Trong những ngày qua, khi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine diễn ra, thì trên mạng xã hội lại lên tiếng đàm tiếu về vị Tổng thống Ukraine – Zelensky. Một số người gọi ông là gã hề trở thành Tổng thống, mang đến cho đất nước Ukraine cuộc chiến hiện tại. Vậy rốt cuộc vị tổng thống này là ai?
Theo Wikipedia, Ông Volodymyr Zelensky trước khi nhậm chức, ông đã nổi tiếng với tư cách là một người dẫn chương trình, diễn viên, diễn viên hài, đạo diễn, nhà sản xuất và là nhà biên kịch. Ông là đồng sở hữu và giám đốc nghệ thuật của Studio Kvartal-95 từ năm 2003 – 2019, và là Tổng sản xuất của kênh Inter TV từ năm 2010 – 2012.
Trong hồ sơ lý lịch, ông đúng là đã từng làm diễn viên hài. Nhưng đó chỉ là 1 trong những công việc mà ông từng tham gia. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam lại không quan tâm đến cả quá trình sự nghiệp đầy sinh động của ông, mà chỉ quan tâm đến một chút khoảng nhỏ trong cuộc đời ông. Vậy chúng ta hãy thử phân tích một chút về tính cách này của người Việt Nam chúng ta.
Trong cuốn Matthêu của Kinh Thánh có câu chuyện thế này:
“Khi ấy, Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: ‘Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế?’ Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: ‘Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.’ Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.” (Mt 13, 54-58)
Điều này cũng giống với câu thành ngữ của Việt Nam: Bụt nhà không thiêng. Nó thể hiện đúng một khía cạnh trong nhân tính của con người. Bởi vì khi có nhiều người biết rõ về một người nào đó. Nếu sau này người đó trở nên nổi trội, hoặc có danh tiếng lớn, thì những người vốn biết rõ về anh ta, sẽ mang 1 định kiến khó thay đổi về người ấy. Họ khó mà chấp nhận được việc người này bỗng trở nên khác thường trong mắt họ.
Do đó đức Giê-su mới giảng: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi”. Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
Tuy nhiên, người Việt Nam chúng ta thì lại có tính cách này khá mạnh, nhiều người hay dễ nhìn chằm chằm vào khiếm khuyết của người khác. Thậm chí một điều nào đó, nó không hẳn là khiếm khuyết, nhưng lại là điều bất lợi của cá nhân ấy, lại được đem ra làm công cụ để tấn công vào nhân phẩm của đối phương.
Thật ra, trước khi ông Zelensky nắm quyền ở Ukraine, thì đất nước này đã là một mớ hỗn độn, tình huống lúc đó cấp thiết, rất cần một người có đủ khả năng, bất kể lai lịch để kéo đất nước lên. Do đó một gã tay ngang về chính trị, nhưng được lòng dân, lại trở thành tổng thống.
Và để trở thành Tổng thống, ông Zelensky đã vượt qua một cuộc bầu cử dân chủ, dân Ukraine đã bỏ phiếu chọn lấy lãnh đạo của mình, ông ấy là 1 vị tổng thống hợp Pháp, hợp Hiến, có được tính chính danh rõ ràng. Nhưng ông vẫn không tránh khỏi trở thành mục tiêu công kích của cư dân mạng, ngay cả khi đất nước ông đang trở thành thảm họa nhân đạo cần được giúp đỡ ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới.
Thói đố kỵ, ganh ghét là thuốc độc
Trong bài viết “Đố kỵ là ác tâm : Bàn về thói ganh ghét đố kỵ của người Việt” của tác giả Thế Di đăng trên trang Tinhhoa.net – có bàn về đặc tính cố hữu của người Việt.
Người Việt chúng ta hay có câu nói: Một kỹ sư người Việt thì giỏi hơn một 1 kỹ sư người Nhật. Nhưng 3 kỹ sư người Việt lại làm việc không bằng 1 kỹ sư người Nhật.
Vốn dĩ cũng là một kỹ sư, tôi nghĩ rằng tôi cũng hiểu phần nào câu nói này. Trong cách làm việc đội nhóm của những người Việt, thường các thành viên sẽ không muốn công sức của mình khiến cho 1 người khác trở nên nổi bật. Hay nói cách khác, họ xem công việc là thành quả chung, nếu có 1 ai đó trở nên thành tựu khác thường, thì chi bằng rút ra làm riêng cho mình.
Nếu 1 người trong nhóm có điểm nổi bật, họ thường lấy những khiếm khuyết của người ấy để đả kích, cũng sẽ khiến cho đối phương mất hết động lực để phấn đấu. Do đó, thường để quản lý tốt đội nhóm người Việt, các công ty thường phải dùng đến các chuyên gia người nước ngoài. Tình huống này diễn ra khá phổ biến.
Thói ganh ghét đố kỵ có thể bẻ cong sự việc, khiến chuyện tốt cũng bị nói thành chuyện xấu. Có một câu chuyện kể rằng: Ở một công ty nọ có một người có năng lực nhưng rất khiêm tốn, ông chủ nhìn thấy người này đã có tài năng mà nhân phẩm cũng tốt liền thăng chức cho anh ta, người khác thấy vậy liền xì xầm với nhau: “Kẻ đó đúng là đạo đức giả! Hóa ra bình thường nó giả làm người tốt để lấy lòng sếp.”
Điều này lý giải tại sao ngài Tổng thống Zelensky lại nhận được nhiều chỉ trích mang tính hằn học định kiến đến như vậy.
Nếu tìm hiểu về cựu Tổng thống Donald Trump thì mọi người sẽ thấy, quá khứ ông Trump cũng đã từng là ông bầu trong chương trình đấu võ MMA, ông ấy cũng từng là người tổ chức cho chương trình thi Hoa Hậu. Do vậy quá khứ của ông cũng từng có nhiều hình ảnh mang tính chất giải trí như gây huyên náo, động chân động tay trên khán đài.
Tuy nhiên đó chỉ là bản chất nghề nghiệp thể hiện ra trong nhất thời. Khi ông làm Tổng thống thì chúng ta thấy rõ tài năng cũng như nhân cách của Trump. Nó lấn át hết thảy những gì ông đã từng làm trong quá khứ. Do đó, nếu như chúng ta cứ nhìn chằm chằm vào quá khứ của một ai đó, thì chính là đang vô ý dìm mất một tương lai sáng lạn.
Mọi người nghĩ thế nào về chủ đề này. Hãy để lại ý kiến bình luận bên dưới để chúng ta cùng thảo luận.
Thiên Bảo