Vương Dương Minh là nhà chính trị, nhà triết học, nhà tư tưởng xuất sắc thời nhà Minh ở Trung Quốc. Tuy nhiên ít ai biết rằng, từ nhỏ ông lại rất ngốc nghếch, thường xuyên bị chúng bạn cười chê.
Vương Dương Minh (1472 – 1529) tên thật là Vương Thủ Nhân, là một nhà chính trị, nhà triết học nổi tiếng của triều Minh. Ông được đánh giá rất cao trong giới Nho học, được xem là 1 trong 4 vị thầy vĩ đại nhất của đạo Nho, sánh ngang với Khổng Tử, Mạnh Tử và Chu Hi.
Triết học của Vương Dương Minh gọi là Dương Minh Tâm học, cho rằng “tâm” là nguồn gốc của vạn sự vạn vật, chỉ có cứu trị nhân tâm mới có thể cứu vãn xã hội, mới có thể giải quyết những vấn đề hiện thực xã hội. Và “Tâm học” không phải thứ học vấn trên giấy mà là trí tuệ của thực tiễn.
Ông là mẫu người “văn võ song toàn”, một đời cống hiến biết bao công trạng cho đất nước. Vương Dương Minh, thời bình thì nghiên cứu triết học, đèn sách, dựng lập nên “Dương Minh phái” có ảnh hưởng lớn đến nhiều nước Á Đông, thời chiến thì thân hành dẫn binh dẹp loạn, dẹp thổ phỉ.
Để có thể trở thành một con người toàn tài đến thế, ngay từ thủa nhỏ, Vương Dương Minh đã phải nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt là với ông – một người vẫn luôn bị chúng bạn cười chê là ngốc nghếch.
Vương Dương Minh sinh ra trong một gia đình quý tộc, nhưng mãi đến 5 tuổi vẫn chưa biết nói. Người nhà thấy vậy ai nấy đều sốt ruột nên đã mang ông đi khắp nơi nhờ thầy thuốc chữa trị. Đến năm lên 6 tuổi, tình hình có chút khởi sắc, Dương Minh mới bắt đầu biết nói chuyện.
Bởi vì khi còn nhỏ ông không biết nói chuyện, cũng không biết đọc sách viết chữ, so với những đứa bạn cùng trang lứa, ông tỏ ra ngốc nghếch hơn nhiều, nên thường xuyên bị người khác chế nhạo.
Có người giễu cợt ông rằng: “Muộn như vậy rồi mới bắt đầu biết nói, sau này lớn lên chắc chắn sẽ chẳng có tiền đồ gì!”
Vương Dương Minh nghe xong rất khó chịu, ông chạy đi hỏi cha: “Cha ơi, cha nói xem con có phải là kẻ ngốc không?”.
Cha ông mỉm cười đáp: “Con trai, con không ngu ngốc! Đừng quan tâm người khác cười nhạo con thế nào, chỉ cần cố gắng, con sẽ đạt được thành tích tốt.”
Cha ông còn kể câu chuyện “Người chậm cần bắt đầu sớm” cho ông nghe. Vương Dương Minh hiểu ra rằng, ngốc nghếch không có gì đáng ngại, chỉ ngại không chịu học tập, không chịu cố gắng.
Nhờ có sự khích lệ của cha, Vương Dương Minh bắt đầu tự tin hơn, ông hạ quyết tâm sẽ chăm chỉ học tập, hy vọng mình có thể trở thành người có trí thức.
Từ đó về sau, trong khi các bạn khác chơi đùa, ông lại ở trong nhà chăm chú học tập; người khác đọc sách một lần, ông lại đọc 2 lần, 3 lần, cho đến khi nhớ kỹ mới thôi. Tại lớp học, ông chuyên tâm nghe thầy giảng bài, sau khi tan học lại chăm chú làm bài tập, gặp chỗ không hiểu đều khiêm tốn thỉnh giáo người khác.
Cha của Vương Dương Minh thấy con trai chăm chỉ hiếu học, trong tâm rất vui mừng, nên càng kiên nhẫn dạy bảo, còn thường xuyên mời một số bằng hữu có học vấn về nhà chơi, mọi người cùng nhau đàm luận chuyện đại sự trong thiên hạ, hoặc thảo luận về học vấn, và để cho Vương Dương Minh ở bên cạnh lắng nghe. Sau thời gian dài, tri thức của Vương Dương Minh càng thêm phong phú.
Mẹ của ông cũng rất quan tâm, bồi bổ cho con, nên thể chất của ông cũng chuyển biến tốt lên từng ngày. Dưới sự chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ, thành tích học tập của Vương Dương Minh tiến bộ rất nhanh, vượt xa những bạn bè cùng trang lứa. Thông qua những nỗ lực không ngừng nghỉ, Vương Dương Minh cuối cùng đã trở thành một học giả uyên thâm nổi tiếng.
Tuệ Tâm biên dịch