Tinh Hoa

Chuyện khó tin về loại rau “ngự phẩm” của vua Ai Cập trồng đầy rẫy tại… Việt Nam

Khám phá mới nhất cho thấy, từ thời xa xưa, nền văn minh này đã từng biết sử dụng một loại Viagra thiên nhiên, đó chính là những cây rau diếp và họ hàng của nó là xà lách.

Những tinh hoa bí hiểm của các nền văn minh cổ đại luôn là đề tài khám phá bất tận cho các nhà nghiên cứu. Người Ai Cập xưa không những để lại hàng loạt Kim tự tháp trứ danh, “đánh đố” giới kiến trúc, xây dựng hiện đại mà chuyện “ăn gì bổ nấy” của họ cũng khiến lớp hậu sinh phải bái phục.

Cây rau diếp
 
“Rau tiến vua”  của người Ai Cập cổ


 Ngày nay, rau diếp và họ hàng của nó là xà lách được dùng phổ biến hàng ngày tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Nó chỉ đơn giản là một loại rau xanh, cung cấp các loại Vitamin cần thiết, giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể con người. Nhưng phát hiện mới đây về loại rau này rất có thể sẽ khiến rau diếp và xà lách có được một vị thế mới đáng nể hơn trên bàn ăn: Chúng chính là những vị thuốc Viagra thiên nhiên. Từ hàng nghìn năm trước, người Ai Cập cổ đại đã khám phá ra tác dụng kỳ diệu này và sử dụng chúng để tăng thêm “mãnh lực” chốn phòng the.


Nhà Ai Cập học Salima Ikram tại Đại học quốc tế Hoa Kỳ (thủ đô Cairo) mới đây đã công bố công trình nghiên cứu dài hơi của mình về chuyện ăn uống của các vị vua chúa thời xưa ở đất nước này. Dựa vào các văn tự cổ, hình vẽ, truyền thuyết… vị tiến sĩ này đi đến một kết luận bất ngờ: Từ hơn 2000 năm trước công nguyên, rau diếp đã được các bậc tiền bối sử dụng như là một vị thuốc tăng cường sinh lý. Cùng với xà lách, chúng thậm chí còn được phong là hiện thân của vị thần tình dục và sinh sản, theo tín ngưỡng vào thời điểm ấy.


Trong ngôi đền Edfu ở thủ đô Ai Cập hiện vẫn còn lưu giữ một bức họa bằng cách khắc vào đá hình tượng thần Min – vị thần bảo trợ cho chuyện sinh hoạt tình dục và sinh con đẻ cái của người Ai Cập cổ. Trên đó, người ta dễ dàng nhận ra bộ phận dương vật của vị thần này được mô tả bằng hình tượng… những lá rau diếp. Trước nay, giới khảo cổ đều cho rằng, đó chỉ là cách miêu tả tế nhị bộ phận nhạy cảm này của các họa sĩ xưa. Nhưng sự thực không phải như vậy. Các bức họa cổ cùng thời kỳ vốn mang tư tưởng rất phóng khoáng, phồn thực. Ngay cả những tư thế làm tình thời đó cũng được khắc họa lại rất …chân thực, thì không có lý gì phải “lấy lá che đi” cả. Và tại sao lại là rau diếp (?). Lý do chính là vì những lá rau này có liên quan trực tiếp tới “chuyện ấy”. Nói một cách dân dã hơn, rau diếp được người Ai Cập ăn để tăng cường sinh lý.


Giáo sư Ikram cho biết, khi giải mã với các văn tự cổ, ông dễ dàng bắt gặp các mỹ từ khi nói về rau diếp. Chúng được mô tả là một thức ăn “tuyệt vời” cho tình yêu, có thể giúp con người “sinh hoạt tình dục một cách không mệt mỏi”. Chính vì thế, rau diếp thời đó được liệt vào hàng ngự phẩm tiến vua. Tất nhiên, dân chúng cũng vẫn được tự do thưởng thức “thần dược” này do đây là một loại rau rất phổ biến. Trong các bữa ăn, chúng thường được dọn lên đầu tiên với vai trò là món khai vị, và các vị thực khách thường ăn chúng với một thái độ vừa tôn kính (do được coi là hiện thân của một vị thần) vừa hào hứng, bởi họ biết rõ tác dụng của nó. Những lời ca tụng rau diếp là bảo bối phòng the được tìm thấy ở hầu hết các đền thờ trên khắp Ai Cập. Theo nhận xét của tiến sĩ Ikram, bản thân hình dáng bên ngoài của cây rau diếp cũng khiến người ta liên tưởng đến “của quý” nơi các quý ông, rất cứng cáp và mọc thẳng đứng. Một văn tự cổ thì mô tả, chất dịch màu trắng khi cắt thân lá rau diếp có thể là biểu tượng của tinh dịch và sữa mẹ. Chính vì các đặc điểm này mà nó được coi là món quà thần tình dục – sinh đẻ dành cho các con dân của mình. Hình tượng các linh mục, thầy tế thời kỳ này cũng đi liền với các tấm giỏ bên trong đựng rau diếp.
 

Ảnh minh họa



Có nhiều bằng chứng cho thấy, rau diếp và họ hàng xà lách thời đó thậm chí còn “xuất ngoại”. Năm 85 trước Công nguyên, người Hy Lạp và La Mã cổ cũng đã biết thưởng thức hai thứ rau trời ban này. Hoàng đế La Mã thời đó là Domitian còn phát hiện ra rằng, ngoài tác dụng cải thiện chuyện phòng the, rau diếp và xà lách giúp ngủ ngon. Một truyền thuyết vẫn được lưu hành đến tận thời nay kể rằng, trong một lần phải tiếp đoàn khách mà ông không ưa, vị hoàng đế này đã ra lệnh dọn cho họ ăn thật nhiều rau diếp. Kết quả là đám khách không được hoan nghênh ấy đã ngủ gà ngủ gật trong suốt thời gian ở thăm hoàng cung.
 
Cơ hội thương mại hóa cho hậu thế?


Phát hiện của giáo sư Salima Ikram đã nhận được sự quan tâm cao độ không chỉ từ giới chuyên môn mà cả của các doanh nghiệp. Đã có một vài hãng dược phẩm đánh tiếng muốn ông hợp tác để tìm cơ hội thương mại hóa phát hiện này bằng những sản phẩm cụ thể. Trước mắt, cần tìm hiểu kỹ thêm chủng loại rau diếp và xà lách thời Ai Cập cổ. Chúng có rất nhiều phân loài khác nhau, mà không phải dòng nào cũng là “thần dược”. Lâu nay, người châu Âu đã có thói quen ăn salat, trong đó có món xà lách trộn dầu ăn. Liệu món ăn phổ biến hàng ngày này của họ có liên quan gì với món “tiến vua” xưa kia không (?)


Trong khi chờ câu hỏi này được trả lời thấu đáo, một công ty Anh đã công bố nghiên cứu “ăn theo” của mình. Từ công trình của tiến sĩ Ikram, phòng nghiên cứu của công ty này đã tiến hành phân tích các hoạt chất có trong xà lách trắng – một họ hàng của rau diếp. Kết quả là những hoạt chất có trong loại rau này, theo nhận định ban đầu, đều có thể giúp cân bằng testoteron trong cơ thể người. Đây chính là hoócmôn quyết định năng lực tình dục của một người. Các chứng như yếu sinh lý, bất lực, xuất tinh sớm…ở nam hay lãnh cảm, khô tuyến nhờn…ở phụ nữ đều liên quan đến sự mất cân bằng testoteron. Nghiên cứu này một mặt khẳng định dưới góc độ khoa học khám phá của tiến sĩ Ikram, đồng thời cũng mở ra một cơ hội kinh doanh mới: các chiết suất từ rau diếp và xà lách.


Những người nông dân trồng hai loại rau này cũng nhờ thế mà được thơm lây. Một số chủ trang trại tại Anh cho biết, họ đã nhận được lời đề nghị bao tiêu toàn bộ sản phẩm nếu chỉ chuyên trồng rau diếp và xà lách. Lượng tiêu thụ tại các siêu thị cũng được ghi nhận là tăng mạnh sau công bố của tiến sĩ Ikram. Vốn đã quen ăn loại rau này, các cư dân châu Âu sẽ càng được kích thích hơn khi biết rằng, lâu nay họ đang ăn “vàng” mà không biết. Liệu có bùng nổ một cơn bão mang tên rau diếp trên thị trường sản phẩm tăng cường sinh lý hay không? Có lẽ vẫn còn quá sớm để khẳng định điều đó, nhưng sự chạy đua rốt ráo của các công ty dược – thực phẩm trước cơ hội kinh doanh này hứa hẹn trong tương lai không xa, rau diếp sẽ không chỉ đơn giản là một loại rau ăn ghém nữa.         

Nguồn: Dân Trí