Vào mùa hè năm 536, một đám mây kỳ lạ xuất hiện trên bầu trời Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á. Nó được gọi là “tấm màn che bụi”, vì đã bao phủ khu vực Địa Trung Hải và nhiều khu vực khác trên thế giới, khiến những nơi này phải chìm trong những năm tháng u ám, lạnh lẽo…
Sự thay đổi kỳ lạ đã được nhà sử học Byzantine Procopius ghi chép lại. “Mặt Trời đã phát ra những tia sáng rất mờ yếu. Nó chỉ giống như thứ ánh sáng của mặt trăng trong suốt cả năm đó”. Procopius cũng viết về bệnh tật và chiến tranh do sự thiếu hụt ánh sáng Mặt Trời.
Một sử gia người Syria khác đã mô tả sự thay đổi này rằng: “… Mặt Trời bắt đầu bị sẫm màu qua mỗi ngày và trông nó tựa như mặt trăng vào ban đêm. Trong khi đại dương bị khuấy đảo bởi những đợt sóng cuộn trào”.
Riêng các bản ghi của Gaelic Ailen lại mô tả đó là “sự thất bại của Mặt Trời” trong năm 536.
Trong nhiều năm, các nhà khoa học đã tự hỏi điều gì đã khiến cho Procopius và những người khác ghi lại sự khác biệt đáng chú ý của thời tiết vào thời điểm này. Theo đó, những cuộc nghiên cứu hiện đại đã cung cấp một số lý thuyết thú vị.
Phần lớn những khu vực còn lại của thế giới dường như cũng bị ảnh hưởng bởi đám mây, nhất là ở bán cầu Bắc.
Các nghiên cứu về vòng đời cây giữa năm 536 và 551 cho thấy khi này các loài thực vật phát triển yếu hơn tại Trung Quốc, Châu Âu và Bắc Mỹ. Hiện tượng suy giảm bức xạ Mặt Trời đã khiến cho Trái Đất có nền nhiệt độ thấp hơn và các hiện tượng thời tiết bất thường xuất hiện.
Kết quả là sản lượng thực phẩm ít hơn, nạn đói, sự xáo trộn xã hội và chính trị gia tăng.
Có những sự kiện cụ thể được ghi lại có khả năng liên quan đến đám mây kỳ lạ. Một đại dịch chết người đã càn quét Đế quốc Byzantine vào năm 541-542, được gọi là Bệnh dịch hạch Justinian.
Ước tính có tới 1/3 dân số nước này thiệt mạng trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Procopius mô tả một số triệu chứng khủng khiếp của căn bệnh này là sốt và sưng đau khắp cơ thể.
Năm 536 tại Trung Quốc, nạn đói và hạn hán đã làm nhiều người thiệt mạng. Các ghi chép về hiện tượng “bụi vàng rơi xuống như tuyết” cũng được tìm thấy trong thời gian này.
Đồng thời, Hàn Quốc phải đối mặt với bão lớn và lũ lụt. Tuyết rơi bất thường đã được ghi nhận ở Mesopotamia.
Scandinavia dường như đã bị ảnh hưởng nặng nề. Bằng chứng khảo cổ đã chỉ ra rằng gần 75% làng mạc ở Thụy Điển bị bỏ hoang trong những năm mà đám mây xuất hiện.
Một giả thuyết cho rằng sự dịch chuyển của con người là một chất xúc tác cho các cuộc tấn công sau đó. Khi này người Viking đã tiến hành việc tìm kiếm những vùng đất màu mỡ hơn ở những nơi xa xôi hơn của châu Âu.
Trong một bài thơ Bắc Âu cũng có đoạn ám chỉ đến thời gian này:
“Mặt trời biến thành màu đen
Đất chìm xuống biển
Từ trời xuống, các ngôi sao đang xoay tròn.”
Thời tiết khắc nghiệt có thể đã ảnh hưởng đến các chuyển biến của lịch sử. Điển hình là sự di cư của các bộ tộc Mông Cổ về phía Tây, sự sụp đổ của Đế quốc Sassanid Ba Tư và sự gia tăng mở rộng của Hồi giáo.
Một số sử gia cho rằng, những thay đổi cụ thể này là do sự tác động của các hiện tượng thời tiết bất thường. Nó đã có đóng góp rất lớn cho quá trình chuyển đổi lịch sử từ thời cổ đại đến đầu kỷ nguyên Trung Cổ và giai đoạn giữa Trung Cổ. Họ còn nhấn mạnh tác động của biến đổi khí hậu trên quần thể người là vô cùng mạnh mẽ.
Điều gì có thể gây ra sự thay đổi đột ngột và kịch tính như vậy trong thời tiết? Các chuyên gia đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau và chúng ta có thể không bao giờ biết được toàn bộ câu trả lời.
Một giả thuyết cho rằng, khí hậu trên thế giới đã thay đổi bởi một vụ phun trào núi lửa khổng lồ. Nó có thể xuất phát từ Trung Mỹ. Sự kiện này đã làm xuất hiện một lớp tro bụi che phủ bầu trời của nhiều nơi trên hành tinh của chúng ta.
Một gợi ý khác lại cho biết, có hai vụ phun trào núi lửa lớn xảy ra chỉ trong vòng vài năm. Cụ thể là vào năm 536 và 540. Nó đã gây ra bóng tối và sự lạnh lẽo trên khắp thế giới. Những đám mây khói và tro bụi từ các vụ phun trào núi lửa khổng lồ đã lan nhanh và che phủ bầu trời.
Bằng chứng về sự phun trào núi lửa là các nhà khoa học đã tìm thấy các vật chất núi lửa ở cả hai cực Bắc và Nam. Tại đây, lớp sulfat bị đóng cặn đã được phát hiện có niên đại từ giữa thế kỷ thứ 6.
Một lý thuyết thứ ba thiên về sự tác động của sao chổi hoặc thiên thạch khi nó rơi xuống Trái Đất. Hoặc khả năng một ngôi sao chổi bay sát qua Trái Đất, để lại những đám mây bụi dày đặc trong bầu khí quyển.
Nhưng đa số chuyên gia nghĩ rằng lời giải thích này là ít hợp lý hơn so với việc phun trào núi lửa.
Bất kể là nguyên nhân gì thì mọi người sống vào thời điểm đó đều chú ý và ghi nhận lại sự thay đổi nhanh chóng của thời tiết. Khi này nhân loại trên Trái Đất đã bị gián đoạn phát triển và nhiều người cảm thấy như ngày tận thế.
Hiện nay, tình trạng thời tiết cũng có nhiều thay đổi thất thường, khí hậu ngày càng cực đoan không thể dự báo những cơn lũ bất thường, những đợt khô hạn liên miên… Thời tiết liên tục “đánh đu” từ kỷ lục này sang kỷ lục khác. Tất cả đều là vì biến đổi khí hậu.
Theo các nhà khoa học, chính con người với những hoạt động sản xuất công nghiệp và sinh hoạt hàng ngày là một trong những nguyên nhân chính đang gây ra sự nóng lên toàn cầu và gây ra hiệu ứng nhà kính, dẫn đến biến đổi khí hậu.
Nhiều nước đã có hành động bảo vệ môi trường, bắt đầu thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải… nhưng điều đó vẫn chưa đủ, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan vẫn diễn ra một cách bất thường. Vì vậy tất cả chúng ta đều cần phải chung tay góp sức cải thiện môi trường.
Uniwriter