Hồng Lâu Mộng của tác giả Tào Tuyết Cần, dưới bút pháp vừa thực vừa hư, ông muốn con người thế gian, những người đang si mê tại chốn “Hồng Lâu” hãy thức tỉnh. Thực tế, ý nghĩa ẩn sau trong câu chuyện chính là huyền cơ tu luyện của Phật gia và Đạo gia.
4. Hồng Lâu Mộng với các tầng thứ sinh mệnh
Vũ trụ có vô số tầng thứ tương ứng với các chủng loại tâm tính. Trong Hồng Lâu Mộng nêu ra ba tầng thứ cơ bản, giúp con người nhận ra vị trí tâm tính hiện tại của mình mà từ đó nâng cao tâm tính tiến lên cao tầng.
Tầng thứ của người hiền: Người tốt hưởng phúc báo tại thế gian
Khi nhắc đến tác phẩm Hồng Lâu Mộng, người ta biết ngay tác giả là Tào Tuyết Cần.
Xét ở nghĩa bề mặt của văn tự, thì Hồng Lâu Mộng diễn tả mọi nếp sinh hoạt với đủ loại tâm tính, tính khí, tính cách của mỗi nhân vật trong hai phủ Ninh và Vinh.
Ta có thể nói Hồng Lâu Mộng là một thế gian thu nhỏ, Tào Tuyết Cần đã lột tả mọi trạng thái tâm lý của con người trước cám dỗ của danh vọng, lợi lộc, tình cảm. Người đọc ở đây có thấy được con người chính mình hay bạn bè của mình ở trong tác phẩm.
Các nhân vật trong Hồng Lâu Mộng đa phần là những người đã tích được phúc lành ở những kiếp trước, nên qua kiếp này họ được sống trong cảnh giàu sang nhung gấm, vì chưa nghĩ đến tu luyện nên họ vẫn đầy đủ mọi thất tình lục dục, mọi hỷ nộ ái ố trong sinh hoạt…
Phần một của chuyện, đã nói rõ:
Đầy trang truyện hoang đường;
Chua cay lẫn khóc thương;
Nhưng đừng cho là huyễn;
Hàm ý chứa toàn chương.
Ở một góc độ nào đó, Tào Tuyết Cần đại diện cho những người biết “ẩn ác dương thiện” tuyên dương luân lý đạo đức, bài trừ mọi tệ nạn xấu ác. Đó là những người chỉ muốn làm người tốt trên thế gian, được hưởng mọi tiện nghi hạnh phúc.
Đây là tầng thứ bề mặt của Hồng Lâu Mộng – Tào Tuyết Cần: Tầng thứ của những người hiền hưởng phúc báo tại cõi trần.
Tầng thứ của những người tu luyện: “Không Không đạo nhân” với “Tình Tăng Lục”
Đối với những người ở tầng thứ này, Hồng Lâu Mộng giúp họ cảnh tỉnh nhìn lại mình mà buông bỏ mọi vọng tưởng chấp trước. Ở tầng thứ này Hồng Lâu Mộng có tên là “Tình Tăng Lục” và gắn liền với “Không Không đạo nhân”.
Truyện kể: Trải qua mấy đời mấy kiếp, có vị “Không Không đạo nhân” đi tầm sư học đạo, qua đỉnh Vô Kê núi Đại Hoang, đến chân núi Thanh Ngạnh, chợt trông thấy một tảng đá lớn trên đó có bài “Thạch đầu ký” ghi lại sự trải nghiệm về danh lợi tình của hòn đá nơi cõi trần.
Nhờ coi bài “Thạch đầu ký” này mà đạo nhân ngộ được “từ không mà có sắc, do sắc mà sinh tình, từ tình chuyển thành sắc, cuối cùng từ sắc trở về không”. Do đó Không Không đạo nhân đã đổi tên bài “Thạch đầu ký” này thành “Tình Tăng Lục” và đổi tên mình là Tình Tăng.
Thế nào là “Không Không đạo nhân”?
– “Không Không” có hàm ý là “thân không” và “tâm không”, “thân không trong ngũ hành, tâm không còn trong tam giới”.
– Đạo nhân: Người tiến bước trên đường tu luyện.
Vậy “Không Không đạo nhân” tượng trưng cho người tu luyện đang tìm cách đạt tới trạng thái “thân không” và “tâm không”, không còn chấp trước, vướng mắc bất cứ điều gì của thế gian nữa.
Thế còn “Tình Tăng”?
– Tình: Tượng trưng cho cõi thế gian này. Tăng: Người tu luyện.
– Như thế “Tình Tăng” tượng trưng cho người tu luyện ở ngay giữa chợ đời, không trốn tránh mọi mâu thuẫn trong sinh hoạt để nâng cao tâm tính.
Tóm lại: “Tình Tăng Lục” với “Không Không đạo nhân” là cảnh giới của những người tu luyện ngay trong đời thường, không trốn tránh sinh hoạt nơi thế gian mà tiến bước trên con đường phá bỏ mọi chấp trước, tiến đến viên mãn.
Thế nào là: “từ không mà có sắc, do sắc mà sinh tình, từ tình chuyển thành sắc, cuối cùng từ sắc trở về không”.
-Từ trên cao tầng vô vi thanh tịnh, thệ ước cùng Sư Phụ xuống thế gian cứu độ chúng sinh. Đó là “từ không mà có sắc”.
– Xuống trần gian chịu sự cám dỗ của vật chất thế gian: Danh, lợi, tình mà quên thệ ước, đắm chìm trong vật dục (sắc) mà sinh ra đủ mọi cảm xúc vui buồn thương ghét…thất tình lục dục (tình). Đó là “do sắc mà sinh tình”.
– Ở trong cõi “tình” này, nhờ Sư Phụ điểm hóa, thức giác, đắc Pháp, dựa theo Chân – Thiện – Nhẫn mà lo tu luyện cá nhân cùng cứu độ chúng sinh như thệ ước. Đó là “từ tình chuyển thành sắc”.
– Làm tròn nguyện ước, theo Sư Phụ trở về nơi vô vi thanh tịnh, phản bổn quy chân. Đó là “từ sắc trở về không”.
Tầng thứ của các bậc Giác giả: Thạch đầu với Thạch đầu ký
Như đã nói Thạch đầu tượng trưng cho người đã đạt được “bất động tâm trước mọi hoàn cảnh”.
“Thạch đầu ký” ghi lại mọi trạng thái sinh hoạt của hai phủ Ninh, Vinh tượng trưng cho thế gian thu nhỏ.
Vậy Thạch đầu với Thạch đầu ký tượng trưng cho cảnh giới của các bậc Giác giả, tâm không còn vướng mắc, họ lặng lẽ nhìn người đời vì vô minh không hiểu biết mà ngụp lặn trong ảo mộng, các Giác giả không chê cũng không khen, họ tùy cơ duyên mà thị hiện độ hóa chúng sinh.
Chân Sỹ Ẩn với sự buông bỏ
Chân Sỹ Ẩn là một nhân vật trong Hồng Lâu Mộng. Một hôm, Chân Sỹ Ẩn bồng con ra ngoài dạo phố, chợt trông thấy nhà sư chốc đầu đi cùng một đạo sỹ thọt chân, cả hai vừa đi vừa nói như khùng điên. Nhà sư bỗng chỉ vào Sỹ Ẩn nói to: “Thí chủ! Bé này có mệnh không có vận, làm lụy cha mẹ, ẵm nó làm gì?”
Sỹ Ẩn cho là lời rồ dại, không thèm chấp.
Nhà sư thấy thế lại nói: “Thí chủ cho đi! Thí chủ cho đi!”
Sỹ Ẩn khó chịu, bồng con toan quay vào nhà. Nhà sư trỏ vào Sỹ Ẩn cười ồ, ngâm:
“Nuông con, chú ngốc chơi!
Gương Lăng tuyết pha phôi;
Nguyên tiêu coi chừng đấy;
Lửa khói phải buông thôi”.
Đọc qua câu “thí chủ! Đứa bé này có mệnh không có vận, làm lụy cha mẹ, ẵm nó làm gì?” Hẳn ai cũng cho là nhà sư nói về đứa bé. Đây chỉ là nghĩa văn tự ở bề mặt. Còn hàm nghĩa của câu này rất ý vị:
“Đứa bé” đại diện cho con người.
“Có mệnh” nghĩa là “được làm người”.
“Không có vận” nghĩa là “không phải để hưởng thụ kiếp làm người”.
“Làm lụy cha mẹ” nghĩa là làm “cản trở con đường trở về nguồn cội”.
“Ẵm nó làm gì?” nghĩa là “đừng có mê nữa”.
Như vậy nguyên câu “thí chủ! Đứa bé này có mệnh không có vận, làm lụy cha mẹ, ẵm nó làm gì?”
Ta nên hiểu là: “Làm người không phải để hưởng kiếp làm người, phải lo tu luyện để trở về, đừng có mê đời nữa!”
Còn câu: “Thí chủ cho đi! Thí chủ cho đi!”
Có hàm ý là: “Hãy buông bỏ mọi chấp trước đi, buông hết đi!”
Tóm lại hai câu nói của nhà sư có hàm ý nhắc nhở:
Làm người không phải để hưởng kiếp làm người, phải lo tu luyện để trở về, đừng có mê đời nữa! Hãy buông bỏ mọi chấp trước đi, buông hết đi!
Nhà sư muốn nhắc nhở Sỹ Ẩn không nên mê muội việc đời nữa mà hãy lo tu tìm đường trở về. Nhưng lúc ấy “ngộ tính” của Sỹ Ẩn không cao, nên không hiểu gì. Mãi đến khi xảy ra sự việc: Con thất lạc, nhà cháy, sự nghiệp tiêu tan. Sỹ Ẩn mới chán đời, khi gặp lại đạo sỹ thọt chân ca bài “tốt thôi”, Sỹ Ẩn mới buông bỏ hết mà đi tu.
(Bạn có thể tìm hiểu thêm về bài “tốt thôi” trong phần 1)
Lão Tử nói: “Thượng sỹ văn đạo cần nhi hành chi, trung sỹ văn đạo nhược tồn nhược vong…”
Nghĩa là bậc thượng trí chỉ nói một lời là hiểu thấu, buông bỏ ngay. Còn người trung bình thì lúc nhớ lúc quên, cần phải nhắc nhở bằng cách cho vấp ngã, cho đụng chuyện mới hiểu ra vấn đề, mà buông bỏ.
Chúng ta cũng như Sỹ Ẩn trong đây, đều là những người trung căn. Phải có mâu thuẫn, có va chạm khiến ta vấp ngã rồi mới giác ngộ mà buông dần chấp trước vậy.
Nếu muốn có gì liền có nấy;
Làm thần tiên chi cho thêm mệt;
Phải có chua cay hòa nước mắt;
Mới nhìn lại mình, hết mê mết.
(còn tiếp)
Chánh Bình, dịch từ Zhengjian.org