Tôi tin rằng, mỗi người sinh ra đều mang theo mình một sứ mệnh nào đó. Sứ mệnh đó, tôi chắc rằng không chỉ dừng lại ở sinh tồn và gây dựng hạnh phúc hay sự nghiệp cho bản thân…

Tuổi thơ không bình yên

Tôi là con gái út trong gia đình có 5 anh chị em. Mẹ tôi nhiều lần kể lại, lẽ ra tôi đã không được sinh ra trên cõi đời này do nhà đã có nếp có tẻ, không những có mà đã rất cân bằng, trên tôi đã là 2 anh, 2 chị. Gia cảnh khó khăn, anh trên tôi mới có 2 tuổi, mẹ tôi định bỏ tôi vì mang thai tôi là không nằm trong dự định của cả bố và mẹ mà khi đó tôi gọi là Cậu-Mợ theo lối gọi của những gia đình trí thức tiểu tư sản thời Pháp thuộc. Ngày ấy, muốn bỏ thai, cũng phải xin giấy của cơ quan. Cô đồng nghiệp nơi mẹ tôi làm việc một mực can ngăn, hứa sẽ giúp chuyển mẹ tôi sang làm cấp dưỡng cho có thêm thời gian chăm con nên mẹ tôi đã nghe lời cô mà giữ tôi lại. Tôi đã được ra đời nhờ một thiện duyên như thế…. Mẹ tôi kể, có một cô đồng nghiệp của mẹ tên Minh đã thường xuyên quan tâm giúp đỡ mẹ tôi, cho tôi ăn vì tôi biếng ăn, lại hay ốm đau, dặt dẹo… Tôi nợ hai người phụ nữ đôn hậu ấy một lời tri ân mà trong suốt bao năm tôi đã không hề ý thức được mình cần làm thế, bởi cho mãi đến thời gian gần đây, tôi mới biết trân quý bản thân mình, trân quý cơ hội tôi được sinh ra làm người trong kiếp này…

Ký ức về tuổi thơ trong tôi là những mảng ghép hỗn độn và rời rạc. Tôi nhớ tôi thường được mẹ đèo sau xe đạp, đưa tôi đến cơ quan nơi mẹ tôi làm đánh máy chữ, đôi lúc tôi được mẹ cho rất nhiều tiền xu, xâu vào một cái dây, tôi mang nó về khoe với các anh chị của mình. Thứ quà mà tôi hay có khi ấy là viên thuốc bổ “Poly” màu vàng, hình tròn, vị ngọt hơi chua, tôi coi như kẹo. Tôi thường không nhai, mà chỉ ngậm, ai tốt xin lắm mới cho một viên. Ăn xong lè lưỡi vàng khè ra khoe nhau và lấy làm sung sướng lắm. Hình dung của tôi về mái nhà và gia đình những ngày thơ bé ấy là cả nhà đều làm lụng vất vả ngược xuôi; là hình ảnh các anh chị tôi chẻ nan, đan cót sau giờ đến lớp, hình ảnh mẹ bên những luống rau giống sớm khuya và chăm sóc 3 con lợn ở trong chuồng, hết lứa này lại tiếp đến lứa khác. Mẹ tôi thì gầy, gầy lắm, mẹ hay bị đau đầu và mất ngủ thường xuyên…Trong ký ức của tôi, không khí gia đình lúc bấy giờ bao trùm bởi nỗi buồn, buồn nhiều lắm. Cảnh buồn, người cũng buồn, hiếm khi có tiếng cười đùa mà thường thấy hơn là những giọt nước mắt của mẹ, của chị cả, sự lầm lũi nín lặng của anh lớn và đôi khi là những tiếng kêu khóc rất to của tất cả phụ nữ trong nhà khi cả mâm cơm bị bố tôi trong cơn say đến bĩ cực liệng ra sân vỡ tan và tung tóe…Đứa trẻ non nớt là tôi lúc đó chưa biết suy xét để có thể thấu hiểu và đồng cảm với những nỗi niềm của các bậc sinh thành, nó chỉ theo bản năng và những gì được chứng kiến mà quyết định yêu ai, ghét ai. Thương mẹ, xót mẹ bao nhiêu, tôi thành ra căm ghét bố bấy nhiêu. Mãi đến sau này tôi mới nhận ra rằng, không phải chỉ có mẹ tôi, mà cả nhà tôi khi đó ai ai cũng đều khổ cả, một nỗi khổ tâm kéo dài đằng đẵng trong suốt hơn 20 năm. Bố tôi đã đột ngột ra đi ngay trước khi tôi thi tốt nghiệp đại học. Chỉ đến khi mất bố, và đặc biệt sau này khi tôi lập gia đình và có con, tôi mới thấu hiểu những gì bố đã trải qua, mới xót xa ân hận và thương bố đến xé lòng….

tu-truyen-cua-mot-ceo

Tôi thông minh, lanh lợi, học gì cũng nhanh, lại hát hay, múa dẻo nên được làm quản ca, lớp trưởng ngay từ mẫu giáo. Xưa các cơ quan, đoàn thể hay có lệ tổ chức đại hội. Đại hội nào cũng phải có biểu diễn văn nghệ. Nhiều lần biểu diễn xong, tôi mang về nhà cả bọc báo lớn bánh quy Hương Thảo và kẹo Hoa Hồng. Thời bấy giờ, đó là những thứ rất quý hiếm, nhà công nhân viên chức bình thường ít có, mà thường chỉ những nhà cán bộ to mới sẵn những thứ này. Nhà tôi ngay cạnh nhà một bác cán bộ to như thế, nên tôi biết. Bác ấy đi về toàn bằng xe “Com Măng Ca” và nhà bác ấy là nhà đầu tiên có vô tuyến trong cái Xóm Gốc Gạo của tôi. Trong ký ức của tôi lúc đó, tôi thấy mình như một tia lửa nhỏ, một giọt nắng ấm áp khiến mẹ tôi vui cười trong chốc lát. Tôi lớn lên, đạt được thành tựu lớn nhỏ trong học hành chỉ bằng một ước nguyện cháy bỏng và duy nhất: Làm cho mẹ vui và làm cho mẹ bớt khổ! Tôi thậm chí đã mong trở thành bác sĩ để sau này chữa bệnh cho mẹ mặc dù bản thân rất sợ bệnh viện, máu và kim tiêm.

Khôn ngoan không tránh được số trời

Tôi thuộc lứa học sinh Chuyên toán đầu tiên của Thị xã Hòa Bình, và cũng lại là năm đầu tiên Tiếng Nga được đưa vào dạy tại cấp THCS. Tôi học khá đều các môn, nhưng đặc biệt bị cuốn hút bởi ngôn ngữ của xứ sở bạch dương với mùa thu vàng và tuyết trắng. Lớp tôi thuộc thế hệ con cưng của trường, được chọn làm lớp kết nghĩa với trường Liên Xô Số 2 trên công trình Thủy điện Hòa Bình. Tôi đã từ bỏ ước mơ làm bác sĩ, thi đỗ vào Trường chuyên Ngoại ngữ (CNN) để theo đuổi một giấc mơ lớn hơn: Sang Liên xô học Đại học và trở thành một Luật sư (?!). Ba năm chuyên ngữ, ở nhà tranh, ăn cơm muối vừng là chủ yếu, tôi thi đại học thiếu mất nửa điểm để có thể được xét đi du học. Năm đó, hầu hết đều bị “lệch tủ” bài thi văn. Chẳng sĩ tử nào ôn bài “Núi đôi” của Vũ Cao để mà có thể làm tốt bài bình giảng bốn câu trích đoạn trong bài thơ ấy. Mặc dù vẫn đi Liên xô một năm thứ ba theo chương trình chuyển tiếp, nhưng với tôi, 5 năm đại học đã trôi qua trong sự bất đắc chí và vô định. Tôi không muốn trở thành giáo viên, và đã từ chối cơ hội được giữ lại trường học tiếp chương trình cao học sau khi đỗ Thủ khoa trong kỳ thi tốt nghiệp. Khi ấy, Liên xô đã tan rã và tiếng Nga không còn được thịnh hành như trước. Cả giảng viên và các khóa sinh viên tiếng Nga chúng tôi buộc phải mau chóng học thêm một ngoại ngữ khác để có thể kiếm việc làm. Mất tự tin và gần như tuyệt vọng, nhưng tôi vẫn quyết định ở lại Hà Nội để thực hiện ý nguyện từ tấm bé của mình: Thành danh, kiếm được nhiều tiền để mẹ tôi không phải bôn ba, kham khổ và buôn bán vất vả mặc dù lúc này, kinh tế gia đình tôi đã khá giả hơn trước nhờ tài xoay sở của mẹ.

Công việc đầu tiên của tôi là nhân viên bán hàng trong một cửa hiệu hàng thêu trên phố Hàng Trống. Làm ở đó một thời gian ngắn thì tôi được cô bạn thân giới thiệu vào làm Lễ tân cho một khách sạn tư nhân nhưng khá có tiếng thời bấy giờ trên phố Mai Hắc Đế. Tôi nhận lời ngay mà chẳng cần suy nghĩ nhiều vì mục đích của tôi bây giờ là thực hành tiếng Anh qua giao tiếp với các khách nước ngoài. Làm lễ tân ở một khách sạn tư nhân không như công việc lễ tân ở các khách sạn lớn. Ngoài việc trực điện thoại, nhận đặt phòng, cung cấp thông tin phục vụ khách hàng, tôi còn đun nước mang lên từng phòng cho khách, phục vụ khách ăn sáng, gọi phục vụ khách ăn trưa… Khách sạn thời ấy chưa có thang máy, lễ tân thì cần mặc áo dài khi phục vụ, tôi nhớ đã làm vỡ 3-4 cái phích vì chân giày cao gót giẫm phải gấu quần khi mang nước đi lên các bậc thang… Làm ở đây, tôi học giao tiếp tiếng Anh và học được một câu nói của anh chủ khách sạn mà tôi tâm đắc mãi “Dù em làm ở đâu, em làm bất kể công việc gì, hãy làm tốt hết mức có thể. Ông chủ có thể ghi nhận hoặc không ghi nhận em, nhưng điều em được đó là em sẽ trưởng thành”. Anh ấy là hình mẫu của doanh nhân trẻ thành đạt, rất giỏi làm giàu mà chẳng hề qua trường lớp, cũng không cần bằng cấp. Trước khi trở thành ông chủ khách sạn, anh đã từng nấu kẹo lạc để bán lên các vùng quê xa xôi, trong đó có tỉnh Hòa Bình. Tôi nghe nói, sau này anh làm lớn trong lĩnh vực xây dựng và viễn thông, đã từng tham gia đoàn doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một chuyến công du nước ngoài… Làm lễ tân, thuê ở trọ cùng một cô bạn cũng trong tình trạng “mất cần câu cơm”, có ngày chỉ còn 10 nghìn đồng trong túi, chia làm hai trước khi đi làm. Gia đình cả hai chúng tôi đều không thể lý giải nổi và cũng chẳng dám khoe với họ hàng lối xóm, hiện giờ cô con gái vốn có tiếng học hành giỏi giang của mình đang làm công việc gì, chỉ biết là “hiện đang công tác ở Hà Nội”. Bạn tôi chịu không nổi, cuối cùng cũng từ bỏ giấc mơ chốn phồn hoa để về với gia đình.

tu-truyen-cua-mot-ceo

Tôi một mình ở lại, tìm nơi trọ mới. Tại nơi này, tôi đã nên mối duyên chồng vợ, không phải với anh chủ trọ, mà là với bạn của người anh em đồng hao của anh ấy. Chồng tôi là một người hiền lành, tốt bụng và xuất thân từ một gia đình có nề nếp, thuần thiện. Dù trong giấc mơ tồi tệ nhất, tôi cũng không bao giờ có thể nghĩ rằng, cuộc sống gia đình của tôi sẽ lại là một bản sao đầy đủ của mẹ tôi thời trước. Tôi trở nên u uất, gai góc và nghiệt ngã. Hai con tôi khi sinh đều thuận lợi và khỏe mạnh nhưng cả hai đều bỏ bú mẹ chỉ trong một vài tuần, quấy khóc triền miên và ốm đau dặt dẹo. Tôi đã thầm trách số phận thật bất công với mình. Đã không hiểu nổi nguyên nhân vì đâu nên nỗi. Cuộc sống với tôi đã chỉ còn như một gánh nặng của nghĩa vụ, trách nhiệm và tôi cứ gắng gượng bước đi, mấp mô, trồi sụt, lúc mạnh mẽ khi lại vỡ vụn, cô độc và câm lặng hoàn toàn trong thế giới nội tâm của riêng mình… Ở đỉnh cao của sự nghiệp, khi thành công với công việc làm CEO cho một công ty nước ngoài, gây dựng nên một căn nhà tiện nghi và đẹp một cách cầu kỳ ở một khu chung cư cao cấp có tiếng ở Hà Nội, cũng là lúc cả 4 người chúng tôi nhận ra rằng, ngôi nhà đẹp không làm nên một tổ ấm.

Chúng tôi chia tay nhau vì thấy rằng đó là sự giải thoát cho tất cả sau 20 năm gắng gượng và níu kéo. Sau khi chính thức ly hôn một thời gian, tôi rơi vào một cơn trầm cảm kịch phát. Tôi mất khả năng làm việc hoàn toàn, luôn sống trong trạng thái sợ hãi và lo âu. Tôi đã không còn nhìn thấy bất kỳ hy vọng nào cho cuộc đời mình và quẩn quanh với ý nghĩ muốn chấm dứt tất cả. Trong tất cả những lần tôi đau bệnh, đây có lẽ là lần tôi làm gia đình, bạn bè và những người xung quanh lo sợ nhất… Để có thể cân bằng trạng thái tinh thần và làm việc được trở lại, tôi đã phải điều trị trầm cảm với liệu trình 2 năm. Mặc dù vậy, những nút thắt ngày một lớn trong tâm khiến bản thân luôn thấy mình bất hạnh và thiệt thòi thì tôi đã không cách nào gỡ bỏ được. Tôi tìm đến rất nhiều hình thức tâm linh, tụng kinh, lễ chùa, nhập thất tu thiền, ăn chay niệm Phật, bỏ tiền, bỏ công tham gia các khóa học tâm lý đắt tiền, đọc các loại sách về làm chủ cảm xúc và bản thân… Nhưng không đâu giúp tôi tìm ra lời giải cho những vấn đề của mình. Tôi đã từng khẳng định chắc chắn rằng, với tôi, hạnh phúc là một điều xa xỉ mà tôi không bao giờ có được!

Khổ tận cam lai

Trong hai năm, tôi chuyển nơi ở 3 lần. Theo mức độ giá trị trên đơn vị diện tích m2, mỗi lần chuyển là một lần “xuống cấp” như tôi vẫn đùa với đám bạn. Chỉ đến lần chuyển nơi ở thứ ba, tới nơi gia đình 4 người của tôi sinh sống hiện nay, tôi mới thực sự hài lòng! Ở nơi đây, chúng tôi đã có một mái ấm thật sự, mặc dù sự đoàn tụ ban đầu chỉ mang tính hình thức, cũng lại là với một lý do xưa cũ “vì hai đứa trẻ”. Nhân một dịp cùng trang trí sảnh đón Tết của tòa chung cư, chứng kiến một bạn trẻ hàng xóm sống ở căn hộ hiện đại và sang trọng trên tầng thượng của tòa nhà nhưng lại mang một phong cách hòa nhã, thân thiện và đặc biệt luôn vui vẻ “vác tù và hàng tổng” trong các việc chung, tôi đã đàm đạo với bạn về tu luyện và Phật giáo. Lúc này, tôi đã quyết định đến 90% mình sẽ tu theo Tiểu thừa. Tôi ăn chay trường đã được gần 1 năm, đọc sách khá nhiều nhưng vẫn chưa quyết định theo môn phái này do còn một số câu hỏi tôi không tìm thấy câu trả lời thỏa đáng cho mình khi đọc kinh sách của họ. Bạn hàng xóm thấy vậy đã đưa cho tôi mượn một cuốn sách. Cuốn sách ấy có tên “Chuyển Pháp Luân”. Tôi đọc cuốn sách này vì tò mò bởi người cho mượn sách hơn là vì những gì bạn ấy giới thiệu cho tôi. Lý do là khi ấy, cũng như khá nhiều người Việt Nam khác, tôi từng nghe những thông tin không mấy thiện cảm với pháp môn này. Trong lúc chờ nối chuyến từ Băng Cốc về Hà Nội, tôi đọc liền một mạch cuốn sách trong gần 8 tiếng đồng hồ. Tôi đã chấn động toàn thân bởi những gì được viết trong đó. Tất cả những pháp lý cao siêu, những quy luật của vũ trụ vốn khó hiểu trong các loại kinh sách khác lại được trình bày một cách hết sức rõ ràng, cụ thể, có căn cứ khoa học và đầy thuyết phục trong cuốn Chuyển Pháp Luân. Mọi câu hỏi của tôi về sinh mệnh, vũ trụ, nguồn gốc nguyên lai của con người, những công năng đặc dị, các hiện tượng siêu thường khoa học hiện đại chưa có lời giải, vv… đều được giải đáp trong cuốn sách có hơn 400 trang này.

tu-truyen-cua-mot-ceo

Đọc xong 2 lần cuốn “Chuyển Pháp Luân”, tôi mừng đến phát khóc vì nhận ra đây chính là điều mà tôi đã tìm kiếm bấy lâu nay! Các bài giảng của Sư phụ Lý Hồng Chí đã giúp tôi nhìn mọi việc với thế giới quan khác hẳn, thấu hiểu được nguyên nhân của mọi bất hạnh, khổ đau mà tôi đã từng có… tất cả các nút thắt trong tâm tôi đều dần dần được gỡ bỏ hết. Tôi không còn thấy oán hận, không còn thấy bất công, không còn nhìn vào sự kém cỏi của người khác. Tôi đã học được cách bỏ dần đi những tự mãn cá nhân và ngừng phán xét mọi người, nhìn nhận sự việc với thái độ hòa ái và bao dung hơn. Và đặc biệt, tôi không còn thấy buồn khổ nữa. Tôi thấy mình như được sinh ra lần thứ hai và trở thành một con người khác hẳn. Lần đầu tiên trong 47 năm cuộc đời, tôi có thể trong nghẹn ngào nước mắt mà nói trước mẹ tôi, chồng con, các anh chị em, bạn bè và họ hàng thân thiết trong bữa tiệc chia tay hai con tôi đi du học: Tôi là một người hạnh phúc! Hôm ấy rất nhiều người đã khóc, trong đó có người anh lớn của tôi và cậu em chồng. Họ mừng cho tôi, cho sự đoàn tụ của gia đình tôi và họ biết rằng từ nay về sau họ không còn phải chạnh lòng mỗi khi nghĩ về chúng tôi nữa…

Chứng kiến những thay đổi to lớn về tâm tính và sức khỏe của tôi sau khi tôi tu luyện Pháp Luân Công, mẹ tôi, cô bạn tri kỷ và một số nhân viên trong công ty cũng bước chân vào tu luyện. Tôi nghĩ rằng, chỉ đến lúc này, tôi mới thực sự hoàn thành tâm nguyện của mình từ tấm bé. Mặc dù tôi không cho mẹ được nhiều tiền như tôi mong muốn, chưa dành đủ thời gian để quan tâm, chăm sóc mẹ nhưng tôi đã đưa mẹ tôi đến với một cơ duyên lớn nhất trong đời bởi vì tôi biết, mẹ tôi trân quý cơ duyên ấy đến thế nào! Mẹ tôi trở nên an nhiên, tự tại, vui vẻ và khỏe mạnh hơn trước rất nhiều. Ở tuổi 83, bà dường như càng ngày càng trẻ lại. Mẹ tôi không còn phải dùng thuốc huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào kể từ khi bà tu luyện đến nay. Niềm vui lớn nhất của mẹ tôi bây giờ đó là hàng ngày được học Pháp, luyện công và gặp gỡ, chia sẻ với các bạn đồng tu. Tôi thấy nhẹ lòng vì không còn phải lo về mẹ nhiều như trước….

Công việc của tôi vẫn áp lực thế, thậm chí có phần gay gắt hơn do những khó khăn, thách thức gặp phải khi mở rộng quy mô sản xuất và kinh doanh, nhưng tôi đã có thể dùng tâm thái an hòa để đối đãi. Học Pháp, luyện công hàng ngày giúp tôi có thêm rất nhiều năng lượng, làm việc nhiều khi đến 1-2h sáng mà vẫn không thấy mệt mỏi. Đặc biệt, tôi cảm nhận rất rõ ràng, mình trở nên sáng suốt hơn, ra quyết định nhanh hơn và làm việc hiệu quả hơn trong khi không cảm thấy căng thẳng hoặc dễ dàng nổi giận như trước. Có lẽ người nhận ra những thay đổi của tôi nhiều nhất là chồng tôi, các con và những người thân cận tiếp xúc với tôi hàng ngày. Họ bớt “sợ” tôi hơn trước.

Một nhân viên kinh doanh trong công ty hỏi tôi rằng: “Chị ơi, chị tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn, chị làm thế nào trong khi mình làm kinh doanh, mà kinh doanh thì không tránh khỏi phải nói dối?”. Tôi trả lời bạn ấy: “Sư phụ của chị dạy rằng, các ngành nghề trong xã hội đều nên tồn tại; ấy là do nhân tâm không chính chứ không phải là do làm nghề gì. Làm kinh doanh, mình cần giao dịch công bằng, giữ tâm cho chính. Thế gian có câu: “Mười người buôn chín kẻ gian”, chị xin chọn làm người thứ mười! Buôn nhưng mà không cần phải gian”.

Gần mười năm gây dựng và phát triển công ty tại Việt Nam, mặc dù về quy mô, chúng tôi chưa được bằng các doanh nghiệp lớn với hàng nghìn lao động thường thấy trong lĩnh vực dệt may, nhưng chúng tôi luôn tự hào về một bản sắc riêng của mình. Đó là bản sắc văn hóa doanh nghiệp được kết hợp hài hòa giữa văn hóa truyền thống của người Việt vốn lấy “nhân, lễ, nghĩa, trí, tín” làm trọng, và những giá trị đạo đức và tinh thần được kết tinh và duy trì trong suốt 87 năm hình thành và phát triển của một Tập đoàn đa quốc gia nơi những câu chuyện cổ tích của Andersen ra đời. Ở công ty tôi, không hiếm trường hợp, nhân viên đã rời khỏi công ty một thời gian lại xin quay trở lại. Tôi nghĩ rằng họ biết, những gì họ nhận được nơi đây, có rất nhiều thứ không thể tính được bằng tiền…

Tôi tin rằng, mỗi người sinh ra đều mang theo mình một sứ mệnh nào đó. Sứ mệnh đó, tôi chắc rằng không chỉ dừng lại ở sinh tồn và gây dựng hạnh phúc hay sự nghiệp cho bản thân. Đã là sứ mệnh, nó luôn gắn liền với người khác và vì người khác. Tôi vốn là người hiếm khi nói về mình, lại càng không coi những gì mình đạt được trong cuộc sống như là một câu chuyện thành công để chia sẻ. Bởi vì so với rất nhiều người thành đạt trong xã hội hiện nay, những thành tựu mà tôi có thực hết sức nhỏ bé. Tôi quyết định viết ra câu chuyện cuộc đời mình hôm nay với một mong muốn duy nhất rằng: những trải nghiệm của tôi trong quá khứ cùng những cải biến to lớn và kỳ diệu của tôi trong hiện tại có thể giúp cho những người hữu duyên đọc được câu chuyện này có một cách nhìn nhận khác về hoàn cảnh và những vấn đề họ đã và đang gặp phải, để có thể ngừng oán trách số phận, từ bỏ thù hận và trân quý hơn cuộc sống mà tôi tin rằng mình đã thật sự được ban tặng này. “Tướng do tâm sinh, Cảnh tùy tâm chuyển”, hạnh phúc hay khổ đau, thuận lợi hay khó khăn, thành công hay thất bại… tôi ngộ ra đều là do cách mình nhìn nhận và đối đãi với những gì xảy đến với mình. Tôi tin thẳm sâu trong mỗi con người đều ẩn giấu một tâm hồn thiện lương, một trí huệ minh triết và một nguồn năng lượng mạnh mẽ. Chỉ khi ta biết quay về với chính mình, lắng nghe tiếng nói nơi tim mình và lựa chọn theo sự mách bảo của nó, ta mới tìm thấy sự bình an nội tâm, mới giải phóng hết mọi khả năng tiềm ẩn của bản thân để đạt được ý nguyện của mình với một sự thăng hoa thật sự về tinh thần. Đến lúc ấy, tôi chắc mọi người đều sẽ biết được Sứ mệnh của mỗi người khi được sinh ra trong cuộc đời này thực sự là gì?!

Đoàn Thị Thu Hiền
Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Thygesen Việt Nam
Điện thoại: 0988 369 818

Theo ĐKN