Xưa nay, chiến loạn xảy ra nếu không vì giang sơn, thì cũng vì tiền bạc hay quyền thế. Nhưng trong lịch sử từng xảy ra một trận chiến rất đặc biệt, vì nó chỉ để ‘cướp đoạt’ một vị hòa thượng.
Theo sử sách ghi lại, năm 379 tại Tương Phiền, Hồ Bắc, nước Tiền Tần đã dùng 10 vạn quân chiếm cứ Phàn thành, rồi tấn công thành Tương Dương. Quân Đông Tấn thủ thành đến cùng, cả phụ nữ trong Liên thành cũng xông pha. Nhưng cuối cùng, quân Tiền Tần cũng thắng trận, và đoạt được vị hòa thượng.
Năm thứ 3 Đông Tấn – Hưng Ninh (365 năm), hòa thượng Thích Đạo An vì tránh chiến loạn đã dẫn hơn 400 tăng đồ từ Lục Hỗn (ngày nay là huyện Tung tỉnh Hà Nam) theo hướng Nam đi đến Tương Dương xây dựng Đàn Khê tự và cư ngụ tại đây.
Hòa thượng Thích Đạo An tại Đàn Khê tự đã sử dụng văn hóa Nho gia chú giải kinh Phật; sáng lập đạo Lục gia Thất tông “Bản vô tông”; hoàn thành mục lục bộ kinh Phật đầu tiên của Trung Hoa “Tống lý chúng kinh”; định ra quy phạm tăng ni v.v. Sau khi Hiếu Vũ đế của Đông Tấn biết được việc này đã viết chiếu thư khen ngợi hòa thượng Thích Đạo An, đồng thời cũng cấp bổng lộc hỗ trợ cho việc phát triển Phật môn tại Tương Dương.
Sau khi Hoàng đế Tiền Tần là Phù Kiên biết đến danh tiếng của hòa thượng Thích Đạo An, đã quyết tâm mời bằng được hòa thượng Đạo An về Tiền Tần. Ông đã rất nhiều lần nói trước mặt các đại thần rằng: “Tương Dương có vị pháp sư Thích Đạo An, không phải là tục nhân, mà là người có thần khí! Hãy nghĩ xem có cách nào để đưa vị hòa thượng này về Tiền Tần ta không?”
Nhưng không ai nghĩ ra được một phương pháp nào hay. Cuối cùng, Phù Kiên đã làm theo chủ ý của mình, quyết định dùng vũ lực để cướp hòa thượng Thích Đạo An về. Phù Kiên lệnh tướng quân Phù Phi thống lĩnh 10 vạn đại quân, công kích Tương Dương.
10 vạn đại quân đi chiếm đoạt một nhân tài, so với chiếm cứ một vùng đất là khó hơn nhiều. Cho nên trước khi xuất quân, Phù Kiên giao phó cho Phù Phi: “Trận chiến này, trên danh nghĩa là cướp những vùng đất màu mỡ Tương, Phàn, Miện, nhưng trên thực tế chỉ cần đưa được hòa thượng Thích Đạo An về là được”.
Phù Phi dẫn đại quân hoả tốc đến Tương Dương. Đại quân vượt qua Hoàng Hà, khi gần đến Tân Dã, Thái thú Tương Dương là Chu Tự mới biết được tin Phù Phi công kích Tương Dương. Lúc này, điều Chu Tự làm trước tiên chính là bảo vệ an toàn cho hòa thượng Thích Đạo An.
Ông một mặt chuẩn bị thế trận tiếp đón địch, một mặt phái người đến Đàn Khê tự bảo vệ hòa thượng Thích Đạo An rời Tương Dương. Thích Đạo An nghe được tin này, liền nghĩ rằng, nhân cơ hội này, lấy lui làm tiến, dẫn học trò của mình di tản đến lưu vực sông Trường Giang, đến những vùng đất rộng lớn hơn khác để quảng truyền Phật Pháp.
Hòa thượng Thích Đạo An gọi chúng đồ tới, ông bảo Pháp Ngộ, Đàm Kỹ, Đàm Chinh dẫn một nhóm đồ đệ đến Giang Lăng tự ở Trường Sa; bảo Tăng Phụ, Đàm Giới, Đạo Huyền dẫn một nhóm đồ đệ đến Thượng Minh Đông tự; bảo Tuệ Viễn dẫn một nhóm đồ đệ đến Tây Lâm tự. Khi hòa thượng Thích Đạo An đang lên kế hoạch vượt sông Trường Giang, thì Chu Tự phái binh đến kiểm soát Đàn Khê tự.
Bởi Chu Tự đã dò thám được mục đích công kích Tương Dương của Phù Phi là để đoạt hòa thượng Thích Đạo An, nên đã phái một đội quân đến Đàn Khê tự, không cho hòa thượng Thích Đạo An rời đi.
Sau đó, khi đại quân của Phù Phi tiến đánh đến Phàn thành. Chu Tự cảm thấy tình thế nguy cấp, nên đã ép hòa thượng Thích Đạo An đến phủ Thái thú trong thành Tương Dương. Đúng lúc này, có một nông phu vội vã chạy tới nói: “Quân Tiền Tần đã đến làng của chúng tôi, họ muốn tới Đàn Khê tự để đoạt hòa thượng Thích Đạo An, những hòa thượng khác ngăn cản đều đã bị trói”.
Tăng nhân Tuệ Viễn nghe xong, lập tức dọn dẹp hành lý rời khỏi Đàn Khê tự. Khi quân Tần kéo đến thì Đàn Khê tự đã không còn một bóng người.
Thấy Đàn Khê tự trống không, Phù Phi đoán hòa thượng Thích Đạo An nhất định đã bị Chu Tự đưa đến phủ Thái thú Tương Dương. Liền dẫn quân đến vây thành Tương Dương. Chu Tự cũng triệu tập toàn bộ binh lực thủ thành.
Mẫu thân của Chu Tự là Hàn Thị còn đích thân đi dò xét ở trên thành. Khi Hàn Thị phát hiện quân Tần đang phá góc phía Tây Bắc của thành, đã “dẫn hơn trăm tỳ gái và nữ tử khác đến góc thành này xây một tường thành cao hơn 20 trượng để củng cố thành”, chính vì thế, binh dân trong thành gọi đây là ‘phu nhân thành’.
Chu Tự điều binh ngày đêm canh giữ, nhưng khi các binh sĩ đã thấm mệt, liền buông lơi phòng bị. Cùng lúc này, trong phủ Thái thú Tương Dương xuất hiện nội gian Lý Bá Hộ, nguyện làm nội ứng cho Phù Phi. Vì thế quân của Phù Phi đã công phá được thành Tương Dương, đánh tan quân thủ thành của Chu Tự, bắt được hòa thượng Thích Đạo An và Chu Tự, đại thắng quay trở về.
Lý Bá Hộ phản bội chủ, trợ giúp Phù Phi đánh hạ thành Tương Dương, nhưng cũng không được Phù Kiên cảm tạ, ngược lại Phù Kiên còn cho rằng Lý Bá Hộ là người bất trung, nên vừa đến Trường An, Lý Bá Hộ đã bị giết. Trong khi Chu Tự ương ngạnh thủ thành, còn giết không ít quân binh của Tiền Tần, lại được Phù Kiên dùng lễ đối đãi, thu phục và phong cho Chu Tự chức quan Thượng thư.
Phù Kiên vô cùng cung kính đối với hòa thượng Thích Đạo An, khi Phù Phi đưa hòa thượng Thích Đạo An vào triều bái kiến Phù Kiên, Phù Kiên đã xuống điện đáp lễ. Sau đó Phù Kiên giao 5 chùa lớn tại Trường An cho hòa thượng Thích Đạo An, cho ông được tùy ý tiếp nhận môn đồ. Và chỉ một thời gian không lâu, đã có vài ngàn người quy y làm môn đồ của hòa thượng Thích Đạo An.
Phù Kiên rất kính phục sự tu trì và học vấn của hòa thượng Thích Đạo An. Ông đã hạ một chiếu thư cho tất cả văn võ bá quan, khi gặp các vấn đề khó giải quyết hoặc không hiểu, hãy đến lĩnh giáo hòa thượng Thích Đạo An.
Lê Hiếu biên dịch