Vợ chồng nếu yêu thương nhau, thì dù mâu thuẫn lớn đến mấy, cũng có thể biến thành rất nhỏ. Còn nếu như cả hai đều không kiên nhẫn với nhau, thì bất kể chi tiết nhỏ nào cũng đều sẽ biến thành tổn thương rất lớn.
Sáng sớm đi làm, tôi thấy phía sau có một cặp vợ chồng già đang đi cùng hướng, hai người vui vẻ nói chuyện phiếm với nhau, rất thú vị.
Tôi để ý lắng nghe, thấy những câu chuyện họ nói đều rất đời thương, nhỏ nhặt, nhưng hai người lại nói chuyện một cách say sưa, có thương lượng, có đắn đo, không nóng không vội.
Ông: Tí nữa ăn bánh bao có được không bà?
Bà: Được
Ông: Bánh nhân thịt hay bánh chay đây?
Bà: Bánh bao nhân thịt đi, nhân thịt ngon hơn.
Ông: Vậy mua 2 cái bánh bao nhân thịt nhé, thế bà có muốn ăn một ít bánh chay không?
Bà: Ờ, tôi cũng muốn ăn, ông thì sao?
Ông: Tôi cũng muốn, vậy tí tôi đi trước chiếm chỗ ngồi, bà đi mua bánh bao nhé!
Tôi không khỏi tò mò quay đầu nhìn lại, cặp vợ chồng già trông rất đỗi bình thường, dáng dấp bình thường, ăn mặc bình thường, nhưng sắc mặt bình thản, luôn nở nụ cười tươi. Hai người không tay trong tay, nhưng vai kề sát, trông rất tình cảm.
Có lẽ tôi có chút võ đoán, chỉ cảm thấy qua cách nói chuyện của họ, thì đây nhất định là một cặp vợ chồng rất yêu thương nhau. Mặc dù chỉ thấy được một mặt rất nhỏ trong cuộc sống của họ, nhưng điều đó thôi cũng đã mang một ý nghĩa rất lớn, là điểm không thể bỏ qua khi xét đến mối quan hệ giữa 2 con người.
Hai người nói chuyện với nhau lại phát ra một cảm giác ôn hòa, tràn đầy sinh lực. Nhìn bề ngoài của hai người, có lẽ cũng đã trên 80 tuổi. Hai người nói chuyện với nhau, ông nói cái gì, bà đều cảm thấy tốt, thấy có đạo lý; bà muốn làm cái gì, ông cũng đều ủng hộ, dù không cùng ý kiến, cũng đều có thể bàn bạc thương lượng.
Nghe họ nói chuyện mà có thể cảm nhận được cảm giác ấm áp ôn hòa, không giống cha mẹ tôi nói chuyện với nhau, chỉ cần đứng ở ngoài xem cũng cảm thấy mướt mồ hôi, bởi vì không thể biết được khi nào họ sẽ nổi khùng lên với nhau. Hai người họ mà nói chuyện thì luôn không hợp ý nhau, động một chút là lôi chuyện cũ ra chỉ trích.
Thái độ của bạn sẽ quyết định cách hành xử của đối phương, nếu như đổi một loại tâm thái khác trong cuộc nói chuyện trên, thì mọi chuyện sẽ không thể suôn sẻ như vậy. Ví dụ như thế này:
Ông: Tí nữa ăn bánh bao nhé?
Bà: Suốt ngày chỉ ăn bánh bao, bánh bao! Ông không thể đổi món khác được à?
Ông: Thế bà muốn ăn món gì? Lần nào tôi đưa ý kiến, bà đều không đồng ý.
Bà: Ông là chồng, thế mà vợ mình thích ăn gì cũng không biết, tôi đúng là không còn gì để nói nữa.
Ông: Vậy tôi thích ăn món gì bà có biết không? Cớ gì tôi cứ phải chiều theo ý bà.
Đoạn đối thoại trên cũng không phải là hư cấu, mà chính là cảnh tượng chân thực về cuộc sống của một người họ hàng của tôi. Anh ấy thường phàn nàn với tôi, trong cuộc sống gia đình, ngay cả điều đơn giản nhất là đi ăn cũng không thể đồng thuận.
Anh ta cái gì cũng chiều vợ, nhưng người vợ thích ăn món gì lại không chịu nói ra, cứ bắt anh ta phải đoán, đoán không trúng thì lại buồn. Tóm lại, kiểu người như vậy sẽ khiến người khác rất đau đầu, cũng dễ dẫn đến sứt mẻ tình cảm.
Vợ chồng với nhau, nếu như hai người không thể kiên nhẫn với nhau, thì dù là một chuyện nhỏ cũng có thể biến thành chuyện lớn.
Nhà văn Lưu Chấn Vân đã từng nói câu này: “Nhân sinh trên đời, nói trắng ra cũng chỉ có giao thiệp với 7, 8 người, nếu có thể xử lý tốt được 7, 8 người này, cuộc sống của bạn sẽ dễ chịu hơn rất nhiều”.
Quan hệ vợ chồng cũng là như thế, không cần lúc nào cũng nói chuyện tình yêu, chỉ cần đem những điều vụn vặt xử lý cho tốt, ví như một ngày 3 bữa ăn gì, xem phim gì, sáng sớm tản bộ hay là buổi tối… đều là những chuyện nhỏ nhặt như vậy thôi, nếu có thể xử lý được tốt, cuộc sống ắt sẽ nhẹ nhàng, thư thái.
Tuệ Tâm biên dịch