Trong một nghiên cứu mới đây, nhóm các nhà khoa học khí tượng và môi trường Hoa Kỳ đã dùng mô hình toán học để diễn tả lại tác động của cuộc chiến tranh hạt nhân cục bộ và có giới hạn.
Chiến tranh hạt nhân giả định
Nếu trước đây, chúng ta chỉ thường thấy cảnh chiến tranh hạt nhân trên phim ảnh hoặc trong các tiểu thuyết, sách báo giả tưởng thì giờ đây, các nhà khoa học muốn cụ thể hóa những tác động của nó đối với Trái Đất và con người. Để thực hiện điều này, nhóm nghiên cứu đã giả định một cuộc chiến hạt nhân giữa 2 nước X và Y.
Vào đỉnh điểm của cuộc chiến, 100 đầu đạn hạt nhân sẽ được thả xuống Ấn Độ, mỗi đầu đạn có kích thước tương đương với quả bom do quân đội Mỹ thả xuống thành phố Hiroshima hồi thế chiến thứ II. Tiếp theo, nhóm nghiên cứu sẽ dùng các mô hình toán học để dự đoán sự việc sẽ xảy ra sau khi toàn bộ số đầu đạn này được thả xuống.
Chuyện gì sẽ xảy ra?
Dưới đây là những gì nhóm nghiên cứu công bố về hậu quả và tác động của 100 đầu đạn hạt nhân trên:
- 5 triệu tấn Carbon đen được sinh ra khi tiêu hủy mọi thứ và xâm nhập ngay lập tức vào bầu khí quyển. Carbon đen sẽ hấp thụ lượng lớn nhiệt năng từ Mặt Trời, do đó lượng nhiệt tiếp cận tới bề mặt Trái Đất sẽ giảm nhanh chóng. Một phần trong số đó sẽ theo theo nước mưa rơi trở lại mặt đất.
- Chỉ sau 1 năm, nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất sẽ giảm khoảng 2 độ và 5 năm sau thì nhiệt độ tiếp tục giảm khoảng 3 độ so với trước khi xảy ra cuộc chiến. 20 năm sau, nhiệt độ Trái Đất sẽ lại ấm lên khoảng 1 độ, nhưng vẫn lạnh hơn so với thời điểm trước vụ nổ.
- Nhiệt độ giảm xuống kéo theo lượng mưa mà Trái Đất nhận được cũng giảm xuống. 5 năm sau cuộc chiến, lượng mưa bình quân sẽ giảm đi 9% so với bình thường. 26 năm sau cuộc chiến, lượng mưa sẽ ít hơn 4,5% so với trước chiến tranh.
- Từ năm thứ 2 đến năm thứ 6 sau cuộc chiến, vụ mùa sẽ giảm xuống từ 10 đến 40 ngày tùy khu vực.
- Các phản ứng hóa học do cuộc chiến để lại sẽ ăn mòn tầng ozone của Trái Đất. 5 năm sau cuộc chiến, tầng ozone sẽ mỏng hơn từ 20-25%. 10 năm tiếp theo, tầng ozone có thể được hồi phục nhưng vẫn mỏng hơn 8% so với trước chiến tranh.
- Một khi tầng ozone mỏng đi, lớp bảo vệ Trái Đất cũng bị suy yếu và lượng tia cực tím từ Mặt Trời sẽ khiến con người bắt nắng nhiều hơn. Hậu quả dẫn đến ung thư da. Đồng thời, tốc độ tăng trưởng của thực vật cũng suy giảm và có thể gây ra sự mất cân bằng DNA thậm chí là đột biến ở một số loại cây trồng.
- Trong một nghiên cứu khác được thực hiện hồi năm 2013, Hiệp hội quốc tế các bác sĩ chống lại chiến tranh hạt nhân đã ước tính sẽ có hơn 2 tỷ người chết đói sau khi 100 quả bom hạt nhân được sử dụng sau cuộc chiến.
Đó là một số hậu quả mà các nhóm nghiên cứu hình dung ra về viễn cảnh sau 1 cuộc chiến tranh hạt nhân. Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là kêu gọi các nước ngừng chế tạo và tiêu hủy vũ khí hạt nhân trong tương lai. Hiện nay ước tính có khoảng 17.000 đầu đạn hạt nhân vẫn còn được tích trữ trên khắp thế giới.
Hồi những năm 1980, các nhà khoa học đã dùng “mùa đông hạt nhân” để mô tả viễn cảnh sau chiến tranh hạt nhân. Theo đó, vật liệu sau vụ nổ sẽ che kín bầu trời, khiến ánh sáng Mặt Trời không thể chiếu xuống Trái Đất và mùa đông kéo dài nhiều tháng. Tuy nhiên đối với nghiên cứu này, thông qua các mô hình tính toán tương tự như ước tính biến đổi khí hậu toàn cầu, các nhà nghiên cứu đã có được bức tranh chi tiết, cụ thể hơn về tác động của chiến tranh hạt nhân đối với Trái Đất. Do đó, hậu quả của chiến tranh hạt nhân là vô cùng nghiêm trọng, kéo dài và đe dọa sự tồn vong của loài người.