưng bừng nở hoa. Thích đọc sách thì hay tìm vào thư viện hay đến quầy bán sách. Ham rượu chè cờ bạc thì tìm đến trà đình tửu điếm.
Hồng Lâu Mộng cũng nói việc này qua các nhân vật Tiết Bàn, Bảo Ngọc và Giả Thụy:
“Tiết công tử lúc đi học đặt tên là Tiết Bàn, tên chữ là Văn Khởi, từ khi lên năm lên sáu, tính tình đã xa xỉ, nói năng kiêu ngạo. Hắn cũng có đi học, nhưng chỉ học qua loa mấy chữ rồi suốt ngày ham gà chọi chó săn…“Khi dọn đến phủ Vinh, chưa đầy một tháng, hắn đã quen biết một nửa con cháu nhà họ Giả. Bọn này đều là con nhà phú quý, ai cũng thích chơi với hắn, nay uống rượu, mai thưởng hoa, đánh bạc, dâm đãng, trò chơi nào cũng có mặt Tiết Bàn…”, như thế Tiết Bàn đã nhập bọn với người cùng “chí hướng” như mình.
Xét về Giả Bảo Ngọc lúc còn mê đời, đắm đuối tình sắc, nằm mơ thấy lên cung tiên, thấy có tấm biển đá ghi “nghiệt cảnh đài” (túc là gương oan nghiệt). Rồi khi thức giác tu hành, cũng nằm mơ thấy lên cung tiên ấy, thì tấm biển đá lại ghi là “chân như phúc địa”.
Giả Thụy là con người dâm sắc, ngày đêm mơ tưởng Phượng Thư đến sinh bệnh, chạy thuốc không khỏi, phải nhờ đạo sĩ dùng gương phép để chữa, nhưng vì trong đầu lúc nào cũng nghĩ chuyện tà vậy, nên khi nhìn vào gương thì thấy Phượng Thư làm tình cùng mình, đến nỗi phải chết vì thoát dương.
Như vậy Hồng Lâu Mộng muốn nhắc nhở chúng ta rằng: “Tốt xấu xuất phát từ một niệm”. Nếu ta biết nuôi dưỡng những tư tưởng cao thượng, những ý niệm tốt lành trong tâm, thì ta sẽ thu hút được các nhân tố tốt đẹp, thiện lành trong vũ trụ vào người, từ đó thăng hoa được tầng thứ tâm linh của mình. Còn nếu chỉ nghĩ đến việc bất hảo, thì các nhân tố hắc ám trong vũ trụ sẽ vây bám lấy ta, đưa ta vào chỗ khổ đau bất hạnh.
Thế nào là tư tưởng cao thượng, ý niệm tốt lành?
Đó là tư tưởng muốn được đồng hóa với đặc tính Chân – Thiện – Nhẫn của vũ trụ; là ý niệm muốn tu luyện, muốn làm tròn thệ ước khi xưa trên thiên thượng, để viên mãn trở về nguồn cội.
Chính niệm chính hành
Hồng Lâu Mộng viết ở phần cuối của hồi bốn: “Giả Chính tuy rằng dạy con có phép, trị nhà rất nghiêm, nhưng vì trong phủ quá rộng, dòng họ thì to, người thì nhiều, việc công việc tư bề bộn, mà tính Giả Chính lại khoáng đãng, chỉ ham xem sách, đánh cờ…nên bọn con cháu tha hồ làm loạn bê tha trác táng…”
“Giả Chính” là tên một nhân vật trong Hồng Lâu Mộng. Tác giả dùng hai chữ “giả chính” là muốn nhắc mọi người: Sống trong cõi trần “giả” tạm này, ta phải có “chính” niệm. Tức là chủ hồn (chủ ý thức) luôn phải biết mình đang làm gì, nói gì, đang suy tư điều chi. Việc làm đó, lời nói đó, sự suy tư đó có phù hợp với Chân – Thiện – Nhẫn hay không?
Đang luyện công mà đầu óc cứ mơ tưởng việc đâu đâu là mất đi chính niệm rồi đấy. Khi đã nhận trách nhiệm làm việc gì đó, dù đời hay đạo, hay có thệ ước trong tu luyện, thì cần phải để tâm chuyên nhất vào đấy, không được quên trách nhiệm của mình. Nếu ta mất đi chính niệm, thì sẽ không có chính hành và ta sẽ thất bại trong việc tu thân, tề gia (giống như giả Chính đã để bọn con cháu trong phủ làm loạn mất kỷ cương gia pháp vậy).
“Hộ quan phù”
Trong hồi bốn của Hồng Lâu Mộng, anh lính nói với Giả Vũ Thôn, lúc này đang làm quan, về “hộ quan phù”.
Vũ Thôn hỏi: “Thế nào là “hộ quan phù”?”
Anh lính: “Hiện nay, các quan địa phương ai cũng có một cuốn sổ riêng, ghi rõ họ tên các nhà thân hào lớn, có tiền, có thế trong tỉnh. Ở đâu cũng thế, nếu không biết, nhỡ xúc phạm đến người nhà những bọn này, thì không những quan tước, mà cả đến tính mạng cũng khó giữ được! Vì thế gọi là “hộ quan phù””.
Về bề mặt của văn tự thì “hộ quan phù” là như vậy. Còn về nội hàm thì “hộ quan phù” là ý gì?
Ta biết muốn làm đại quan, phát đại tài thì cần phải có đức. Đức càng lớn thì chức quan càng to càng bền, tiền tài càng thêm phát. Vậy “hộ quan phù” chính là phương pháp giữ đức sao cho không bị tổn giảm. Mà muốn đức không bị tổn giảm thì cần phải biết “hướng nội nhìn lại mình”. Trong sinh hoạt nếu biết hướng nội nhìn lại mình, ta sẽ hóa giải được mọi mâu thuẫn một cách êm thắm, từ đó không bị tổn đức.
Đời cũng như đạo nếu biết thủ đức thì đời sống hạnh phúc, mọi việc hanh thông, tai qua nạn khỏi. Mọi người cần nhớ “hộ quan phù” chính là “hướng nội nhìn lại mình” đấy.
Tướng tùy tâm sinh
Tốt xấu tại mình.
Biết lo thủ đức
Mọi việc an ninh
Hướng nội xét mình
Là phép hộ thân.
Hồng Lâu Mộng với “Tu tại tự kỷ”
Trong hồi năm của Hồng Lâu Mộng. Khi Giả Bảo Ngọc ngủ mộng thấy đi lên Thái hư ảo cảnh, gặp vị tiên cô nói: “Chỗ ta ở cũng gần đây, không có vật chi, chỉ có chén trà tiên, tự tay hái lấy; hũ rượu ngon tự tay nấu lấy; vài cô múa hát mười hai khúc Hồng lâu mộng mới sáng tác, phổ vào cung đàn. Ngươi muốn đến không?”
Bảo Ngọc liền theo tiên cô đến cung Thái hư ảo cảnh, thấy có hai câu đối:
Giả bảo là chân, chân cũng giả;
Không làm ra có, có rồi không.
Khổ đau nước mắt cũng là duyên
Suốt đời ôm hận khóc triền miên.
Xưa ước nguyện
Nay hoàn nguyên
Tình vương sắc
Sắc khởi tình
Giác thì buông
Buông rồi chứng
Sắc không tâm cảnh đều không thật.
Tại sao tiên cô lại nói không có vật chi, chỉ có trà, rượu và nhạc tiên?
Ta hiểu rằng cảnh tiên tượng trưng cho nơi hạnh phúc an lạc trường thọ, không có khổ đau bệnh tật.
Xét về mặt rèn luyện thân thể thì: Trà tiên, rượu tiên và ca khúc Hồng lâu mộng tượng trưng cho tinh, khí, thần. Con người phải biết giữ gìn “tinh huyết chi khí” thì mới sống lâu khỏe mạnh.
Xét về mặt tu dưỡng tâm tính thì: Trà tiên, rượu tiên và ca khúc Hồng lâu mộng đại diện cho Chân, Thiện, Nhẫn. Người ta cần nâng cao tâm tính dựa theo Chân – Thiện – Nhẫn thì nghiệp chướng mới dần tiêu, đạo đức được tăng trưởng, cuộc sống mới an vui.
Tiên cô nói “trà tiên tự tay hái, rượu tiên tự tay nấu và ca khúc Hồng lâu mộng tự sáng tác” có hàm ý rằng, tinh khí thần chẳng ai ban cho mình được, phải tự mình biết bảo dưỡng giữ gìn mới nên.
Chân, Thiện, Nhẫn phải tự mình thức giác hành theo, hiểu Chân, Thiện, Nhẫn thế nào thì nâng cao tâm tính theo thế đó, không ai làm thay ta, hay bắt buộc ta phải theo ai cả. Tự mình tu, tự mình luyện, đó gọi là “tu tại tự kỷ” vậy.
Giả bảo là chân, chân cũng giả; không làm ra có, có rồi không.
Nếu ta sống trong môi trường thuần chính, tu luyện theo chính phái; nhưng ta không sinh hoạt theo tiêu chuẩn của môi trường đó, không tu luyện theo đúng tiêu chuẩn Pháp đã đề ra, rốt cuộc ta cũng trở thành tà vạy xấu ác. Đó là ”giả bảo là chân, chân cũng giả”.
Từ trên thiên thượng không không thanh tịnh, phát thệ ước xuống thế gian trợ sư chính Pháp. Đó là “không làm ra có”.
Hoàn thành thệ ước, phản bổn quy chân, trở về nguồn cội, đó là “có rồi không”.
Bến Mê
Cũng trong giấc mơ đó, Bảo Ngọc thấy mình đi đến chỗ gai góc cùng đường, hùm sói hàng đàn, phía trước là một con sông nước đen ngòm.
Tiên cô gọi: “Đừng đi nữa, quay về ngay!”
Bảo Ngọc hỏi: “Đây là đâu?”
Tiên cô: “Đây là bến mê, sâu vạn trượng, rộng muôn dặm, không có thuyền qua, chỉ có một bè gỗ, do Mộc cư sĩ bẻ lái, Hôi thị giả đẩy sào, chở không lấy tiền, ai có đạo duyên mới qua được”.
Tác giả dựng câu chuyện Bến Mê này để ám chỉ một cách thoát khỏi ô nhiễm của cuộc đời.
Ta hãy tìm hiểu thế nào là Bến Mê?
Đó là tam giới: Dục giới, sắc giới và vô sắc giới (hay còn gọi là danh, lợi, tình). Tất cả mọi sinh mệnh, nếu bị rơi vào đây, bị nhiễm vào danh lợi tình thì đều bị mê muội không thoát khỏi.
Chữ “mộc” nghĩa là như ngây dại, không biết chi. Chữ “hôi” là nguội lạnh như tro tàn.
Tác giả dùng “Mộc cư sĩ, Hôi thị giả” để tượng trưng cho tâm ý nguội lạnh, chán ngán chẳng còn tham luyến mọi sự của thế gian; buông bỏ mọi chấp trước vào danh lợi tình.
“Bè gỗ do Mộc cư sĩ bể lái, Hôi thị giả đẩy sào” hàm ý là phải có tâm ý nguội lạnh trước mọi cám dỗ của danh lợi tình, buông bỏ mọi chấp trước thì mới qua được bến mê.
(Còn tiếp)
Chánh Bình, dịch từ Zhengjian.org