Tóm tắt kỳ trước:
Nguồn gốc thi thể người nhựa hóa luôn là điều bí ẩn và các nhà triển lãm, kể cả tại Việt Nam đều lẩn tránh câu trả lời với lý do bảo mật thông tin người hiến tặng. Kỳ trước cho thấy phần lớn các thi thể nhựa hóa trên thế giới có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trong 8 năm hoạt động cho đến lúc đóng cửa tại Trung Quốc, nhà máy nhựa hóa thi thể đầu tiên của Von Hagens chỉ có duy nhất 1 người hiến tặng (theo phần trả lời phỏng vấn của con trai Von Hagens trên tờ Deutsche Welle); các thi thể còn lại, bao gồm cả các thai nhi, thai phụ, và những thi thể mất nội tạng, đều được gửi tới từ Sở công an Đại Liên trên danh nghĩa các thi thể vô danh tính. Tuy nhiên, Sở công an Đại Liên thực chất chỉ là bức bình phong cho hoạt động giết mổ người tại Trung Quốc…
*****
“Giết mổ” là một từ vốn chỉ được dùng cho súc vật, tuy nhiên tại Trung Quốc chúng cũng được dùng cho cả con người. Bài viết kỳ trước đã chỉ ra mô hình tam giác giết người được quan chức ĐCSTQ hậu thuẫn ở quốc gia này: Các tù nhân lương tâm và tù chính trị bị lấy khỏi nhà tù, đem đi thí nghiệm và giết lấy một phần nội tạng, rồi phần thi thể còn lại được đem đi nhựa hóa. Điều này đã tạo nên hai ngành công nghiệp “giết mổ” người tại Trung Quốc, đó chính là: cấy ghép nội tạng và nhựa hóa thi thể. Quy mô của hai ngành công nghiệp này ra sao?
Nhựa hóa thi thể: Tự do đặt hàng, mua sắm online
Ngày 8/4/2004, khi triển lãm “Body Worlds” của Tùy Hồng Cẩm được mở tại Trung tâm Văn hóa Kiến trúc Trung Quốc, với khẩu hiệu “giáo dục khoa học“, các mẫu vật đã xuất hiện trong triển lãm có ghi giá cả, từ hàng chục tới hàng triệu Nhân dân tệ, biến triển lãm này thành một hội chợ mua sắm thi thể người. Việc thương mại hóa thi thể quá lộ liễu như vậy không phải là điều gì cá biệt.
Ngày 8/8/2006, New York Times đăng tải bài báo “Trung Quốc đem xác ướp ra triển lãm”, trong đó có nhắc đến việc khi các phóng viên đi xác minh nguồn gốc thi thể người trong các nhà máy nhựa hóa tại Trung Quốc, thì các viện bảo tàng “quên” ai đã cung cấp thi thể; công an thay đổi câu chuyện về các thi thể; và các trường đại học thì xác nhận rồi chối bỏ việc bảo quản các thi thể đó. Đi kèm với bài viết này, New York Times còn đăng tải một video với tựa đề “Ngành công nghiệp mới ghê rợn của Trung Quốc”, ví nhựa hóa như một ngành công nghiệp mang lại nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Theo quy định “Quản lý xuất nhập cảnh thi thể và xử lý thi thể” do chính quyền Trung Quốc ban hành chỉ trước đó vài tháng, điều 2 có quy định rằng thi thể người bao gồm xác người và cả các mẫu vật được tạo thành từ xác người, bao gồm cả nội tạng, mô, xương và các loại mẫu vật khác; còn điều 8 thì quy định rằng việc buôn bán hay thương mại hóa thi thể người đều bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, thực tế thì sao?
Kỳ trước cho thấy quy định mới này là một trong những cách thức để giới quan chức trợ giúp cho Tùy Hồng Cẩm lấy cắp mô hình của Von Hagens và khiến cho nhà máy nhựa hóa của Von Hagens phải đóng cửa 1 năm sau đó, vào 2007. Và có lẽ quy định này chỉ có đúng một mục đích như vậy. Sau khi nó có hiệu lực, hàng loạt thi thể người vẫn công khai xuất hiện tại Trung Quốc dành cho đấu thầu, mua online.
1. Đấu thầu thi thể người
Dạo qua một loạt các trang web của Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng tìm thấy các tin đấu thầu tiêu bản thi thể người. Có thể lấy ví dụ:
Trên trang ceiea.com đăng tải:
Ngày 18/12/2006: Đại học Y Quảng Châu công bố đấu thầu thi thể nhựa hóa toàn cơ thể (Số đấu thầu: PSP-GZ-0106115) Thời gian đấu thầu từ 1/12/2006 tới 13/12/2006.
Mô tả: Mẫu vật có toàn bộ hệ thần kinh, toàn bộ động mạch, mạch máu. Đơn vị cung cấp: Công ty nhựa hóa Đại học Y Đại Liên. Giá: 135.000 Nhân dân tệ.
Mô tả: Mẫu vật có toàn bộ động mạch. Đơn vị cung cấp: Công ty nhựa hóa Đại học Y Đại Liên. Giá: 120.000 Nhân dân tệ. Liên lạc: Ông Luo, Đại học Y Quảng Châu. Môi giới: Bà Chan, Công ty đấu giá Quảng Châu.
Mô tả: Mẫu vật có đầy đủ hệ khớp và nội tạng. Đơn vị cung cấp: Công ty Công nghệ Sinh học Keyi Thanh Đảo. Giá: 75.000 Nhân dân tệ.
Mô tả: Mẫu vật có đầy đủ hệ cơ bắp. Đơn vị cung cấp: Công ty Công nghệ Sinh học Keyi Thanh Đảo. Giá: 75.000 Nhân dân tệ. Liên lạc: Ông Luo, Đại học Y Quảng Châu. Môi giới: Bà Chan, Công ty đấu giá Quảng Châu.
Trên trang chinabidding.com, trang đấu thầu được xác nhận bởi Bộ Thương mại, Bộ Tài chính cùng Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, vẫn còn lưu giữ lại tin đấu thầu như sau:
Trường Y thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải yêu cầu đấu thầu cơ thể người nhựa hóa:
Số đấu thầu: 0811-DSITC09202 Thời gian đấu thầu: 24/9/2009 tới 10/10/2009. Nhà thầu thắng: Công ty Công nghệ Sinh học Hồng Phong Đại Liên. Người mời thầu: Công ty TNHH Quốc tế Thượng Hải Dongsong.
Trường Kỹ thuật Nghề Thường Đức, Hồ Nam, Trung Quốc đăng thông báo chỉ định thầu như sau:
Thời gian: 10/11/2011. Ngân sách: 940.000 Nhân dân tệ. Nhà thầu thắng: Công ty TNHH Hongke Weijiao Trịnh Châu. Nguyên nhân chỉ định thầu: “Sử dụng tiêu bản thi thể người từ một nguồn vì công nghệ nhựa hóa yêu cầu thi thể mới, không bảo quản. Các tiêu bản người cần thiết chỉ được cung cấp bởi Công ty TNHH Hongke Weijiao Trịnh Châu.” Liên hệ: Ông Luo Ling, Trường Kỹ thuật Nghề Thường Đức.
Trường Đại học Y Mẫu Đơn Giang đăng tin đấu thầu các tiêu bản người phục vụ cho giảng dạy trên mdj.gov.cn vào ngày 15-2-2012 như sau:
Công bố đấu thầu: 20/6/2011. Công bố nhà thầu tham gia: 15/12/2012. Nhà thầu thắng: Hồng Phong Đại Liên. Giá: 997.000 Nhân dân tệ.
2. Mua hàng online
Công ty TNHH Nhựa hóa Đại học Y Đại Liên của Tùy Hồng Cẩm quảng cáo công khai trên mạng rằng họ bán các mẫu vật nhựa hóa, trong đó có 7 mục khác nhau, bao gồm hệ thống tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ nội tiết, vùng niệu sinh dục, hệ hô hấp, và hệ thống giác quan. Các mẫu vật có giá từ 4.500 Nhân dân tệ tới 108.500 Nhân dân tệ. Hầu như giá của các mẫu vật đều có thể “thương lượng trực tiếp”. (Dữ liệu năm 2009 tại caigou.com.cn)
Nhưng đó chưa phải là hết. Nếu thử lên các website quen thuộc hơn với người Việt, sẽ dễ dàng bắt gặp các mẫu vật nhựa hóa được bày bán công khai trên Alibaba:
Hay một trang web của công ty nhựa hóa Trung Quốc MeIwo Science phục vụ người nước ngoài:
3. Triển lãm thi thể người mang về bao nhiêu tiền?
Triển lãm “Bodies – The Exhibition” của Tùy Hồng Cẩm đã trở thành nguồn thu chính cho nhà tổ chức triển lãm Premier Exhibitions. Theo một phóng viên của tờ Southern Metropolis, vào năm 2009, 67% doanh thu của Premier tới từ “Bodies – The Exhibition”. Premiere cũng tuyên bố trên trang web của mình rằng 15 triệu khách tham quan đã xem triển lãm này. Tại Las Vegas, New York và Atlanta, triển lãm này luôn mở cửa với giá vé 20 USD một người. Vậy có thể nhẩm tính nguồn thu của riêng một triển lãm thi thể người này là bao nhiêu. Tương tự, nguồn thu của các triển lãm thi thể khác là bao nhiêu?
4. Công ty nhựa hóa mang về bao nhiêu tiền?
Ngày 23/11/2010, trên truyền hình của Đại Liên (Dalian Television Station), chương trình “Mở cửa – Tăng tốc” có đưa tin:
“Ngày 21/11/2009, Hội đồng thành phố và Quân ủy Trung Ương đã chính thức cho phép mở cửa Đặc khu Kinh tế Lữ Thuận. Cuối năm 2009, công ty Hồng Phong Đại Liên (Công ty nhựa hóa của Tùy Hồng Cẩm đã đề cập tới trong kỳ 2) nằm trong Đặc khu này bắt đầu hoạt động. Doanh thu hàng năm của công ty là trên 200 triệu Nhân dân tệ. Công ty có quan hệ làm ăn với hơn 100 bảo tàng nổi tiếng trên khắp thế giới. Việc mở cửa bến cảng là nguyên nhân chính khiến Hồng Phong Đại Liên lựa chọn Lữ Thuận”.
5. Phản ứng của quốc tế
Mặc dù các triển lãm cơ thể người thu hút được rất nhiều khách tham quan, nhưng cũng gặp phải sự phản đối mạnh mẽ tại nhiều quốc gia, nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là vì nó đi ngược lại các quy tắc đạo đức của con người.
Năm 2010, Tòa án Tối cao Pháp đã tuyên bố các triển lãm này là trái pháp luật vì chúng đi ngược lại với tiêu chí văn minh của nước Pháp là: “Di thể của người đã khuất cần phải được đối xử kính cẩn, tôn trọng và đứng đắn”. (Theo đài France 24).
Tòa án Tối cao Israel cũng tuyên bố triển lãm cơ thể người là “phỉ báng sự tưởng nhớ tới người đã khuất” (Theo tờ Jerusalem Post).
Tại một số thành phố của Mỹ như Hawaii, Seattle, các triển lãm này đã bị cấm. Các triển lãm này cũng bị cấm tại Czech và bị tẩy chay tại Úc.
Ở Việt Nam, “Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người” đã bị từ chối cấp phép tại Hà Nội, bị tạm ngừng hoạt động tại TP. HCM.
Cấy ghép nội tạng: Từ Pháp Luân Công tới Duy Ngô Nhĩ
1. Quy mô khủng khiếp
Từ kỳ trước cho thấy, trước ngành công nghiệp nhựa hóa tại Trung Quốc là ngành công nghiệp ghép tạng. Đó là lời giải thích cho việc đã được nhắc tới trước đây: Tại sao Tùy Hồng Cẩm lại gửi email cho Von Hagens khoe khoang rằng ông ta mới tìm được thi thể của “một người đàn ông và một người phụ nữ trẻ”, những người đã “chết” vào sáng hôm đó, đã bị mổ bụng, bị lấy hết nội tạng và bị giết bởi một phát súng vào đầu (Theo tờ Telegraph).
Vậy quy mô của ngành công nghiệp “giết mổ” người này ra sao?
Trong nhiều bài viết như “WOIPFG: Báo cáo mới cho thấy cấy ghép tạng ở Trung Quốc liên quan đến mổ cướp tạng sống” và “Lợi dụng truyền thông phương Tây, Trung Quốc bao che tội ác phản nhân loại“, Trí Thức VN đã từng đề cập tới bối cảnh, lịch sử hình thành, cũng như chi tiết các bệnh viện và bằng chứng của việc mổ cướp tạng tại Trung Quốc. Tại đây, xin được đưa ra một giải thích dễ hình dung hơn của ông Ethan Gutmann, nhà báo được đề cử Nobel Hòa bình, tác giả cuốn “Đại thảm sát” (2014) và đồng tác giả báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017), trong buổi tường trình trước các thượng nghị sĩ nước cộng hòa Czech vào tháng 7-2018 mới đây:
“Trung Quốc thường xuyên tuyên bố rằng họ thực hiện khoảng 10.000 ca cấy ghép mỗi năm. Tuy nhiên, ví dụ bệnh viện Trung Tâm Thiên Tân, hoàn toàn dễ dàng thực hiện 5.000 ca cấy ghép một năm. Còn bệnh viện Quân đội Giải phóng Nhân dân 309 tại Bắc Kinh, một trung tâm đặc biệt hiển nhiên là thu hoạch tạng từ tù chính trị và tù nhân lương tâm, thì thực hiện khoảng 4.500 ca cấy ghép một năm. Đó cũng là quy mô tương ứng của Bệnh viện Đa khoa Nam Kinh thuộc Quân khu Nam Kinh, hay bệnh viện Tây Kinh thuộc Đại học Quân Y số 4.
Hãy tưởng tượng một trung tâm cấy ghép tạng thông thường được cấp phép ở Trung Quốc: có từ 3 tới 4 đội cấy ghép. 30 hay 40 giường cho bệnh nhân ghép tạng. Với thời gian hồi phục từ 20 tới 30 ngày. Số lượng giường bệnh được sử dụng là từ 80-100%. Và hãy cho rằng chỉ có một ca ghép tạng một ngày, vậy là 365 ca ghép tạng 1 năm. Nhân lên tổng cộng trên toàn Trung Quốc (1) đã là hơn 50.000 ca cấy ghép một năm. Nếu sử dụng các điều kiện yêu cầu nhỏ nhất (2) thì sao? 80.000 ca cấy ghép một năm. Nếu đưa thêm các bệnh viện tôi vừa nói ở trên: 100.000 ca cấy ghép một năm.
Trung Quốc cũng tuyên bố rằng họ có 7.000 người hiến tạng tự nguyện một năm – nhưng thậm chí cả con số mà họ bịa ra cũng không đủ để giải thích (3) số lượng ghép tạng thực tế. Hầu hết phần còn lại [trong tổng số ca cấy ghép một năm] tới từ Pháp Luân Công. Ví dụ, trong chỉ một ngày vào năm 2013, một người phụ nữ đã chứng kiến hơn 500 người tập Pháp Luân Công tại một trại lao động bị kiểm tra y tế đối với nội tạng của họ (4).
Bên cạnh đó Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đang muốn quay sang sử dụng người Duy Ngô Nhĩ như là nguồn tạng chính. Trong năm trước, 17 triệu người Duy Ngô Nhĩ – bất kể đàn ông, phụ nữ, trẻ em, đều đã được kiểm tra máu và DNA. Và chúng tôi vừa biết rằng khoảng nửa triệu tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ (quý vị nghe có quen không?(5)), chủ yếu là đàn ông, đã bị gửi tới các trại lao động cải tạo.
Thông tin quá ít ỏi. Mạng Internet bị cắt, và không phóng viên phương Tây nào được phép tới đó. Nhưng chúng tôi biết rằng ĐCSTQ đang xây dựng 9 lò hỏa thiêu tại Tân Cương. Cái thứ nhất, nằm gần Urumqi, vừa mới đi vào hoạt động. Và chính quyền Trung Quốc không thuê 2 hay 3 nhân viên bảo vệ tại một lò hỏa thiêu, như hầu hết các lò hỏa thiêu thông thường khác. Họ đang thuê tới 50 người.”
Ghi chú của người dịch:
(1) Trung Quốc từng có hơn 1.000 cơ sở y tế lớn nhỏ tham gia vào việc ghép tạng trước năm 2007. Sau Quy định Ghép tạng công bố năm 2007, tính đến năm 2014, có 169 bệnh viện được cấp phép ghép tạng. Thông tin lấy từ báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017). Ở đây ông Gutmann đang nói tới phép nhân của khoảng 150 bệnh viện cấy ghép vào loại thông thường nhất với số lượng giả sử là 365 ca 1 năm, ít hơn nhiều so với bằng chứng về mức độ hoạt động ghép tạng của 164 bệnh viện lớn nhỏ hiện đã có trong báo cáo.
(2) Ví dụ thời gian hồi phục. Thông thường chỉ sau 20 ngày là các bệnh viện này đã trả bệnh nhân ghép tạng về mà không để theo dõi lâu hơn tới 30 ngày. Đây là do số lượng bệnh nhân ghép tạng quá tải.
(3) Do việc ghép tạng cần xét nghiệm tương thích nên dù có 7.000 người hiến tự nguyện cũng không đủ cho 7.000 người nhận. Việc hiến tạng như vậy lại hầu như chỉ diễn ra khi người hiến tạng qua đời hoặc chết não, tức là không kiểm soát được về thời gian. Vậy là đôi khi có tạng hiến mà không có người nhận. Nội tạng không thể được bảo quản mà chỉ trong thời gian ngắn (tính theo giờ) phải được ghép ngay.
(4) Các bằng chứng tương tự về việc này có thể được tìm thấy trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu – Đại thảm sát – Bản cập nhật” (2017)
(5) Trước đó trong buổi tường trình, ông Gutmann đã đưa ra con số ước tính khoảng nửa triệu tới 1 triệu người tập Pháp Luân Công từng bị gửi vào các trại lao động cải tạo. Ông cho rằng sự việc đối với người Duy Ngô Nhĩ là một kịch bản lặp lại: Trung Quốc chuẩn bị sử dụng người Duy Ngô Nhĩ để thay thế khi mà việc thu hoạch nội tạng với người tập Pháp Luân Công bị quốc tế lên án.
2. Phản ứng của cộng đồng quốc tế
Dưới đây là những buổi điều trần, làm chứng và các điều luật hay nghị quyết được cộng đồng quốc tế đưa ra về vấn đề thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, liệt kê theo trình tự thời gian:
2008: Israel thông qua luật ghép tạng, chặn đứng việc người Israel tới Trung Quốc du lịch ghép tạng.
2010: Tây Ban Nha chỉnh sửa Quy tắc xác định tội phạm để ứng biến với việc du lịch ghép tạng và buôn bán nội tạng.
9/2012: Điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ – “ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm và tử tù”.
11/2012: Làm chứng trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ – “ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm và tử tù”.
12/2012: Điều trần trước Ủy ban Chuyên trách về Trung Quốc CECC – “Pháp Luân Công tại Trung Quốc: Xem xét lại và cập nhật”.
1/2013: Điều trần trước Nghị viện châu Âu – “Trung Quốc đàn áp tôn giáo: Một câu chuyện đáng sợ”.
2/2013: Điều trần trước Ủy ban Nhân quyền Quốc tế Canada.
12/2013: Nghị quyết của Nghị viện châu Âu về nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc, kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc thu hoạch tạng từ tù nhân lương tâm và các nhóm dân tộc thiểu số.
2/2014: Hạ viện bang Illinois, Mỹ, thông qua nghị quyết HR0730 lên án nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc, kêu gọi chính quyền Mỹ điều tra và chấm dứt nạn thu hoạch tạng từ người tập Pháp Luân Công.
3/2014: Ủy ban Nhân quyền Thượng viện Ý thông qua nghị quyết tuyên bố ĐCSTQ đã thu hoạch hàng chục ngàn nội tạng từ tù nhân lương tâm, và yêu cầu chỉnh phủ có biện pháp ứng biến.
10/2014: Đại hội đồng Pennsylvania, Mỹ, thông qua nghị quyết của Hạ viện số 1052, lên án việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc.
2015: Đài Loan sửa đổi và công bố Đạo luật Cấy ghép tạng.
6/2016: Điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Mỹ – “Thu hoạch nội tạng: Nghiên cứu về một hành vi tàn bạo”.
6/2016: Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết 343 yêu cầu chính quyền ĐCSTQ ngay lập tức chấm dứt việc mổ cướp nội tạng từ các tù nhân lương tâm.
7/2016: Nghị viện châu Âu tuyên bố chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt việc thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm.
2016: Nghị viện Ý thông qua luật trừng phạt bất cứ ai bán nội tạng từ người sống trái phép, với hình phạt và án tù nghiêm khắc.
2017: Na Uy sửa đổi luật Ghép tạng, áp dụng hiệp định chống buôn bán nội tạng người.
2017: Trung tâm nhân quyền Raoul Wallenberg, Canada, lên tiếng về nạn mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc.
2017: Hiệp hội Luật sư Nhân quyền Úc thông cáo về nạn Thu hoạch nội tạng và Du lịch ghép tạng.
2018: Tổ chức Luật Nhân Quyền, Mỹ, tuyên bố về tội ác mổ cướp tạng của chính quyền Trung Quốc.
2018: Tổ chức nhân quyền Duy Ngô Nhĩ, Mỹ, lên án nạn thu hoạch tạng tại Trung Quốc.
2/2018: Hạ viện bang Arizona, Mỹ, thông qua nghị quyết HCM2004, yêu cầu nhà làm luật liên bang phản ứng và điều tra việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc; thông qua luật cấm người dân Mỹ du lịch ghép tạng nếu nguồn gốc của tạng không thể truy nguyên; cấm các bác sĩ liên quan tới việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc được vào Mỹ.
5/2018: Thượng viện bang Missouri, Mỹ, thông qua nghị quyết SCR28, kêu gọi chấm dứt việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc, chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về tội ác này, và hứa sẽ cấm những ai tham gia vào hành vi thu hoạch tạng được tới bang này.
LỜI KẾT
Trong buổi tường trình trước các thượng nghị sĩ Czech (nơi đã cấm triển lãm thi thể người), nhà báo Ethan Gutmann đã đề cập tới cả hai vấn nạn nhân quyền tại Trung Quốc là thu hoạch nội tạng và triển lãm thi thể người. Ông chia sẻ vào cuối buổi tường trình:
“Tôi không biết phải nói khác đi như thế nào: Đây là một thảm họa nhân quyền. Bằng chứng không thể nhầm lẫn được. Nó đã được phơi bày hết sức rõ ràng trước mắt các ngài. Tôi không phải là một nhà làm luật. Tôi không thể đưa ra lời khuyên rằng các ngài nên làm như thế nào là phù hợp: Cấm bác sĩ ghép tạng tại Trung Quốc tới Prague theo luật Magnitsky; Viết một nghị quyết; Đưa ra một công bố. Nhưng vì Chúa, xin hãy làm gì đó”.
Sự im lặng không làm người ta vô can. Với các chính trị gia, họ có thể gây sức ảnh hưởng lớn hơn bằng các điều luật. Nhưng với những dân chúng bình thường, một sự chia sẻ với bạn bè, một sự lên tiếng trước cộng đồng, một chữ ký thỉnh nguyện chống mổ cướp tạng, một sự tẩy chay không tham quan triển lãm thi thể người, hay chỉ đơn giản là sự phản đối nội tâm, tất cả đều không hề thừa thãi. Những hành động hay suy nghĩ đó dù nhỏ, nhưng chúng là những sự lựa chọn của lương tri và tương lai – Ít nhất bạn đã làm một điều gì đó.
- BBC ra loạt phóng sự về tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc
- Sau BBC, Forbes lên tiếng về nạn thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc
Theo trithucvn