Tinh Hoa

Vì sao có những cặp sinh đôi cùng mẹ nhưng khác cha?

Hiện tượng trẻ “sinh đôi khác cha” nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực và hoàn toàn có cơ sở khoa học.

Mới đây, dư luận trong nước xôn xao vì vụ việc anh Mạnh (34 tuổi, ở Hòa Bình) sau khi đi xét nghiệm với hai bé gái sinh đôi con anh mới phát hiện ra rằng chỉ một trong hai bé là còn đẻ của mình.

Điều này nghe có vẻ kỳ lạ và trớ trêu nhưng nó hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực và cũng đã có nhiều trường hợp như vậy xảy ra trên thế giới.

Hiện tượng trẻ sinh đôi nhưng không cùng bố trong y học gọi là bội thụ tinh khác kỳ, khác bố (heteropaternal superfecundation). Khi một người phụ nữ quan hệ với 2 người đàn ông chỉ cách nhau vài ngày, tinh trùng của mỗi người này sẽ thụ tinh cho một quả trứng của người phụ nữ.

Các bác sĩ cho biết, tất cả quá trình đó diễn ra trong không quá một tuần, vì tinh trùng chỉ có khả năng sống sót được 5 ngày.

Russell Miller, giáo sư khoa sản Đại học Columbia, Mỹ giải thích rằng trong trường hợp sinh đôi khác trứng cùng cha mẹ, 2 quả trứng khác nhau của cùng một người phụ nữ được 2 tinh trùng của một người đàn ông thụ tinh.

Nhưng trong trường hợp bội thụ tinh khác kỳ, khác bố thì 2 quả trứng khác nhau của người phụ nữ lại được thụ tinh bởi 2 tinh trùng từ 2 người đàn ông khác nhau.

Trên thế giới đã có nhiều trường hợp tương tự như trường hợp của anh Mạnh.

Ví dụ như câu chuyện xảy ra vào tháng 5/2015 khi một người phụ nữ ở hạt Passaic khởi kiện người đàn ông mà cô ấy nghĩ là cha của hai đứa con gái sinh đôi vào tháng 1 năm 2013 của mình, yêu cầu anh ta chu cấp nuôi con. Kết quả giám định ADN cho thấy người đàn ông bị kiện là cha của một trong hai đứa trẻ sinh đôi nhưng… không phải cha đứa còn lại.

Hay trường hợp của anh Trương xảy ra vào tháng 12/2015 là một ví dụ tương tự. Anh này đã rất sốc phát hiện ra chỉ một trong ba đứa con mà vợ mới sinh là con của mình sau khi đi xét nghiệm ADN.

Theo các chuyên gia, hiện tượng bội thụ tinh khác kỳ, khác bố rất hiếm khi xảy ra và rất khó để xác định, hầu hết chỉ được phát hiện ra khi có tranh chấp pháp lý hoặc tiến hành kiểm tra ADN.

Hiện tượng này đã được nghiên cứu từ năm 1992. Theo đó, trong tất cả các trường hợp tranh chấp pháp lý liên quan đến cặp song sinh, khi xuất hiện nghi ngờ về quan hệ cha – con, hiện tượng bội thụ tinh khác kỳ chỉ xảy ra trong khoảng 2,4% số này.

Theo Ngày Nay