Trong hồi 49, “Tây Du Ký” có một chi tiết khiến nhiều người khó hiểu và tranh cãi, đó là Quan Âm Bồ Tát vội vàng đi bắt cá tinh giải cứu Đường Tăng mà không trang điểm. Tuy nhiên, hàm ý của chi tiết này lại vô cùng sâu sắc, chính là điểm hóa cho con người ngày nay.
Đoạn mô tả Quán Âm thu phục cá tinh giải cứu Đường Tăng về sau được khắc họa trong tranh vẽ có tên “Ngư Lam Quán Âm”. Dân gian có nhiều phiên bản giải thích về “Ngư Lam Quán Âm”, vậy phiên bản nào mới là thật? Phải chăng không phải cùng một vị Bồ Tát? Trong “Tây Du Ký” cũng có một phiên bản, nếu “Tây Du Ký” là chính xác, thì truyền thuyết này cũng có thể là đúng như vậy.
Trong hồi 49: “Tam Tạng bị giam trong thủy thạch, Quan Âm thương đến bắt Kim ngư”, kể rằng:
Không lâu sau, chỉ thấy Quan Âm xách giỏ tre, bước ra kêu lớn rằng: “Ngộ Không, ngươi theo ta mà cứu Ðường Tăng”.
Tôn Hành Giả vội vàng quỳ xuống bạch rằng: “Ðệ tử chẳng dám thúc hối, xin Bồ Tát điểm trang chỉnh tề, rồi sẽ đằng vân”.
Quan Âm nói: “Khỏi cần trang điểm, phải đi cho mau, thời cứu Ðường Tăng mới kịp”.
Nội xóm ấy trai, gái, già, trẻ đồng mừng rỡ đi coi, không quản lấm bùn, đồng quỳ lạy Bồ Tát. Có người thợ vẽ giỏi, liền họa hình, gọi là: Ngư Lam Quán Âm.
Theo truyền thuyết này, chúng ta nhìn thấy Quan Âm lấy giỏ bắt cá tinh, được dân chúng vẽ lại, lưu truyền về sau, trở thành một phiên bản “Ngư Lam Quán Âm”. Có một chỗ mê không thể lý giải trong “Tây Du Ký”, chính là Bồ Tát vì sao không trang điểm, là do không có thời gian hay sao? Hay là quá vội vàng? Nhưng dường như những lý do này cũng không hợp lý.
Khi ấy Bát Giới và Sa Tăng nhìn thấy như vậy, đều bàn luận với nhau rằng:
“Sư huynh thật nóng nảy trên đời, không biết tại Nam Hải sư huynh thúc hối thế nào, đến nỗi Bồ Tát không kịp gỡ đầu, mặc áo, phải đi lập tức như vậy!”
Quán Âm không trang điểm, kỳ thực có lý do
Có thể nói đây là chương hồi gây nhiều tranh cãi nhất trong truyện “Tây Du Ký”, đã có rất nhiều người đưa ra lý giải về ý nghĩa việc làm của Bồ Tát.
Có người lý giải rằng, Bồ Tát biết Kim Ngư xuống nhân gian làm loạn, ấy là trái phép trời. Lại là cá trong ao sen của mình, nên bà sợ Phật Tổ trách tội, phải vội vội vàng đi giải bắt cá tinh. Nếu không như vậy thì tính mạng của Kim Ngư khó bảo toàn, đồng thời Bồ Tát cũng chịu vạ lây.
Lý giải như vậy đánh đồng với việc Bồ Tát có vị tư, do muốn bảo hộ Kim Ngư mà vội vàng hành sự. Đường Tam Tạng vẫn còn là người đang tu, trong suốt những quan ải mà mình đã đi qua, ông đã nhận thức ra một điều: Thiện ác nếu không báo, càn khôn tất vị tư. Bồ Tát vốn dĩ là một bậc giác giả, vốn đã tu thành quả vị, lẽ nào bà không biết được quy luật vũ trụ vốn công minh này. Nếu so sánh Bồ Tát với lối nghĩ như thế, e rằng có phần áp đặt tùy tiện.
Chúng ta biết, “妆” và “庄” đồng âm đọc là zhuang – trang, 庄 có nghĩa là trang nghiêm, và sau khi “trang điểm” (梳妆) thì chúng ta có thể hiểu là lại càng trang trọng hơn nữa, chính thức hơn nữa. Ở Phật gia thì càng có ý nghĩa trang nghiêm thù thắng. Nếu như dưới tình huống này, khi thu phục cá tinh, sẽ tiến hành giáng tội lớn cho nó, hoặc phải đánh nó vào địa ngục chờ trừng phạt. Thế nhưng, dưới tình huống không trang điểm, cũng có nghĩa là trường hợp không chính thức, thì khi hàng phục cá tinh, tội sẽ nhẹ đi đôi phần. Nếu không, hào quang vô hạn của Bồ Tát, có lẽ sẽ khiến cho cá tinh hồn bay phách tán.
Nói như vậy, cũng là mở một mặt lưới cho cá tinh, cũng là biểu hiện sự từ bi của Bồ Tát. Có người sẽ nói thế này không công bằng, là Bồ Tát bao che cho người của mình. Kỳ thực không phải vậy, Bồ Tát đối với tất cả chúng sinh đều là từ bi, đối với cá tinh mà mở cho nó một con đường sống cũng là có nguyên nhân. Có một số việc nếu chúng ta không đứng ở cơ điểm của người khác thì không thể nào hiểu được. Có lẽ cá tinh là do Bồ Tát cố ý phái xuống để khảo nghiệm 4 thầy trò Đường Tăng, những việc như vậy chúng ta không dễ mà có thể lý giải được.
Ngoài ra ai cũng biết, các nạn của Đường Tăng là có định số, vốn được an bài từ trước. Khi Đường Tăng thỉnh kinh trở về, do chưa đủ số kiếp nạn đã định, nên mới gặp thêm một nạn gặp lão rùa tinh tại sông Thông Thiên Hà. Do đó việc Bồ Tát xuất hành không qua trang điểm không thể lý giải theo cách thường nhân hóa như vậy được.
Ngư Lam Quán Âm, cũng chính là điểm hóa cho con người tương lai
Một người đọc qua “Tây Du Ký”, có thể thấy rằng Bồ Tát không tùy ý hiện tướng trước mặt người thường. Trong các tập của “Tây Du Ký”, chỉ có duy nhất chương hồi này có đề cập đến việc Bồ Tát xuất hiện trước người phàm, là điều cực hiếm, hơn nữa chỉ khi Đường Tăng có nạn cần thỉnh đến Bồ Tát Quán Âm thì bà mới xuất hiện.
Bồ Tát Quán Âm xuất hiện lần này vốn không phải là điều đơn giản, lại còn để lại hình họa Bồ Tát cầm giỏ tre, đây là một hiện thân của Bồ Tát được nhiều người biết đến trong lịch sử. Hiện thân lần này của Bồ Tát chính là một người phụ nữ nhân hậu, mặt không trang điểm, đi chân trần, hoàn toàn khác hẳn những lần xuất hiện khác trong toàn tác phẩm Tây Du Ký. Đồng thời bách tính nhân dân còn biết đến sự xuất hiện của ngài, lũ lượt kéo nhau đi bái lạy.
Theo lý giải bản thân tôi, Bồ Tát chính là được an bài như thế, mục đích để lại cho lịch sử một tham chiếu, để con người nhận thức ra một chân lý: Khi một giác giả hạ thế, chắc chắn đó không phải là hình tượng kỳ mỹ lạ thường. Mà đó phải là ngoại hình rất đỗi bình thường.
Bồ Tát xuống bắt Kim Ngư dù sao cũng chưa phải là độ nhân, chỉ là phụng theo thiên ý và thu về con cá vàng họa loạn nhân gian. Thế nhưng hình tượng đã phải bớt đi phần nào trang nghiêm. Vậy nếu một vị giác giả hạ thế với mục đích độ nhân, lẽ nào mang Phật tướng oai nghiêm mà giảng Pháp. Có lẽ đây chính là đạo lý của việc “Bồ Tát mang giỏ cá” giải cứu Đường Tăng.
Tinh Hoa