Tổ chức Y tế Thế giới WHO ngày 25/5 đã thông qua một bản sửa đổi đối với Phân loại thống kê quốc tế về bệnh và các vấn đề sức khỏe liên quan (ICD-11), và trong đó bao gồm bệnh nghiện chơi game được đặt tên là “Gaming disorder”, liệt vào một dạng bệnh tâm thần, nằm chung với nghiện cờ bạc.
Theo báo Ngày Nay, từ năm 2018, WHO đã đưa bệnh nghiện game vào bản dự thảo danh sách bệnh. Và cho đến nay, tại Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 72, bản dự thảo đã được thông qua chính thức. Bản sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2022.
Dấu hiệu nghiện game là “hành vi liên tục hoặc tái phát chơi game (game kỹ thuật số hoặc video game), có thể là online qua internet hoặc offline.” Những người này thường sẽ “chơi game không kiểm soát được, luôn tìm mọi cách để đặt ưu tiên chơi game lên hàng đầu, vượt quá so với các sở thích và hoạt động khác hàng ngày, tiếp tục và tăng cường chơi game bất chấp những hậu quả tiêu cực.”
Trước đó, báo Vnexpresso dẫn nguồn tin từ CBS , tại họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ), tiến sĩ Shekhar Saxena, Giám đốc đơn vị Sức khỏe Tâm thần và Lạm dụng chất thuộc WHO cho biết cơ quan này xếp nghiện game vào nhóm bệnh tâm thần dựa trên các bằng chứng khoa học. Cụ thể, não người nghiện game bị kích thích tương tự khi sử dụng ma túy và nhu cầu điều trị chứng nghiện game đang tăng cao khắp nơi, đặc biệt là châu Á.
WHO nhận định việc phân loại rối loạn chơi game như một chứng nghiện độc lập sẽ hỗ trợ chính phủ, gia đình cũng như nhân viên chăm sóc sức khỏe thận trọng hơn và biết cách nhận diện các nguy cơ. Tuy nhiên, động thái này nhanh chóng dẫn đến những phản ứng trái chiều.
Tiến sĩ Henrietta Bowden-Jones, phát ngôn viên khoa Hành vi Nghiện tại Đại học Tâm thần Hoàng gia Anh đánh giá việc phân loại là vô cùng cần thiết để kịp thời hỗ trợ những người nghiện game, chủ yếu tuổi vị thành viên. Trên thực tế, bà đã gặp không ít gia đình tan nát chỉ vì con cái nghiện game đến mức bị đuổi học.
Nghiên cứu chứng nghiện game suốt 30 năm qua, tiến sĩ Mark Griffiths, giáo sư hành vi nghiện tại Đại học Nottingham Trent (Anh) cũng ủng hộ quyết định của WHO. “Từ quan điểm tâm lý học, video game giống như một dạng cờ bạc, chỉ khác ở chỗ cờ bạc dùng tiền còn game dùng điểm”, tiến sĩ Griffiths lập luận. “Xem nghiện game thành bệnh tâm thần sẽ giúp nhận diện vấn đề và tăng cường chiến lược điều trị”.
Ông Griffiths lưu ý, tỷ lệ game thủ bị nghiện là rất nhỏ, chưa đầy 1% và thường mang sẵn các vấn đề như trầm cảm, rối loạn lưỡng cực, tự kỷ. WHO ước tính con số này khoảng 2-3% bộ phận chơi game, dù không quá nhiều nhưng vẫn cần thận trọng. “Hãy lưu ý nếu game ngày càng lấn lướt các thói quen khác”, ông Saxena khuyến cáo. “Nếu việc chơi game ảnh hưởng đến học tập, làm việc hoặc hòa nhập xã hội, bạn hãy nhanh chóng tìm sự giúp đỡ”.
Theo Đại Kỷ Nguyên