Tinh Hoa

Thực tế kinh hoàng bên trong các bệnh viện Brazil

Tại thành phố lớn nhất và lây nhiễm nặng nhất Brazil, dịch virus Vũ Hán vẫn chưa đạt đỉnh điểm nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe nơi đây đang sụp đổ rõ rệt. Trong khi các bác sĩ can đảm cứu từng sinh mạng, Tổng thống Jair Bolsonaro dường như vẫn tập trung vào một ‘bệnh nhân’ khác: “Nền kinh tế của đất nước”, theo CNN.

Brazil trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm virus Vũ Hán thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.
Brazil trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm virus Vũ Hán thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. (Ảnh qua Twitter)

Tuần này, Brazil trở thành quốc gia có nhiều ca nhiễm virus Vũ Hán thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ. Tổng cộng hơn 377.000 trường hợp đã được xác nhận, trong đó hơn 23.000 người tử vong. 

Tuy nhiên Tổng thống Bolsonaro vẫn thúc giục các doanh nghiệp mở cửa trở lại, dù nhiều thống đốc kiên quyết ban hành các biện pháp cách ly xã hội nhằm làm chậm sự lây lan của virus. Trước đó, ông Bolsonaro từng cho rằng Covid-19 chỉ là bệnh cúm thông thường.

Trong căn phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) rộng lớn của Viện truyền nhiễm Emilio Ribas ở thành phố São Paulo, cơn giận dữ trong các bác sĩ đã bùng lên khi được hỏi về Tổng thống của họ. 

Bác sĩ Jacques Sztajnbok cho biết: “Đó không phải bệnh cúm. Đó là điều tồi tệ nhất chúng tôi từng đối mặt trong cuộc đời làm bác sĩ của mình”. Mắt ông đượm buồn và khép lại khi được hỏi ông có lo cho sức khỏe của mình không. “Có”, ông nói, lặp lại 2 lần.

Cũng tại phòng ICU, virus corona vừa lấy đi một sinh mạng sau bức màn che. Một sự yên lặng ngột ngạt bao trùm căn phòng, khác quá xa so với những biến động toàn cầu và chia rẽ chính trị mà virus gây ra. Khi nó lấy đi một mạng sống, điều đó thật kinh khủng.

Điều đầu tiên phá vỡ sự im lặng là ánh đèn flash đỏ. Tiếp đó là cái chụp tóc của vị bác sĩ dịch chuyển lên xuống ngay trước màn hình máy tính. Cánh tay thô cứng đang thực hiện những động tác ép ngực trên bệnh nhân.

Bệnh nhân ở độ tuổi 40. Lịch sử bệnh cho thấy tỷ lệ sống sót của cô rất thấp. Nhưng khi cơn nguy kịch kéo đến, nó rất đột ngột.

Nghĩa trang Vila Formosa ở ngoại ô Sao Paulo đã đào hàng ngàn ngôi mộ mới kể từ khi đại dịch bắt đầu. (Ảnh qua CNN)

Một y tá khác chạy vào phòng. Trong phòng chăm sóc đặc biệt này, trước khi bước vào, các nhân viên y tế phải dừng ở một buồng nhỏ bên ngoài để mặc quần áo bảo hộ và rửa tay. Phía bên ngoài hành lang, một bác sĩ đang vội vã chỉnh lại chiếc áo choàng. Những khoảnh khắc này đã xuất hiện vô số lần trước đó trong đại dịch, nhưng ngày hôm đó, mọi chuyện vẫn không thể dễ dàng hơn. Phòng ICU này đã chật kín bệnh nhân, mặc dù có lẽ 2 tuần nữa mới đến đỉnh dịch ở São Paulo.

Bên kia lớp cửa kính, các nhân viên y tế đang gồng mình chen lấn và chạy quanh đầu bệnh nhân; để thay thế ống thở; chuyển đổi vị trí và hỗ trợ nhau trong một nhiệm vụ rút cạn sức lực. Những động tác ép tim ngoài lồng ngực là tất cả những gì giúp cô duy trì sự sống.

Một bác sĩ ngẩng lên tạm dừng công việc, mồ hôi cô vã ra trên trán. Cánh cửa kính đóng sầm khi một nhân viên khác ùa vào. Trong 40 phút, sự tập trung điên cuồng lặng lẽ lại tiếp tục. Và sau đó, không có âm thanh cảnh báo, mọi thứ đột nhiên dừng lại. Điện tâm đồ trên màn hình ngừng hoạt động, và bệnh nhân đã ra đi vĩnh viễn.

Virus corona đã lấy đi nhiều sinh mạng, nhưng cách thức giết người của nó thường vẫn được giấu kín trong phòng bệnh, nơi chỉ những nhân viên y tế dũng cảm mới tận mắt chứng kiến. Và đối với các nhân viên ở đây, cảnh tượng đó ngày càng quen thuộc.

Vài ngày trước đó, họ đã mất một y tá đồng nghiệp Mercia Alves, 28 năm trong nghề. Hôm nay, họ đứng cùng nhau tại cửa kính của một phòng cách ly khác. Bên trong là một bác sĩ thuộc đội của họ đang được đặt nội khí quản. Một đồng nghiệp khác cũng có kết quả dương tính ngày hôm đó. Căn bệnh khiến bệnh bệnh viện của họ lấp đầy bệnh nhân dường như đang chuyển sang họ.

Bệnh viện Emilio Ribas đang có rất nhiều tin xấu, chưa đến đỉnh dịch nhưng đã không còn chỗ ngủ, một số nhân viên y tế đã tử vong vì virus. Đó là thành phố São Paulo, nơi giàu có nhất và được trang bị tốt nhất cả nước. Và đó là một điềm báo đen tối cho những tuần sắp tới của Brazil. 

Thùy Linh (Theo CNN)