Đã 17 năm trôi qua kể từ sau sự kiện thỉnh nguyện ngày 25/4 tại Trung Nam Hải, rất nhiều người vẫn nhớ như in cái khoảnh khắc lựa chọn giữa sống và chết để tới Bắc Kinh lên tiếng cho những người vô tội bị bắt giữ. Vậy vì cớ gì họ lại có quyết định táo bạo đến vậy?
Nhắc đến ngày 25/4, có một sự kiện lớn diễn ra tại Trung Quốc “ám ảnh” đối với hàng trăm triệu người. Vào ngày này năm 1999, hơn 10.000 người Trung Quốc đã đến Văn phòng thỉnh nguyện của Hội đồng chính phủ tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện đòi thả tự do cho những người vô tội bị bắt trước đó. Kết quả, đây lại trở thành một cái cớ hoàn hảo để chính quyền phát động một cuộc đàn áp tàn bạo nhất trong lịch sử.
Sáng sớm ngày 25/4/1999, hơn 10.000 học viên của môn tập tinh thần Pháp Luân Công đột nhiên xuất hiện trên con đường dẫn đến Văn phòng Thỉnh nguyện Trung ương thành phố Bắc Kinh, nơi mọi người dân Trung Quốc có quyền đưa ra những khiếu nại với chính quyền.
Cảnh sát đã hướng dẫn họ đứng thành vài hàng trên vỉa hè các con phố bao quanh khu phức hợp, vốn là văn phòng làm việc và nơi ở của giới lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), được biết đến dưới cái tên Trung Nam Hải.
Kết quả, lần thỉnh nguyện này lại trở thành hành vi “bao vây” Trung Nam Hải, được lan truyền trong các bản tin trên khắp thế giới và về sau được sử dụng trong chiến dịch tuyên truyền của Đảng, nhằm mục đích miêu tả các học viên như những kẻ nguy hiểm và đáng lo ngại.
Tại Trung Quốc, thỉnh nguyện là một việc quá “xa xỉ” đối với người dân, thậm chí chỉ cần nghe đến thôi cũng khiến người ta e dè. Nhiều người đã sống qua thời Cách mạng Văn hóa, hay chứng kiến vụ Thảm sát Thiên An Môn (1989) đều biết rằng nếu có vấn đề gì động chạm đến lợi ích của Đảng cầm quyền thì chỉ như lao đầu vào chỗ chết. Tuy vậy, hơn 10.000 người đã bình tĩnh đứng lên yêu cầu được đối xử công bằng từ các nhà lãnh đạo Đảng, dù biết rõ những hậu quả có thể có xảy ra với mình. Chính xác điều gì đã thúc đẩy họ?
Câu trả lời rất đơn giản, bởi vì những người này đã thực sự nhận thức được mục đích chân chính để làm người và giữ vững đức tin vào Phật Pháp. Thông qua rèn luyện và tu dưỡng bản thân theo các nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn của Pháp Luân Công, nhiều học viên nghĩ rằng: “Chúng tôi chỉ cố gắng để trở thành người tốt. Chúng tôi không muốn bất kỳ quyền lực chính trị nào”.
Dựa trên tư duy thuần túy này, các học viên đã bỏ qua nỗi lo sợ có thể bị ĐCSTQ trả thù và đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện một cách đường đường chính chính. Họ yêu cầu chính phủ cho họ một môi trường tập luyện một cách công khai và yêu cầu các lãnh đạo ĐCSTQ chấm dứt vu khống môn tu luyện và sách nhiễu các học viên.
Trước đó 2 ngày, khoảng bốn mươi học viên Pháp Luân Công đã bị đánh đập và bắt giữ tại thành phố Thiên Tân cách đó không xa. Lo ngại vụ việc này sẽ là một bước leo thang mạnh trong chính sách quấy nhiễu của chính quyền, khoảng 10.000 học viên đã tập trung lại để yêu cầu chính phủ thả những học viên bị bắt giữ ở Thiên Tân, đồng thời đảm bảo một môi trường an toàn và hợp pháp cho các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Trong số 10.000 người đó, có sự góp mặt của Dụ Siêu và vợ anh Tonnia Chu. Cả hai đã ngoài 40, được đào tào chuyên ngành kỹ sư ở Đại học Thanh Hoa danh giá. Dụ Siêu từng làm việc cho một công ty lắp đặt hệ thống mạng máy tính, còn vợ anh là một giảng viên đại học. Hiện nay họ đã rời Trung Quốc và định cư tại Mỹ.
Hồi tưởng lại quyết định đi thỉnh nguyện gần 20 năm trước đây, Dụ Siêu nói: “Đêm trước đó tôi đã bảo với vợ rằng, một khi bước ra khỏi cửa, chúng ta sẽ đánh cược mạng sống cả hai cho một tương lai hoàn toàn vô định. Nhưng chúng ta phải làm điều này”.
Dụ Siêu nói tiếp: “Khi một thế lực nào đó bắt bạn thừa nhận rằng 2 + 2 = 5, mọi người cần lên tiếng nói ra sự thật rằng 2 + 2 = 4. Nếu chúng ta không thể làm được điều đó, chúng ta sẽ để lại cho thế hệ sau một thế giới như thế nào đây?”.
Trong khi Dụ Siêu nói một cách nồng nhiệt, thì vợ anh lại chậm rãi và nhẹ nhàng. Ngôn từ của cô dường như đã để lại chút gì đó bình yên giữa bầu không khí huyên náo nơi đường phố Chicago đông đúc.
“Tại thời điểm đó tôi đã không nghĩ nhiều về hậu quả. Tôi cảm thấy rằng chúng tôi khá an hòa và chỉ có một yêu cầu nhỏ như vậy. Tôi đã tưởng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc sẽ đồng ý”.
Sau khi thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ có cuộc gặp mặt trực tiếp với ba học viên đã được chỉ định tại chỗ để đại diện cho toàn thể các học viên, giới lãnh đạo dường như đã đồng ý, vì tất cả các yêu cầu đều được chấp thuận.
Thế nhưng, lãnh đạo tối cao của Đảng, Giang Trạch Dân, lại có suy nghĩ khác. Trong một bức thư ông ta gửi tới Bộ Chính trị đêm ngày 25/4, Giang bày tỏ nỗi sợ hãi với số lượng lớn các học viên Pháp Luân Công (theo chính phủ ước tính khoảng 70 triệu người) và đang ngày càng gia tăng bao gồm cả các thành viên của Đảng cùng lực lượng an ninh.
Giang cũng nhìn nhận các bài giảng của Pháp Luân Công, vốn dựa trên các nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, là một mối đe dọa đến hệ tư tưởng vô thần và duy vật của Đảng.
Ba tháng sau đó, vào ngày 20/7, cơn thịnh nộ đỉnh điểm của Đảng đã được giáng xuống trong một chiến dịch nhằm diệt tận gốc môn tập Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp tàn bạo
Giang Vĩ là một giáo viên tiếng Anh đến từ Trung Quốc, và chồng cô, Tôn Nghị, một nhân viên bán hàng, cả hai đã kết hôn vào tháng 7/2013. Tháng 11, họ đi hưởng tuần trăng mật ở Hoa Kỳ, và định cư ở đây kể từ đó.
Khi Giang Vĩ được hỏi ngày 25/4 có ý nghĩa như thế nào, cô bắt đầu từ câu chuyện về gia đình mình.
Khi Giang Vĩ được 13 tuổi, mẹ cô, Tôn Hiểu Tuệ, đã được một cựu giáo viên dạy toán rất tử tế và chu đáo tên là Lưu Quế Hoa giới thiệu về Pháp Luân Công. Bà Tôn đã học các bài động tác của Pháp Luân Công cùng các bài giảng của môn tập này.
Mẹ của Giang Vĩ đã có thay đổi lớn sau đó. Bà bắt đầu đối xử với Giang Vĩ tốt hơn, cũng ngừng tranh cãi với chồng và chăm sóc mẹ chồng chu đáo. Giang Vĩ và bố rất ngạc nhiên.
Vào tháng 1/1999, Giang Vĩ bắt đầu đọc quyển sách chính của Pháp Luân Công, quyển sách “Chuyển Pháp Luân” và bố cô cũng vậy.
Khi cuộc đàn áp bắt đầu, Tôn Hiểu Tuệ, giáo viên Lưu Quế Hoa, và những học viên khác đã bắt đầu một cuộc hành trình từ nhà của họ ở miền Đông Bắc Trung Quốc xa xôi đến tận Bắc Kinh, nơi họ đã biểu tình tại Quảng Trường Thiên An Môn.
Mẹ của Giang Vĩ đã bị bắt giữ sau đó và bị giam tại một trại lao động trong 10 ngày. Khi trở về nhà, cả hai vợ chồng họ đều bị sa thải vì đã từ chối ngừng tu luyện Pháp Luân Công.
Lưu Quế Hoa bị giam lâu hơn trong các trại lao động, vào ngày 3/8/2002, bà đã chết đột ngột do bị tra tấn và ngược đãi.
Cái chết của bà Lưu đã gây chấn động cho cả bà Tôn Hiểu Tuệ và cô Giang Vĩ. Mẹ cô và cô thảo luận về chuyện này và nhận ra rằng những điều như vậy sẽ vẫn tiếp diễn chừng nào nhiều người dân Trung Quốc hiểu được Pháp Luân Công là gì và môn tập đã bị đàn áp như thế nào. Họ quyết định cần phải làm nhiều hơn nữa.
“Chúng tôi bảo nhau rằng các nguyên lý của Pháp Luân Công là vô cùng quan trọng, và chúng tôi không bao giờ được từ bỏ nó”, cô Giang nói. “Chúng tôi phải giữ vững đức tin của mình”.
Vào tháng 7/2006, cô Giang lắp đặt một chiếc máy tính và máy in cho mẹ cô đồng thời dạy bà cách sử dụng. Cả hai người bắt đầu in ra các bài viết từ trang web Minh Huệ và phân phát chúng cho những người dân trong khu vực.
Vào ngày 15/4/2007, cảnh sát phá cửa và xông vào nhà. Bà Tôn Hiểu Tuệ không kịp đi giày, đã nhanh chóng trườn qua cửa sổ và bắt đầu chạy ra khỏi nhà với đôi chân trần.
Bà Tôn trốn chạy liên tục. Vô gia cư, bà di chuyển hết nơi này sang nơi khác để tránh cảnh sát. Theo nguồn tin từ họ hàng và gia đình của bà Tôn, thì cho tới tận bảy năm sau, cảnh sát vẫn thường lui tới để tìm kiếm bà.
Cô Giang nói rằng cô và chồng đang tận dụng sự tự do mà họ có được ở Mỹ quốc để cố gắng nói với nhiều người hơn nữa về Pháp Luân Công và cuộc đàn áp.
Một phép màu
Dụ Siêu và Tonnia Chu chuyển tới Mỹ quốc sinh sống cùng con trai họ vào tháng 5/2013. Trước đó, ngày 13/8/2002, khi vừa bước ra khỏi cửa phân hiệu của họ ở Bắc Kinh, cả hai đã bị một nhóm cảnh sát bắt giữ. Mỗi người bị kết án 10 năm tù, và đã phải chịu đủ loại tra tấn cùng tẩy não. Con trai nhỏ của họ đã lớn lên mà không có vòng tay của cha mẹ.
Tonnia Chu không hề hối hận về việc đến thỉnh nguyện vào ngày 25/4/1999, hay về các nỗ lực sau đó của hàng triệu học viên, bao gồm chính cô và Dụ Siêu, nhằm thay đổi mọi thứ trong hòa bình.
Cô nói: “Gia đình tôi đã bị tổn thương rất nhiều trong những năm đó, nhưng đây là điều đúng đắn chúng tôi phải thực hiện”.
“ĐCSTQ luôn luôn xử lý mọi việc bằng đấu tranh và bạo lực, nhưng ngày 25 tháng 4 có hơn 10.000 người đã sử dụng các phương thức hòa bình để thỉnh nguyện bằng tiếng nói từ tận đáy lòng mình. Điều này sẽ được khắc ghi trong lịch sử”.
Dụ Siêu coi các sự kiện tiếp nối sau ngày 25/4/1999 như điều kỳ diệu.
“Ngày 25 tháng 4 cho tôi thấy được một chân lý rằng chính nghĩa sẽ chiến thắng gian tà. Giang Trạch Dân đã khoe khoang rằng ông ta sẽ tiêu diệt Pháp Luân Công chỉ trong vòng 3 tháng. Nhưng 17 năm sau, Pháp Luân Công vẫn được phổ truyền trên khắp thế giới”.
“Các học viên chúng tôi đã chịu đựng quá nhiều sự giết chóc và tra tấn, nhưng họ vẫn cố gắng đấu tranh cho các quyền cơ bản của con người bằng những cử chỉ ôn hòa. Tôi nghĩ rằng đây là một điều kỳ diệu”.
Mỗi buổi sáng khi Giang Vĩ thức dậy, cô sẽ bật máy tính lên, lướt mạng, và tìm kiếm bất cứ tin tức nào của mẹ mình. “Không có tin tức nào là tin tốt cả”, cô nói. “Miễn là tôi không nghe thấy bất cứ tin tức nào về mẹ tôi, tôi tin rằng bà hiện vẫn an toàn”.
Cô Giang mong ngóng một ngày nào đó cha mẹ cô có thể đoàn tụ với nhau, và họ có thể đến thăm nhà cô ở Mỹ.
Dụ Siêu tin ngày đó không còn xa nữa: “Tôi nghĩ rằng đêm tối sẽ không kéo dài lâu nữa đâu”.
Theo Vietdaikynguyen