Hẳn ai trong chúng ta cũng tin rằng những ai sống lương thiện, tốt bụng sẽ đều có kết thúc có hậu. Nhưng lần này thì khác, truyện cổ Grimm Hansel và Gretel kể về vợ chồng tiều phu nghèo hai lần mang hai đứa con mà họ dứt ruột đẻ ra bỏ đói ở trong rừng, nhưng họ vẫn có cái kết vô cùng đẹp…
Phải chăng lòng vị tha, tình yêu trong sáng của những đứa trẻ đối với bố mẹ chúng và khát vọng được sống của hai sinh mệnh trẻ thơ đã chạm đến các vị Thần, để một ngày cả gia đình họ lại được đoàn tụ?
Tóm tắt nội dung truyện cổ Grimm Hansel và Gretel
“Hansel và Gretel” là tác phẩm nổi tiếng trong loạt truyện cổ Grimm. Câu chuyện kể về gia đình tiều phu nghèo có cậu con trai là Hansel và cô con gái Gretel. Dù làm lụng vất vả quanh năm, họ vẫn không đủ ăn. Tuy vậy, các con họ lớn lên luôn ngoan ngoãn, lễ phép mà chẳng một lời than vãn, oán trách cha mẹ. Nhưng cái đói khát dễ làm người ta mê lạc. Một ngày nọ, bất đắc dĩ nghe theo người vợ, hai vợ chồng quyết định đem 2 đứa con bỏ rơi trong rừng để thoát khỏi cái đói. May mắn thay vì nghe được kế hoạch của bố mẹ, Hansel đã nghĩ ra cách nhặt sỏi đánh dấu đường về, và quả thực nhờ vậy hai anh em đã thoát nạn và tìm được đường về nhà.
Những tưởng từ đó 2 đứa trẻ đáng thương sẽ được sống cùng cha mẹ nhưng đến một ngày trời lại làm đói kém khắp nơi. Hết cách, bà vợ lại bàn với chồng mang con bỏ vào rừng sâu, để chúng không thể biết đường về. Lần này 2 anh em Hansel không được may mắn như lần trước, cửa bị khóa nên không nhặt được sỏi, bẻ vụn bánh mì đánh dấu đường cũng bị chim ăn mất, bị bỏ rơi, đói khát lạc lõng trong rừng sâu tăm tối hun hút, đáng sợ hơn là mắc bẫy mụ phù thủy độc ác ăn thịt người, xém chút nữa đã biến thành bữa ăn của mụ.
Nhưng rồi kỳ tích đã xảy ra, nhờ tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau và sự nhanh trí của cô em Gretel gài bẫy mụ phù thủy trong gang tấc, 2 anh em đã thoát được khỏi ‘hang hùm’. Và với sự giúp đỡ của một chú vịt trắng tốt bụng như thiên thần, hai anh em đã tìm được đường về đoàn tụ với bố mẹ. Từ ngày bỏ con trong rừng, bố mẹ chúng cũng vô cùng ân hận nên khi thấy hai con trở về, họ quá đỗi sung sướng. Nhờ túi ngọc lấy được chỗ mụ phù thủy mà từ đó họ sống tiếp một cuộc đời rất hạnh phúc.
Ý nghĩa của câu chuyện: Trân quý sinh mệnh và khát vọng sống mãnh liệt đã cứu Hansel và Gretel
Hai anh em Hansel và Gretel đã nghĩ gì khi bị bỏ rơi?
Đúng như tâm lý trẻ thơ, cô em gái Gretel non nớt đã khóc thút thít kể từ khi nghe thấy người mẹ bàn với cha đem bỏ hai anh em cô bé vào trong rừng, không cho trở về nhà. Cô bé sợ khi ở trong rừng rộng hun hút, tối tăm mà bố mẹ không quay lại đón.
Còn cậu anh Hansel thì sao? Người đọc ngỡ như cậu có khí phách của một nam tử hán, một thanh niên hơn là một đứa trẻ. Cậu luôn dỗ dành em gái mình, che chở cho em, đặc biệt là rất nhanh trí sắp đặt các kế hoạch để tìm đường về. Cảm giác như, ở bên Hansel, người em không còn bị nỗi lo sợ chế ngự nữa. Sự che chở của người anh khiến người em gái luôn thấy yên tâm, bình an và ấm áp. Cậu tin rằng, nếu có khóc lóc van xin cha mẹ đừng bỏ rơi họ thì cũng vô ích, vì đã đói nghèo thì chết ở nhà hay ở trong rừng cũng như nhau mà thôi.
Trong sâu thẳm trái tim của cô em gái đã không thể thiếu vắng người anh. Hẳn vì lẽ đó mà cô bé cũng trở nên vô cùng dũng cảm, vượt qua cái đói, cái mệt, cái sợ, băng qua rừng đêm rậm rạp, tối tăm và ẩn chứa đầy rẫy những hiểm nguy. Rồi cô bé đã làm được điều mà không phải ai cũng dám làm, đó là giết mụ phù thủy. Người ta tin rằng, Thần luôn an bài cho mỗi sinh mệnh con đường nhân sinh của riêng mình. Có ân thì sẽ được trả, có oán thì sẽ phải chịu nghiệp báo. Đó là quy luật hiển nhiên của vũ trụ mà mọi sinh mệnh, bao gồm cả con người không thể chống lại. Ở câu chuyện này, người anh đã không bỏ rơi em gái mình trong bất kỳ hoàn cảnh nào, và rồi được người em giải cứu, thoát khỏi cái chết từ tay mụ phù thủy. Cả hai anh em không phải vì sự sinh tồn của bản thân mình mà bỏ rơi người kia.
Người đọc thấy đâu đó lóe lên niềm vui vào lúc hai anh em Hansel và Gretel tìm thấy ngôi nhà nhỏ được làm toàn bằng bánh kẹo giữa rừng sâu. Tưởng rằng hai em đã được cứu khỏi chết đói và nguy hiểm. Thay vì niềm vui thì chúng ta lại thót tim khi những thứ đó chính là mồi nhử trẻ em với nụ cười nham hiểm của mụ phù thủy ăn thịt người. Giữa màu trắng của tuyết, chúng ta thấy hiện rõ sự đấu tranh giữa cái xấu, cái ác (mụ phù thủy) và cái tốt, lòng can đảm, thương yêu lẫn nhau (hai anh em Hansel và Gretel) diễn ra mỗi ngày trong ngôi nhà bằng bánh kẹo đó.
Có lẽ đoạn đẩy người đọc lên cao trào nhất chính là lúc mô tả hành động nhanh trí của cô bé Gretel. Giữa ranh giới của sự sống và cái chết chỉ còn tính bằng sợi chỉ mong manh, cô bé đã gỡ nút thắt và mang lại cho người đọc niềm vui tột độ khi cả hai anh em thoát khỏi bàn tay mụ phù thủy độc ác. Thật là một kết thúc có hậu khi cái tốt đã thắng cái xấu. Bằng sự thông minh của mình, cô em gái của Hansel đã đẩy phóc mụ phù thủy vào bếp lò và chốt chặt then sắt bên ngoài khiến mụ bị thiêu sống ở trong. Tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau của hai anh em Hansel và Gretel như ánh hào quang tỏa sáng giữa rừng sâu. Ánh sáng của bếp lò đã làm nổi rõ cái tà ác bị thiêu cháy như thế nào, còn cái tốt, cái thiện đã vụt sáng lên ra sao.
Người ta tin rằng, các vị Thần thì mặc áo cà sa màu trắng, các vị Phật thì mặc áo cà sa màu vàng. Chúng ta thấy hiện lên trong truyện hình ảnh hai con vật (Chim trắng ở trong rừng và Vịt trắng ở đầm rộng lớn). Hẳn đó là các vị Thần đã đến để cứu giúp Hansel và Gretel? Chim trắng đã xuất hiện, dẫn hai anh em đến ngôi nhà làm toàn bằng thứ đồ ăn được, trong khi chúng đang đói khát cồn cào. Vịt trắng đã đưa các em qua đầm rộng lớn mà người thường không thể đi qua nếu không có cầu hay thuyền.
Người ta cũng tin rằng, các vị Thần chỉ triển hiện cứu những ai đáng được cứu. Giả sử hai anh em Hansel và Gretel có những tâm sợ hãi, tâm tranh đấu lẫn nhau giữa cửa sinh tử như vậy, không yêu thương đùm bọc lẫn nhau thì có được cứu hay không, hay cả hai cuối cùng rồi cũng sẽ bị chết?
Câu chuyện được đẩy lên một bước ngoặt khi mụ phù thủy hiện ra ở gần cuối cũng chính là một thử thách về quan nạn mà hai em nhỏ sẽ phải vượt qua. Để rồi các vị Thần nhìn thấy rõ rằng, ngoài sự can đảm tột cùng, tâm hồn các em thật thuần khiết, thánh thiện. Các em thật đáng được cứu rỗi. Có lẽ vì thế mà nhân vật Vịt trắng xuất hiện tiếp theo sau. Đó chính là vị Thần đã đến để đưa các em vượt qua đầm rộng trở về nhà của mình.
Dành cho cha mẹ: Sự trân quý sinh mệnh của Hansel và Gretel đã giúp các em vượt qua nguy hiểm
Liệu các bậc cha mẹ đã bao giờ thực sự thức tỉnh sau mỗi lỗi lầm, đã dạy con mình hiểu và thực sự biết trân quý sinh mệnh?
Người ta thường nghĩ, chỉ có người lớn mới có cái quyền dạy trẻ em về mọi thứ, đặc biệt là về ý nghĩa của cuộc sống. Trẻ em chỉ biết ăn, biết chơi, biết học hành và tuân theo những mệnh lệnh, sự dạy dỗ của người lớn. Trong câu chuyện này thì ngược lại, chính Hansel và Gretel (hai đứa trẻ) lại là người mang đến bài học đầy ý nghĩa nhân sinh cho các bậc phụ huynh.
Ở câu chuyện, chúng ta thấy hiện lên một người cha nhu nhược, không phân biệt đâu là đúng, là sai mà chỉ làm theo yêu cầu của vợ trong khi bản thân không muốn. Người ta thường nói, cái gì tốt cũng khó giữ là vì thế, và rồi những thứ đẹp đẽ, quý giá như ngọc lưu ly thì thường dễ vỡ. Mặc dù ông bố yêu con, không muốn bỏ con, không muốn hủy hoại sinh mệnh hai người con của mình nhưng không quyết đoán, không bảo vệ được chúng mà còn làm theo cái ác, bị cái ác dẫn lối. Ông không giữ được chính viên ngọc trong trái tim mình khỏi bị vỡ. Kết cục là nó đã vỡ vụn.
Như ở trên đã nói, dù ai trong chúng ta cũng tin rằng người sống nhân hậu, lương thiện, luôn giúp đỡ người khác tất sẽ được an bài một cuộc sống êm đềm, đầy đủ. Thế còn cha mẹ của Hansel và Gretel không như vậy. Họ đã bỏ con đi, không chỉ một lần mà là hai lần. Nhưng tại sao họ lại vẫn được sống và đoàn tụ cùng các con như vậy? Thậm chí còn sống đầy đủ hơn trước vì các con họ đã mang về những chuỗi ngọc từ nhà mụ phù thủy.
Có phải, sự trở về của hai anh em Hansel và Gretel đã làm vợ chồng tiều phu thức tỉnh? Liệu chẳng may Hansel và Gretel chết đói ngay trong lần bị bỏ rơi trong rừng lần đầu, hay không thể thoát khỏi bàn tay mụ phù thủy khi bị bỏ đói lần thứ hai ở trong rừng thì các vị Thần liệu có tha thứ cho cha mẹ Hansel và Gretel hay không? Chúng ta luôn tin rằng ác giả, ác báo. Không ai được tùy tiện chấm dứt cuộc đời của bất kỳ sinh mệnh nào trong vũ trụ, kể cả những con vật, côn trùng, cái cây, ngọn cỏ, vì chúng đều có sinh mệnh.
Câu chuyện vẽ ra cho chúng ta hai bức tranh đối lập: Một bức tranh vợ chồng tiều phu, vì nghèo đói mà trở nên độc ác, bỏ cả con mình dứt ruột đẻ ra. Hẳn là vật chất đã làm con người ta mù quáng.
Một bức tranh khác là hai đứa trẻ ngây thơ, thuần khiết đến mức đáng thương. Chúng không những không hận thù gì người đã sinh thành ra mình, hai lần dẫn mình vào rừng và bỏ đói ở đó, mặc cho rét buốt, thú dữ nơi rừng thiêng nước độc mà chúng còn tha thứ cho họ. Bằng chứng là cả Hansel và Gretel đều rất đỗi vui mừng mỗi khi chúng trở về nhà. Thậm chí mỗi lần bị cha mẹ mang đi bỏ vào rừng không cho về nữa, chúng đều vẫn muốn quay về mà không mảy may nghĩ rằng liệu mình có bị họ bỏ đi lần thứ ba, lần thứ tư và nhiều lần khác nữa hoặc nghĩ cách gì đó giết hại mình hay không.
Hơn bao giờ hết, câu chuyện còn gửi đến chúng ta một thông điệp rằng: Trong những tình huống cực kỳ nguy hiểm, sự can đảm và trí huệ sáng suốt cùng với niềm tin mãnh liệt vào những điều chính sẽ thắng những điều ác, tin vào sự tồn tại thực sự của Thần, chúng ta sẽ vượt qua gian nguy. Ở truyện này, Gretel đã cầu xin Thần: “Lạy trời phù hộ cho chúng cháu. Thà để thú dữ ăn thịt trong rừng thì anh em cũng còn được cùng nhau chết”. Một chính niệm của em đã chạm đến các vị Thần.
Bất kỳ khi nào cũng không bỏ cuộc, khát vọng sinh tồn luôn có ở trong mỗi chúng ta trừ khi chúng ta tự đánh mất đi điều đó. Thực tế, có những người không bị ai hại mà tự hại mình đến chết. Những câu chuyện về hút hít, thổi bóng bay cười, tự cứa vào tay, tuyệt thực để phản đối cha mẹ hay sa đọa chạy theo mặt trái của xã hội, nghiện ngập vào game đến mức đột tử tại nơi chơi game,… Những người đó, họ tự quyết định từ bỏ sinh mệnh của họ, vì thế sẽ không ai có thể can thiệp. Vậy các bậc phụ huynh có lỗi hay không trong chuyện này? Đôi khi, sinh mệnh các em còn phụ thuộc vào chính sự dạy dỗ con của các bậc phụ huynh.
Ở đây, hai anh em Hansel và Gretel ngoài sự dũng cảm, chúng còn khát khao được sống ngay cả trong nghèo đói. Các em ý thức được rằng, có được sinh mệnh là không dễ dàng gì. Sức mạnh đó khiến cho chính cha mẹ là người hại các em cũng không thể đạt được mục đích. Chúng như cái cây mà rễ đã bám sâu, bám chặt dưới lòng đất, thì dù người ta có đổ xi măng lên trên, chúng vẫn đâm thủng mà nảy chồi non, lộc biếc.
Thần đã ban cho mỗi chúng sinh trong vũ trụ bao la này một sinh mệnh. Mỗi sinh mệnh đó có mối quan hệ khăng khít với vô tỷ, vô lượng sinh mệnh khác. Vì thế, con người hay bất kể loài nào không được vô cớ hủy hoại đi một sinh mệnh nào đó khi chúng chưa đi hết tiến trình cuộc đời của nó.
Người ta cũng tin rằng, cuộc đời một con người hay bất kỳ một sinh mệnh nào cũng đã được đặt định từ trước, rõ ràng như nhìn vào gương vậy. Ai đó vô tình hay cố ý hủy hoại đi sinh mệnh (sát sinh) sẽ đắc tội lớn với trời đất, với Thần. Họ phải chịu quả báo và nghiệp chướng vô cùng lớn. Bởi lẽ, những sinh mệnh bị chết oan uổng đó, họ phải chịu một “cuộc sống” vô cùng đau khổ, vật vờ ở những nơi chưa phải là “nhà” thực sự của họ vì còn phải đợi đến hết tiến trình y như đã được đặt định thì họ mới được trở về. Vậy, quãng thời gian dài đằng đẵng phải chờ đợi đó, họ sẽ phải vất vưởng, tha hương, lẩn quẩn vô cùng cực khổ. Đó chính là điều mà dân gian chúng ta hay gọi nôm na là các “oan hồn”. Do đó, chúng ta phải biết ơn vì còn được làm người, phải biết thực sự trân quý sinh mệnh của mình và của người khác.
Một bài học nữa được rút ra đó là: Với những người đã tạo ra nghiệp chướng trong cuộc đời họ, làm những thứ trời không thể dung, đất không thể tha, nhưng một khi người đó THỨC TỈNH, thì các vị Thần với lòng từ bi vô hạn sẽ vẫn cứu rỗi họ. Ở câu chuyện này, cha mẹ Hansel và Gretel đáng lẽ ra phải bị trừng phạt vì bỏ con họ đi, như thế cũng đồng nghĩa với hai đứa trẻ có thể đã chết đói ở rừng từ ngay lần thứ nhất. Tuy nhiên, lần thứ hai bỏ con, thấy con không về, họ đã vô cùng ân hận và day dứt. Nỗi đau đó gặm nhấm khiến họ sống trong chuỗi ngày không khác gì địa ngục. Sự tha thứ của hai anh em nhà Hansel chính là lòng từ bi vô hạn của các vị Thần mà đôi khi chính người lớn, người sinh thành ra chúng lại không có được. Chúng đã tha thứ cho chính lỗi lầm của cha mẹ mình. Cũng như Thần đã tha thứ cho lỗi lầm của cha mẹ Hansel và Gretel và mang hai đứa con trở về với họ.
Chắc chắn một điều, dù mùa màng thất bát hay đói rách đến nhường nào, họ sẽ không bao giờ để lạc mất con mình trong vũ trụ bao la này.