Trên thế gian có nhiều loại người, nhiều tính cách khác nhau, nhưng loại người đáng sợ nhất, không phải tiểu nhân, cũng không phải ác nhân…
Tôi có một người bạn, cô ấy kết hôn mới được mấy tháng đã ly hôn, bởi vì cô ấy không muốn sống phụ thuộc vào người khác.
Cô ấy nói, chồng cô làm trưởng phòng nên thu nhập rất cao, cô ấy chỉ ở nhà nhàn rỗi buồn chán. Trong một lần đi dạo phố cô ấy đã mua sắm rồi thanh toán bằng thẻ, mất khoảng 20 triệu đồng.
Sau khi chồng cô nhìn thấy hóa đơn thanh toán, thì nói rằng sẽ giới hạn tiền tiêu dùng trong tài khoản của cô, khiến cô ấy vô cùng tức giận, cầm thẻ ném vào mặt chồng, nói cô muốn đi làm kiếm tiền. Sau đó tự mình đi làm thẻ, đi mua sắm, sống cuộc sống của mình, không phải phụ thuộc vào người khác nữa.
Khi tôi nghe xong câu chuyện của cô ấy, trong tâm tôi cảm thấy nuối tiếc cho cuộc đời của cô.
Rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?
Từ góc độ khách quan mà xét, chồng cô không phải là người tệ bạc, keo kiệt, nói một cách tương đối, cô ấy giận dữ, chính là mấu chốt của việc duyên phận giữa hai người kết thúc.
Khi người đàn ông làm một chức vụ cao, mặc dù kiếm được nhiều tiền, nhưng chắc chắn áp lực công việc cũng không phải là ít. Vì anh sợ vợ mình lo lắng, mới không cho cô ấy biết những vất vả trong công việc. Nhưng kết quả cô ấy lại không biết quý tiếc hạnh phúc, vẫn còn cảm thấy lương của chồng quá ít.
Thực tế trong cuộc sống, xung quanh chúng ta có rất nhiều người như vậy.
“Chấp mê bất ngộ” là hành vi vô cùng đáng sợ
Hàng xóm của tôi là một người trung thực, nhưng từ sau khi bị thất nghiệp do công ty của anh cắt giảm biên chế, tinh thần của anh luôn ở trong trạng thái sa sút, nhàn rỗi sống ở nhà.
Tiền chi tiêu mỗi tháng của gia đình đều từ tiền lương của vợ. Mặc dù mọi người đều rất nhiệt tình, giới thiệu công việc cho người hàng xóm này, nhưng anh ta lần nào cũng chỉ làm được vài ngày là thấy chán rồi bỏ việc.
Sau này anh ta lại còn đi đánh bạc, lúc mới đầu cũng kiếm được ít tiền, sau đó thì cứ liên tục thua, đến nỗi lấy cả tiền sinh hoạt của gia đình và tiền đóng học cho con để đánh bạc. Vì thế, hai vợ chồng thường xuyên cãi nhau, làm inh ỏi cả xóm. Cuối cùng phải nhờ những người hàng xóm đến phân xử giúp cho gia đình.
Ý của anh ta là, vì anh ta muốn tốt cho gia đình, nên mới đi đánh bạc để kiếm tiền, chứ không phải anh ta thích đánh, chỉ cần đưa cho anh ta ít tiền vốn, anh ta sẽ đánh thắng được rất nhiều tiền mang về nhà. Thế nhưng, vợ anh ta lại khóc nói rằng, trong nhà đã hết tiền từ lâu rồi, chỉ còn một ít mượn từ nhà bố mẹ đẻ, nếu mang đi đánh bạc thì con cái lấy gì mà ăn?
Chúng tôi nghe xong, đều nói với người hàng xóm rằng anh ấy đã sai rồi. Nhưng anh ấy lại không chịu nghe, tức giận đi ra khỏi nhà. Sau đó nghe nói anh ta thiếu nợ ngân hàng rất nhiều tiền, rồi không trở về nhà nữa.
“Vô minh” chính là điều rất khủng khiếp, nó khiến người ta không nhận ra được sai lầm, thậm chí tin rằng mình là đúng, không nghe khuyên nhủ của người khác, mà làm theo vọng tưởng của mình. Vậy cũng nói, người vô minh là đáng sợ nhất.
Tiếp tục kể một câu chuyện tương tự…
Ở quê tôi, có một vị đại địa chủ, sinh được ba người con gái, ba chị em rất yêu thương nhau, dẫu là ở trường, ở nhà học bài hay đi ngủ đều luôn quấn lấy nhau, không muốn rời ra, trở thành một giai thoại ở quê.
Sau này ba chị em lớn lên, từng người từng người lập gia đình, chị cả và chị hai vẫn ở cùng một chỗ, vẫn yêu thương nhau như trước, chỉ có cô em là lấy chồng làm nghề buôn bán nên sống ở xa. Lập gia đình được vài năm, vì chồng cô em út làm ăn không khá, nên nợ nần chồng chất.
Một ngày, cô em út trở về nhà, yêu cầu bố mẹ chia gia sản cho mình trước. Bố mẹ cô nghe vậy cảm thấy rất sốc, chị cả và chị hai đều mắng cô em út bất hiếu, nhưng cô em út vừa khóc vừa nói to rằng gia sản trong nhà một phần là của cô, bây giờ cô ấy đang thiếu tiền, lấy gia sản trước thì có gì là sai?
Bố mẹ có giải thích cỡ nào cũng không lay chuyển được cô, cuối cùng đành phải chia ruộng vườn và tài sản ra làm ba phần. Cô em út lại khóc to lên, nói rằng phải phân làm bốn phần, cô lấy hai phần, bởi vì chị cả và chị hai không bị mắc nợ, chồng họ cũng kiếm được rất nhiều tiền, còn chồng cô thì lại nợ nần chồng chất, chẳng lẽ cả nhà thấy gia đình cô khó khăn như vậy lại không giúp đỡ?
Chị cả và chị hai nghe vậy cảm thấy rất buồn, không phải buồn vì đống tài sản của gia đình, mà buồn vì không biết tại sao trái tim của cô em út lại trở thành băng giá, ích kỷ như vậy.
Thế nhưng, cô em út ỷ vào được bố mẹ chiều chuộng, hết khóc lóc rồi không ăn không uống, mọi người cuối cùng cũng phải bó tay làm theo ý cô. Sau khi cô lấy gia sản, chị cả và chị hai bắt đầu bất hòa với cô, dần dần coi cô như người lạ, có thể nói cô em út đã vì gia sản mà cắt đứt duyên phận với gia đình mình.
Duyên phận giữa người với người, là sâu đậm hay nhạt nhòa, dài hay ngắn, sẽ trở thành thiện duyên hay ác duyên, toàn bộ là do những quyết định “vô minh” một chiều mà ra.
Câu chuyện của người bạn học
Một người bạn học hồi cấp 3 của tôi, anh ấy kinh doanh về lĩnh vực thức ăn sạch. Có một ngày, anh ấy đến tìm tôi để mượn tiền, nói là đang cần dùng tiền gấp để quay vòng.
Tôi vì muốn giảm bớt gánh nặng trong tâm cho anh ấy, liền mua thức ăn sạch của anh, để anh ấy có thu nhập. Nhưng anh ấy lại cho rằng tôi là người có nhiều tiền, cách vài ngày, đều mang một đống sản phẩm mới đến nói với tôi rằng những thực phẩm này rất tốt cho sức khỏe.
Tôi nghĩ rằng chắc anh ấy lại thiếu tiền, vì vậy đã mua cho anh ấy rất nhiều.
Lúc ấy, tôi cũng bóng gió nói với anh ấy rằng thu nhập của tôi cũng không cao, mà thức ăn sạch trong nhà đã trữ quá nhiều rồi, ăn mấy năm nữa cũng không hết, nên tạm thời không có nhu cầu mua nữa.
Anh ấy cười nói rằng anh ấy hiểu, tôi nghĩ rằng anh ấy sẽ tự biết mà không đến chào hàng nữa.
Nhưng không ngờ anh ấy lại mang một đống sản phẩm mới nhập khẩu từ nước ngoài đến chỗ tôi, gắng sức thuyết phục tôi mua, nói rằng để cảm ơn sự ủng hộ của tôi, ngoài việc giảm giá ra, còn có thể bán nợ, khi nào tôi có tiền trả anh ấy sau cũng được.
Tôi nghe xong cảm thấy rất tức giận, lần này tôi cương quyết không mua. Tôi mở cửa nói với anh ấy, đừng coi tôi như là kẻ ngốc, lợi dụng lòng tốt của tôi mà biến tôi thành kẻ tiêu tiền một cách hoang phí bừa bãi.
Anh ấy nghe xong đỏ mặt tức giận, quở trách tôi một cách vô lý rồi rời đi. Từ đó về sau, tôi và anh ấy không liên lạc với nhau nữa.
Người với người, có thể trở thành bạn của nhau, hay thành kẻ thù, không phải là do duyên phận, mà thường là do những phán quyết vô minh mà ra. Nếu bạn đang ở trong những quan hệ như trên, và cũng bùi ngùi và bất đắc dĩ giống như tôi, thì hãy mau chóng dứt khoát với họ nhé!
Lê Hiếu (Theo Cmoney.tw)