Tại khoa hồi sức cấp cứu, các bác sĩ, y tá không khỏi xúc động trước tấm lòng của anh Trường dành cho các nạn nhân. Khi các bác sĩ hỏi “Anh là người nhà à?”, anh Trường lắc đầu nói, chỉ là người đi cùng…
Tên anh là Phạm Xuân Trường (35 tuổi, quê ở Mai Châu, tỉnh Hòa Bình). Vợ chồng anh mở quán ăn sát Bệnh viện Đa khoa huyện Mai Châu. Trong đêm, thấy nạn nhân được đưa vào bệnh viện, còn anh Trường chỉ là một người dân vô tình thấy tai nạn, thương quá nên chạy ra giúp.
Vào 11h30 đêm ngày 17/6, chị Hà Thị Ngọc (SN 1985, vợ anh Trường) vẫn cùng con đợi chồng từ Bệnh viện tỉnh Hòa Bình trở về. Con gái anh Trường năm nay lên cấp 2, đứa bé cứ chạy ra, chạy vào vào ngóng trông bố về từng phút.
“Lúc xảy ra vụ việc thấy mọi người đưa các nạn nhân đến bệnh viện, anh Trường với tôi cũng chạy ra thì thấy máu mê ghê lắm. Nhìn đông bệnh nhân như vậy, biết là có chuyện không lành nên anh Trường liền chạy ra giúp mọi người”, chị Ngọc nhớ lại.
Các nạn nhân bị thương chảy máu nhiều, nhưng do lo lắng cho tính mạng của họ nên anh Trường không ngần ngại tay không ra giúp đỡ.
“Các bác sĩ thấy anh ấy không đeo găng tay trong khi các nạn nhân ra máu nhiều nên cũng nhắc nhở nhưng anh ấy cứ lao vào giúp mọi người. Tôi cũng không dám nói vì lúc đó đang vội, mọi thứ rối lên, nói có khi anh ấy mắng cả mình.
Lúc anh ấy đưa các nạn nhân đi thì cũng chạy qua nói với tôi ‘anh phải đưa họ đi không họ chết mất’. Tôi cũng chỉ kịp đưa cho anh thêm 1 triệu đồng lấy kinh phí đi lại”, chị Ngọc nói.
Hôm ấy có 2 nạn nhân là Nguyễn Thị Uyên Trang (19 tuổi, quê ở Điện Biên) và Tòng Thị Vui (21 tuổi) đều không có người thân bên cạnh trong khi đang nguy kịch cần mổ gấp. Anh Trường không cần suy nghĩ nhiều đã nhanh chóng quyết định đưa 2 nạn nhân trên đi chụp CT, truyền máu. Đồng thời làm các thủ tục cũng như đóng viện phí, sau đó mới tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân sau.
“May quá Trang mổ rồi, trưa nay người nhà cũng kịp vào viện chăm sóc em nó”, anh thở phào nhẹ nhõm kể lại.
Anh cũng chia sẻ thêm “Trước khi đưa các em đi đến Bệnh viện tỉnh Hòa Bình, tôi cũng chỉ kịp chạy qua nói với vợ một câu rồi đi. Xuống đó nhiều người không có người thân, mình phải đứng ra làm thủ tục các thứ chứ biết làm sao được. Tính mạng con người là trên hết, lúc đó tôi không nghĩ được nhiều”.
Hết lo cho Trang anh lại vội vã chạy xuống khoa hồi sức cấp cứu. Ở đó có nạn nhân Tòng Thị Vui là bị thương nặng nhất “Cả hai em đều bị nặng lắm, Vui bị đa chấn thương, khi bế em ấy lên, dưới lưng là cả một vũng máu, tôi không nghĩ em ấy bị nặng đến thế”.
“Bác sĩ nói 50/50, tôi muốn ký cũng không ký được, phải đợi người nhà”, anh Trường chia sẻ.
Tìm trên người Vui cũng không còn bất kỳ tài sản gì, anh phải chạy đôn chạy đáo mua cho cô cái điện thoại “cục gạch” để tiện liên lạc với gia đình và rất may là Vui còn nhớ số của mẹ.
Đến 18h chiều 17/6, người nhà của Tòng Thị Vui cuối cùng cũng đến được bệnh. Anh chạy ra cổng đón họ, vì mẹ nạn nhân là người dân tộc Thái nói không sõi tiếng Kinh, lại không biết đường. Anh Trường phải dặn đi dặn lại người chị gái: “Bây giờ, anh giao áo này cho em. Nhớ trao đổi ngay với bác sĩ, càng nhanh càng tốt, anh muốn ký cũng không ký được”.
Bà Lò Thị Nhơn (mẹ chị Vui) cũng không giấu được xúc động, bèn cầm tay anh Trường nói lời cảm ơn: “Cảm ơn anh. Bác sĩ cứu được con hết thôi, nhưng tôi cho con gái làm em nuôi anh, cho thăm gia đình anh”.
Còn Vui, dù sức khỏe đang còn rất yếu, nhìn thấy ân nhân đã cứu giúp mình cũng không khỏi rơi nước mắt. “Anh ấy giúp em, giúp em từ đêm qua”.
Tất bật ngược xuôi với các nạn nhân như thế, ai nhìn vô cũng tưởng anh mới chính là gia đình của họ. Ban đầu, các bác sĩ còn hỏi “Anh là người nhà à?”, anh Trường mới lắc đầu rồi nói chỉ là người đi cùng. Lúc ấy tất cả mới vỡ lẽ ra sự việc, ai nấy đều cảm động trước tấm lòng của anh.
Anh cười và kể, anh chỉ làm được những chuyện như chăm sóc, đẩy xe cộ, nhưng có một khoản “hơi tế nhị” thì anh chịu. “Y tá đưa cho tôi bịch bỉm, kêu nhỡ các em bí quá thì thay cho các em. Nhưng tôi chịu rồi, tôi đành nói khéo cho các y tá làm giúp”.
Sau khi cả 2 nạn nhân vượt qua giai đoạn nguy hiểm, anh mới nhẹ nhõm chia sẻ: “Mình cũng sợ chứ, nhưng cố gắng động viên các bạn, không dám nói với các bạn phải mổ. Em Trang tỉnh dậy, sờ vào răng, sợ hỏng răng. Mình trêu hỏng thì mai đi làm cái khác. Tiếc cho bạn là tóc đang đẹp phải cạo hết. Bố mẹ Trang đến rồi, bố nó nhận mình là anh em”. Anh cũng nói rằng việc giúp đỡ là bình thường vì trong hoàn cảnh đó ai cũng làm như anh thôi.
Theo người dân quanh khu vực, bình thường anh Trường vẫn hay chở các nạn nhân đi nhưng không nói cho mọi người biết: “Bình thường anh ấy vẫn hay như thế, cứ đưa đi rồi lại về chứ có nói với ai bao giờ đâu, lần này nhiều bệnh nhân quá nên mới nhiều người biết”, một người dân sống cạnh Bệnh viện Đa khoa Mai Châu cho biết.
Với anh Trường, việc giúp đỡ trong lúc người khác gặp nạn là việc anh luôn làm và không mong ngóng hay suy nghĩ rằng mình sẽ được gì.
“Tôi không mong ngóng gì cả, càng không muốn người khác trả ơn huệ gì khi mình giúp. Người nhà nạn nhân có đưa tiền xe với tiền cảm ơn nhưng tôi nhất quyết không nhận, tiền xe tôi thuê đưa đi tôi trả, giúp đỡ người ta không được chứ mình lấy làm gì”, anh Trường hiền lành nói.
Được biết trước đó, theo Phòng CSGT tỉnh Hòa Bình, khoảng 00h15 ngày 17/6, đã xảy ra một vụ tai nạn thảm khốc, một chiếc ô tô khách BKS 27B-00371 trên đường di chuyển theo hướng Hà Nội đi Sơn La. Tới km134+300, đoạn qua địa phận xã Đồng Bảng (Mai Châu, Hòa Bình), xe khách đột ngột va chạm mạnh với xe tải đang điều khiển di chuyển hướng ngược lại. Cú va chạm trực diện khiến 3 người tử vong và 38 hành khách khác trên xe khách bị thương.
May mắn gặp người dân xung quanh đó cũng bu lại giúp đỡ các nạn nhân và di chuyển họ đến bệnh viện kịp thời. Ông Đỗ Tiến Hưng (53 tuổi, ở Đồng Bảng) là người dân đầu tiên chứng kiến vụ tai nạn. Thấy nạn nhân nằm la liệt trên xe, có cả trẻ con cũng rất nhiều, ông đã lao ra ứng cứu và kêu gọi những xung quanh đến giúp đỡ. Đồng thời lấy xe tải của gia đình để chở các nạn nhân đến bệnh viện.
Hiện những người bị thương đã được cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Mai Châu. Trong đó, có 5 nạn nhân được chuyển viện lên tuyến trên do thương tích nặng.
Chúc Di (t/h)
Xem thêm: