Ngày 15/07, Ủy viên Bộ Chính trị ĐCSTQ Tôn Chính Tài bị miễn chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Đến ngày hôm qua 24/07, Tân Hoa Xã chính thức thông báo, Tôn Chính Tài đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lập án điều tra.
Truyền thông Hong Kong tiết lộ, “Tổ Dò xét Trung ương” Trung Quốc trong tháng 02 năm nay đã tiến hành “dò xét lại” tại Trùng Khánh, trong báo cáo phản hồi thì ngoài việc công khai phê bình vấn đề “bất lực trong việc thanh trừ dư độc của Bạc Hy Lại, Vương Lập Quân”, hay tình trạng hủ bại trong các doanh nghiệp nhà nước v.v., Vương Kỳ Sơn từng trực tiếp chỉ trích Tôn Chính Tài “bằng mặt không bằng lòng với trung ương”.
Liên quan đến việc Tôn Chính Tài ngã ngựa, thông qua phân tích thông báo phản hồi của Tổ Dò xét Trung ương Trung Quốc, ngoại giới nhận định rằng, nguyên nhân chủ yếu rất có thể là do Trùng Khánh “bất lực trong việc thanh trừ dư độc của Bạc Hy Lại, Vương Lập Quân”.
Tạp chí Hong Kong “Tranh Minh” đã tiết lộ, trong báo cáo công khai còn rất nhiều nội dung chưa công bố. Theo tạp chí này, ngoài việc “bất lực trong thanh trừ di độc của Bạc Hy Lai, Vương Lập Quân” ra, thì còn có 2 nội dung trọng yếu không được đề cập trong báo cáo:
Thứ nhất, việc triển khai công tác lãnh đạo sợ đầu sợ đuôi, lo được lo mất, bo bo giữ mình, làm trái với quyết định chỉ đạo của Bộ Chính trị đối với công tác tại Trùng Khánh. Thứ hai là nhóm lãnh đạo đảng chính kết bè kết phái, quan hệ trong quan trường bất thường.
Ngoài ra, trước khi Tổ Dò xét Trung ương công bố tình huống phản hồi, Vương Kỳ Sơn, Triệu Lạc Tế, Lật Chiến Thư đã đại biểu cho Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật, Ban Bí thư Trung ương mà triệu kiến Tôn Chính Tài và những người có liên quan khác, phê bình họ đã bỏ ngoài tai những vấn đề mà Tổ Dò xét Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã phản ánh trong lần dò xét trước, khiến tình hình tại Trùng Khánh vẫn tiếp tục xấu đi, phản ánh thái độ bằng mặt không bằng lòng với Trung ương.
Tạp chí “Tranh Minh” còn tiết lộ, trước Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hai phe Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã thỏa hiệp với nhau để lựa chọn ra 4 lãnh đạo hạt nhân cho nhiệm kỳ khóa 20 của ĐCSTQ, trong đó có Tôn Chính Tài và Hồ Xuân Hoa. Tôn Chính Tài được coi là người của Giang Trạch Dân, còn Hồ Xuân Hoa là người của Hồ Cẩm Đào.
Tôn Chính Tài từng nhiều năm làm việc tại Thị ủy Bắc Kinh, trong khoảng thời gian đó hai người của phe Giang là Giả Khánh Lâm và Lưu Kỳ kế tiếp nhau đảm nhận chức vụ Bí thư Thành ủy Bắc Kinh. Sau đó Tôn Chính Tài lần lượt đảm nhận chức Bí thư Thành ủy Cát Lâm; Bí thư Thành ủy Trùng Khánh. Trong đó, Cát Lâm chính là địa bàn của Thường ủy Bộ Chính trị phe Giang – Trương Đức Giang, còn được gọi là “bè phái Cát Lâm”, Trùng Khánh là hang ổ của Bạc Hy Lai.
Việc Tôn Chính Tài bị thanh trừ ngay trước Đại hội 19 cho thấy sự mạnh tay và quyết tâm loại bỏ hoàn toàn phe cánh Giang Trạch Dân ra khỏi chính trường Trung Quốc của ông Tập Cận Bình. Đây là một lần chấn nhiếp vô cùng mạnh đối với thế lực hiện tại còn lại của phe Giang.
Các chuyên gia phân tích cho rằng cú ngã ngựa bất ngờ của ông Tôn chính là dấu hiệu cảnh báo cho thấy ông Tập sẽ lựa chọn người kế nhiệm theo nguyên tắc của riêng mình chứ không phải tuân thủ sự sắp đặt của người tiền nhiệm.
“Tôn Chính Tài là phát pháo hiệu để Chủ tịch Tập Cận Bình phát đi thông điệp tới toàn đảng”, Wu Qiang, cựu giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định. “Ông Tập đã phát tín hiệu rằng ông không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu đề bạt mà các lãnh đạo tiền nhiệm đã đưa ra”.
Susan L. Shirk, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc Thế kỷ 21 thuộc Đại học California, Mỹ, cho rằng quyết định cách chức Tôn Chính Tài là một nỗ lực nhằm củng cố quyền lực của ông Tập, đồng thời là một động thái phá bỏ quy tắc đề bạt cán bộ đã được những người tiền nhiệm hoạch định.
“Việc Tôn Chính Tài mất chức thực sự là một chỉ dấu cho thấy những quy tắc bất thành văn về quá trình kế nhiệm lãnh đạo đã không còn”, bà Shirk viết.
Lê Hiếu biên dịch