Các tế bào còn khá nguyên vẹn từ một con voi ma mút đã được phát hiện ở Siberia thuộc Nga, mở ra triển vọng nhân bản vô tính loài động vật khổng lồ này.||
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã phát hiện các vật chất có một không hai tại một khu nghĩa địa voi ma mút dưới lớp băng vĩnh cửa tại khu vực hẻo lánh ở tỉnh Yakutia, Nga. Những vật chất được tìm thấy bao gồm mô mềm, lông, và tủy xương của voi ma mút. Tiến sĩ Semyon Grigoryev, giám đốc bảo tảng voi ma mút tại trường Đại học Liên bang North-Eastern (Nga), và các cộng sự đã tìm thấy những vật chất còn nguyên vẹn ở dưới độ sâu khoảng 100m trong lớp băng vĩnh cửu có niên đại khoảng 10.000 năm hoặc hơn. Điều quan trọng nhất là các nhà khoa học đã nhận thấy khả năng tồn tại các tế bào sống trong các vật chất vừa được phát hiện. Các tế bào sống, nếu được phát hiện, có thể giúp các nhà khoa học giả mã toàn bộ gen di truyền của voi ma mút và các tế bào sống này có thế được sử dụng để nhân bản vô tính loài động vật đã tuyệt chủng này. Theo Daily Mail, nhà khoa học Hwang Woo-Suk của Hàn Quốc đã bày tỏ mong muốn được sử dụng các vật chất vừa phát hiện cho nghiên cứu của ông. Tiến sĩ Hwang Woo-Suk hiện đang nghiên cứu nhân bản vô tính một con voi ma mút 10.000 năm tuổi từ lông của nó, được phát hiện năm ngoái ở bờ biển Laptev. Các nhà khoa học cho rằng loài voi ma mút tiến hóa từ loài voi châu Phi vào thời kỳ Băng Hà cách đây 2 triệu năm. Chúng có kích thước gấp 2 lần loài voi ngày nay và những chiếc ngà dài giúp chiến đấu với kẻ thù, phá băng và thu gom cỏ. Phần lớn loài voi ma mút biến mất khỏi Trái đất cách đây khoảng từ 10.000 đến 12.000 năm, nhưng một số cá thể của loài này được cho là vẫn sống sót ở vùng Alaska đến năm 3750 trước Công nguyên và những cá thế voi ma mút cuối cùng sống sót trên hòn đảo Wrangel của Nga đến tận năm 1650 trước Công nguyên. Một giả thuyết cho rằng nguyên nhân khiến loài voi ma mút tuyệt chủng là bị người tiền sử săn bắn và biến đổi khí hậu. Hà Hương |