Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đưa ra cảnh báo “Đối mặt với tương lai: Nóng hơn, khô hơn, mưa lũ nhiều hơn”. Từ đây có thể thấy, những kỷ lục về thiên tai mà năm 2015 đã ghi nhận có thể lật đổ trong thời gian tới bởi biến đổi khí hậu ngày càng hiện hữu rõ rệt.
Biến đổi khí hậu toàn cầu làm cho các hiện tượng thời tiết biến chuyển theo chiều hướng cực đoan, khắc nghiệt hơn trước. Khắp các châu lục trên thế giới đang phải đối mặt, chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan lũ lụt, khô hạn, nắng nóng, bão tuyết… Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Đất nứt, ruộng mặn, biển nuốt nhà…
Đó là thực tế đang diễn ra tại nhiều vùng đất ở Việt Nam.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, cơn đại hạn đang làm khô kiệt vùng đồng bằng màu mỡ bậc nhất thế giới này. Vùng Nam Trung Bộ cũng vậy. Hạn kéo dài từ năm 2015 vắt sang 2016. Nước ngọt trong đồng bằng bị bốc hơi, bị rút đi thì nước mặn ngoài biển lại kéo vào dồn dập hơn. Hạn mặn là nỗi ám ảnh của hàng triệu nông dân nơi đây.
Đến nay, gần 300.000 ha lúa và cây ăn quả của người dân vùng đồng bằng đã bị thiệt hại vì nhiễm mặn và thiếu nước. Gần 800.000 người thiếu nước ngọt. Nhiều vùng phải mua nước với giá cắt cổ.
Dự báo khô hạn còn kéo dài đến giữa năm 2016 và thậm chí còn khốc liệt hơn. Nguyên nhân của tình trạng này là El Nino đang diễn ra mạnh chưa từng có trong một thế kỷ qua.
Tại Việt Nam, người dân đã quen dần với việc “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Theo báo cáo của Bộ TN&MT, ước tính mỗi năm Việt Nam phải chịu đựng trung bình từ 6 – 7 cơn bão; từ năm 1990 – 2010 đã xảy ra 74 trận lũ trên các hệ thống sông. Hạn hán nghiêm trọng, xâm nhập mặn, sạt lở đất thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, trong năm 2015, các hiện tượng thời tiết bất thường như mưa lũ, triều cường, hạn hán… liên tiếp xảy ra tại các địa phương trên khắp cả nước. Thậm chí El Nino năm nay được đánh giá là đạt kỷ lục tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu cho biết: Năm 2015 ghi nhận nhiều hiện tượng cực đoan về thời tiết. Hạn mặn đang diễn ra ở Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long nằm trong chuỗi thiên tai này.
Cũng trong năm 2015, Quảng Ngãi đã phải hứng chịu những trận mưa lớn trái mùa gây ra lũ lớn, khiến cho mực nước ở các sông dâng cao, lũ quét xuất hiện ở một số huyện miền núi, khoảng 1.600 người ở huyện Ba Tơ bị cô lập hoàn toàn, đây là đợt mưa lũ lớn giữa mùa khô chưa từng có từ trước đến nay ở vùng này.
Siêu giông càn quét Hà Nội, với gió giật tới cấp 9, chưa từng thấy trong vòng 50 năm qua. Rét bất thường ở Sa Pa, giữa mùa hè nắng nóng nhiệt độ Sa Pa đột ngột giảm xuống còn 12.6 độ C, một hiện tượng hiếm thấy trong lịch sử.
Thật khó quên trận mưa lớn lịch sử diễn ra Quảng Ninh, tổng lượng mưa từ 25 đến 29/7/2015 ở Móng Cái, Tiên Yên, Quảng Hà, Uông Bí, Bãi Cháy, Cô Tô lên tới 500 – 1500 mm.
Thủ phạm gây biến đổi khí hậu?
Ủy ban liên chính phủ về BĐKH (IPCC) thuộc Liên Hiệp Quốc đã công bố báo cáo khẳng định chắc chắn loài người là thủ phạm gây biến đổi khí hậu và cảnh báo về những hậu quả của hiện tượng trái đất ấm dần lên.
Báo cáo của IPCC khẳng định có 95% khả năng loài người là thủ phạm chính gây biến đổi khí hậu trong thế kỷ 20. IPCC cho biết hiện tượng Trái Đất ầm dần lên đã chậm lại trong vòng 15 năm qua, nhưng xu hướng nóng vẫn sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng.
IPCC dự báo trong thế kỷ này, nhiệt độ Trái Đất sẽ tăng từ 0,3 – 4,8 độ C. Chỉ khi chính phủ các nước áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế khí thải nhà kính thì nhiệt độ mới tăng thấp ở ngưỡng 0,3 độ C.
Trong khi đó, mực nước biển sẽ tăng từ 26 – 82 cm vào năm 2100 do tình trạng băng tan. Mực nước biển tăng sẽ đe dọa sự tồn tại của các thành phố ven biển, từ Thượng Hải (Trung Quốc) cho đến San Francisco (Mỹ).
IPCC cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ dẫn tới thêm nhiều đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt… Đại dương sẽ bị axít hóa, đe dọa sự sống của nhiều loài sinh vật biển.
“Do hậu quả của việc xả khí nhà kính trong quá khứ, hiện tại và tương lai, biến đổi khí hậu sẽ gây tác động nghiêm trọng kéo dài hàng thế kỷ dù việc xả khí CO2 ngừng ngay bây giờ” – báo cáo khẳng định.
Tại Việt Nam, ngoài nguyên nhân chủ quan nêu trên, theo ông Nguyễn Văn Tuệ thì còn có nguyên nhân khách quan. Việt Nam là quốc gia có bờ biển dài, cư dân tập trung ở vùng đồng bằng ven biển, Đồng bằng Sông Hồng và Đồng bằng Sông Cửu Long, đây là những vùng đất thấp, sẽ chịu tác động nghiêm trọng của nước biển dâng. Mặt khác, Việt Nam lại là một trong những quốc gia chịu nhiều thiên tai nhất ở châu Á, bao gồm tất cả các loại thiên tai có ở vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới như: Bão, lũ, lũ quét, mưa lớn, hạn hán, sạt lở đất, dông, tố, lốc, rét đậm, rét hại, gió mạnh,… trong điều kiện chịu ảnh hưởng của BBĐKH, thiên tai lại càng phức tạp hơn.
Theo các kịch bản BĐKH, vào cuối thế kỷ 21, nhiệt độ trung bình sẽ tăng khoảng 2 – 3 độ C, mực nước biển có thể dâng khoảng từ 75 cm đến 1 m so với thời kỳ 1980 – 1999. Nếu mực nước biển dâng cao 1 m, sẽ có khoảng gần 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng, khoảng 20% diện tích thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập; khoảng 10 – 12% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất sẽ khoảng 10% GDP.
Dường như tất cả những tiên đoán về một hậu tương lai cho sự phát triển của con người không chỉ còn là những nét phác thảo của một trang kịch bản. Những hậu quả khởi động mới chỉ là sự đáp trả ban đầu của một chuỗi những thiên tai nghiệt ngã hơn đang đón chờ nhân loại.
Làm thế nào để hạn chế và chung sống với thiên tai một cách ổn thỏa? Điều đó cần sự chủ động của mỗi quốc gia, mỗi người dân bên cạnh sự đồng lòng hiệp sức của cả nhân loại.
Theo cantho.gov.vn