Lịch sử Trung Quốc qua các thời đại đã lưu danh rất nhiều anh hùng kiên cường bất khuất. Trong đó không chỉ là các vị tướng xông pha chiến trường ác liệt, mà còn có các vị sứ giả ‘đầu sóng ngọn gió’ cũng để lại nhiều câu chuyện cảm động.
Năm Thái Sơ thứ 4 (năm 101 TCN), Ha Lê Hồ Thiền Vu (tức Vua của dân tộc Hung Nô) qua đời, và em trai Thả Đê Hầu của ông đã trở thành Thiền Vu (vua). Để làm hòa với nhà Hán, ông đã phái sứ thần của mình tiễn Lộ Sung Quốc – cựu sứ thần nhà Hán trước kia đã bị giam giữ trở về nước.
Hán Vũ Đế đã quyết định thực hiện chính sách hòa bình và liên minh với Hung Nô. Để đáp lại thiện chí của Thiền Vu, vào tháng 3 năm Thiên Hán thứ nhất (năm 100 TCN), ông đã phái Tô Vũ là Trung lang tướng, cùng phó tướng Trương Thắng, và tùy viên Thường Huệ thả các sứ giả của Hung Nô bị giam giữ và tiễn họ trở về, mang theo các lễ vật tặng Thiền vu.
Tô Vũ giữ trong tay cờ tiết 5 màu đại biểu cho quyền lực của nhà vua, và dẫn đầu một phái đoàn gồm hơn một trăm người lên đường. Năm ấy Tô Vũ 42 tuổi, ông không nghĩ rằng chuyến đi lần này sẽ là 19 năm.
Tô Vũ và phái đoàn của mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, vào đêm trước khi trở về, một việc kỳ lạ đã xảy ra với phó tướng Trương Thắng. Trương Thắng cùng một số người Hán mà trước kia đã đầu hàng Hung Nô, đang âm mưu nhân lúc Thả Đê Hầu Thiền Vu ra ngoài đi săn mà sát hại cố vấn của Hung Nô – Vệ Luật, sau đó bắt cóc mẫu thân của Thiền Vu và trốn về nhà Hán. Sự việc bại lộ, Thiền Vu đã rất tức giận và ra lệnh bắt giữ toàn bộ sứ giả nhà Hán. Hung Nô và nhà Hán một lần nữa lại rơi vào tình trạng căng thẳng.
Tô Vũ và những người khác đều bị bắt. Trương Thắng lộ ra bộ mặt thật của mình và đầu hàng Hung Nô. Khi Tô Vũ được đưa đến trước mặt vua Hung Nô để hỏi tội, Thiền Vu nói với Tô Vũ rằng ông có ấn tượng sâu sắc với Tô Vũ, và nếu Tô Vũ chịu đầu hàng, ông sẽ tha thứ cho Tô Vũ.
Tô Vũ đã không chấp nhận thiện ý của Thiền Vu, thay vào đó giải thích với vua Hung Nô rằng, mặc dù bản thân ông không liên quan đến âm mưu bắt cóc, nhưng ông cảm thấy mình phải chịu trách nhiệm về hành vi của phó tướng. Tô Vũ nguyện lấy cái chết để chịu trách nhiệm, nhưng không bao giờ đầu hàng Hung Nô.
Nghe xong những lời này, Thiền Vu lại càng có ấn tượng tốt hơn đối với Tô Vũ, nghĩ rằng Tô Vũ rất dũng cảm, vì vậy ông đã yêu cầu đại thần thân cận Vệ Luật thuyết phục Tô Vũ đầu hàng. Trước tiên, Vệ Luật lấy cái chết để uy hiếp, nhưng Tô Vũ vẫn thờ ơ. Sau đó, Vệ Luật dùng vinh hoa phú quý để dụ dỗ, nhưng đều bị Tô Vũ thẳng thừng từ chối.
Thiền Vu đã dùng cực hình tra tấn Tô Vũ, buộc ông phải đầu hàng, nhưng Tô Vũ không chịu khuất phục; lại nhốt ông trong hầm và không cho ăn. Tô Vũ đói và khát, ông buộc phải ăn băng và tuyết trên mặt đất để sống qua ngày, nhưng vẫn không chịu phản bội nhà Hán.
Thiền Vu thấy rõ ý chí kiên định của Tô Vũ, biết không còn hy vọng gì nữa, liền đày ông đến vùng hoang vu không có người ở Bắc Hải để chăn một đàn dê đực, và nói rằng: “Chừng nào những con dê đực có sữa, sẽ để ngươi được trở về!”
Tô Vũ cầm cờ tiết trong tay rồi đến Bắc Hải, ban ngày thì chăn dê bên bờ biển, ban đêm thì sống một mình trong căn lều hoang vắng lạnh lẽo. Vào mùa đông khắc nghiệt, người Hung Nô cố tình cắt lương thực, Tô Vũ phải bắt chuột hoang và đào rễ cây cỏ để ăn.
Tùy viên đi cùng Tô Vũ là Thường Huệ cũng từ chối đầu hàng, bị Hung Nô giam cầm trong lao ngục, và bị hành hạ bằng lao động nặng nhọc, để làm sao cho ông khuất phục và phản bội nhà Hán. Tuy nhiên, Thường Huệ chưa bao giờ quên rằng mình là sứ giả của nhà Hán, càng khổ thì càng kiên định, và ông đã kiên trì bất khuất trong 19 năm.
Hán Vũ Đế qua đời và Hán Chiêu Đế lên ngôi. Năm Thủy Nguyên thứ 2 (năm 85 TCN), Hồ Diễn Đê là Thiền Vu mới của người Hung Nô, muốn kết thân với nhà Hán. Và Hung Nô đã làm hòa với nhà Hán. Có một lần, sứ giả nhà Hán đến Hung Nô và yêu cầu Thiền Vu thả Tô Vũ, Thiền Vu nói dối rằng Tô Vũ đã chết. Sứ giả nhà Hán không biết sự thật nên cũng không biết phải làm như thế nào.
Lúc này, Thường Huệ, người đã ở cùng với Tô Vũ đi sứ đến Hung Nô, lặng lẽ thông báo cho sứ giả nhà Hán về tình hình của Tô Vũ. Sứ giả nhà Hán không tiện phơi bày những lời dối trá của Thiền Vu, vì vậy, ông quay lại và nói với Thiền Vu rằng, Hán đế đã bắn phải một con chim nhạn trong khi đi săn, trên chân con chim có một phong thư nói rằng, Tô Vũ vẫn đang chăn dê ở Bắc Hải. Thiền Vu kinh ngạc, cho rằng đây là sự giúp đỡ của các vị Thần, và miễn cưỡng đồng ý thả Tô Vũ và những người khác.
Khi biết tin, Tô Vũ vui mừng quá đỗi mà khóc, nước mắt rơi thấm đẫm cả vạt áo. Lý Lăng (một viên tướng đã đầu hàng Hung Nô, trước đây đã từng được Thiền Vu phái đến để khuyên giải Tô Vũ đầu hàng) thiết đãi yến tiệc để tiễn biệt, uống rượu say sưa, Lý Lăng nhảy múa và hát: “Qua vạn dặm sa mạc, vị tướng quân chống lại Hung Nô, trên đường bị hủy diệt bởi gươm dao, mẹ già đã chết, dù muốn báo ân sẽ được bình an quay về chứ?”, hát xong thì huýt sáo rồi che mặt mà đi.
Năm Thủy Nguyên thứ 6 (năm 81 TCN), Tô Vũ và Thường Huệ, không hổ thẹn với sứ mệnh, chờ đợi 19 năm, cuối cùng đã được trở về nhà Hán. Năm đó, đoàn sứ giả gồm hơn 100 người, người thì đã chết, người thì đầu hàng, chỉ còn 9 người cùng ông trở về quê nhà.
Khi Tô Vũ trở về nước, ông đã có mái tóc hoa râm. Nhìn thấy thân hình hốc hác, tiều tụy, râu tóc đã bạc trắng của ông, những sợi lông trên cờ tiết cũng đã rụng, Hoàng đế và bá quan văn võ đều xúc động mà rơi nước mắt.
Kể từ đó, mọi người thường dùng điển cố “Tô Vũ chăn dê” để bày tỏ sự khen ngợi đối với khí tiết cao thượng và kiên định.
Minh Huy (Theo Secretchina)