Làm thế nào để nuôi dưỡng thiện tâm – một đức tính tốt đẹp đang dần bị mai một trong thời đại này? Vài năm trước, một nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Northeastern đã tìm ra bằng chứng chứng minh thiền định thực sự có tác dụng đáng kinh ngạc tới sự tử tế của con người.
Theo nghiên cứu của Nghiên cứu sinh Sarah Konrath đến từ Đại học Michigan, Mỹ, chúng ta thực sự không giỏi về việc này. Dưạ trên kết quả đánh giá mức độ sự cảm thông và lòng nhân hậu được tiến hành trên 13.000 sinh viên đại học từ năm 1979 đến 2009, Konrath nhận ra rằng, lòng thương dành cho người hoạn nạn đã giảm nhanh chóng từ đầu những năm 1990 trở lại đây.
Do thiện tâm là đặt lợi ích của người khác lên trên bản thân, đôi khi tử tế với người khác đòi hỏi chúng ta phải thận trọng và cần một chút ý chí. Những quy tắc tôn giáo hay triết học về lòng tốt đôi khi vô tình ép buộc chúng ta phải mở lòng từ bi với người xung quanh. Do vậy chúng ta cần chọn thời điểm để làm việc tốt, để lòng nhân hậu sẽ tự động xuất hiện mỗi khi người khác cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Các nhà khoa học mới đây đã chứng minh phương pháp tĩnh tâm có liên quan đến lòng tốt của con người. Cụ thể, phương pháp này đòi hỏi chúng ta ngồi trong không gian yên tĩnh trong một khoảng thời gian từ 20 phút đến 1 tiếng đồng hồ tùy khả năng của bản thân. Cùng lúc đó, nhận thức của chúng ta sẽ được đưa về hiện tại chứ không phải quá khứ hay tương lai.
Gần đây, phương pháp này đã phổ biến nhờ khả năng tăng cường não bộ và hồi phục cơ thể. Tuy nhiên nhiều người hướng dẫn lại cho rằng mục đích chính của phương pháp tĩnh tâm giúp bồi dưỡng tâm hồn nhiều hơn. Đức Trungram Gyaltrul Rinpoche chỉ ra: “Ảnh hưởng tích cực của thiền tới não bộ, sức khỏe và nhận thức chỉ được coi là tác dụng bổ trợ cho con người. Mục đích chính của thiền là làm dịu tâm trí và nâng cao tập trung để đạt được hình thức của sự giác ngộ sâu sắc, lòng từ bi và thương người”.
Vài năm về trước, một nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Northeastern đã tìm ra bằng chứng chứng minh thiền thực sự có khả năng tăng cường thiện tâm – một đức tính tốt đẹp đang dần bị mai một trong thời đại này. Nhóm đã tiến hành các cuộc thử nghiệm đơn giản trên 30 người sinh sống tại thành phố Boston, Mỹ và chưa bao giờ theo một khóa thiền nào. Những đối tượng này được chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất sẽ tham gia khóa học thiền trong vòng 8 tuần, được giảng dạy bởi Willa Miller, một vị Lạt Ma. Nhóm thứ hai sẽ được giữ chỗ trong khóa học tiếp theo.
Sau khi khóa học kết thúc 8 tuần, những người tham gia đã quay lại phòng thí nghiệm để đo sự tập trung và trí nhớ. Trên thực tế, thí nghiệm thực sự đã xảy ra trong phòng chờ, nơi có 3 chiếc ghế và 2 trong số chúng đã có các diễn viên đóng giả người tham gia ngồi sẵn.
Mỗi người tham gia sẽ đến ngồi vào chiếc ghế còn lại, vài phút sau thì diễn viên thứ 3 xuất hiện, người này dùng nạng, đi loại bốt dành cho người bị gãy chân và tỏ ra vô cùng đau đớn. Ngay sau khi bước vào phòng, diễn viên này dựa vào tường, thở dài thành tiếng, biểu hiện rằng cô ấy thất vọng vì hết ghế để ngồi. Những diễn viên đóng giả sẽ giả vờ đọc sách hoặc chơi điện thoại mà không hề đoái hoài gì đến cô.
Hành vi vô cảm trước nỗi thống khổ của người khác được gọi là “hiệu ứng người ngoài cuộc” (Bystander Effect). Dựa trên kết quả thí nghiệm, nhóm nghiên cứu phát hiện số người ngoài cuộc cùng chứng kiến một tình trạng khẩn cấp càng nhiều thì khả năng một trong số những người đó giúp đỡ nạn nhân càng ít.
Cụ thể, trong thí nghiệm trên, giữa những người không thiền, hiệu ứng người ngoài cuộc rõ ràng hơn. Chỉ có 16% đối tượng tham gia (3 trong tổng số 19 người) nhường ghế cho cô gái tàn tật. Nhưng một nửa số người tham gia học thiền (10 trên 20) ngay lập tức nhường ghế cho cô gái mà không chút đắn đo.
Cần nhấn mạnh rằng những người tham gia thí nghiệm chưa từng thiền trước đó, và tất cả đều có ý muốn đăng ký lớp học như nhau (mặc dù họ biết rằng họ sẽ phải đợi khóa học tiếp theo). Tuy nhiên, 8 tuần học thiền đã chứng minh rằng khoảng thời gian đó là đủ để tăng gấp 3 lần mức độ thiện tâm trong con người.
Sự quan tâm dành cho người khác có xu hướng giảm trong khi sức chịu đựng tăng lên do sự chịu đựng rất dễ lây lan nhờ phản ứng đồng cảm tự nhiên của con người. Khi chúng ta nhìn thấy người khác đau đớn, chúng ta không chỉ nhận ra sự khó chịu của họ, chúng ta còn cảm nhận được nỗi đau đó. Khi cảm nhận đó ngày càng lớn lên trong tâm trí, chúng ta sẽ trở nên vô cảm khi gặp người hoạn nạn.
Trường hợp này được gọi là “bão hòa tình thương” (compassion fatigue). “Bão hòa tình thương” là một hiện tượng phổ biến trong ngành y tế, nơi các bác sĩ và y tá bị trơ lỳ cảm xúc khi phải tiếp xúc với quá nhiều bệnh nhân với cường độ cao.
Nghiên cứu mới nhất của nhà thần kinh học Tania Singer và học giả Phật giáo Matthieu Ricard đã chỉ ra rằng, theo đuổi thiền định sẽ làm giảm sự hoạt hóa của mạng lưới dây thần kinh trong não bộ con người có nhiệm vụ tái hiện lại nỗi đau của người khác để chuyển sang cảm xúc của liên kết xã hội. Nói cách khác, thay vì cố tỏ ra thông cảm với nỗi đau của người khác, chúng ta sẽ hành động thực sự nhằm xoa dịu nỗi đau khổ ấy.
Tóm lại, lợi ích sâu xa nhất của tĩnh tâm không phải là tăng cường khả năng thích ứng 24/7 với một thế giới đầy căng thẳng và cạnh tranh. Thay vào đó, thiền định có thể thay đổi cách chúng ta đối xử với những người xung quanh. Các doanh nghiệp, bác sĩ, và các nhà hoạch định chính sách hiện đang thử nghiệm tĩnh tâm nhằm tự nâng cao bản thân và an lạc về thể chất, giúp ngăn chặn các vấn đề từ bạo lực gia đình cho đến thờ ơ trước hoạn nạn của người khác.
Trường trung học Visitation Valley nằm tại khu dân cư tồi tàn nhất San Francisco và nổi tiếng với tình trạng bạo lực học đường xảy ra như cơm bữa. Để giải quyết tình trạng trên, ban giám hiệu nhà trường đã mời Trung tâm sức khỏe và thành tựu giáo dục tổ chức nhiều lớp học thiền ngay tại trường. Trong vòng 4 năm, số học sinh bị đuổi học đã giảm xuống 79%. Con số này đã phần nào chứng minh được lợi ích của thiền đối với việc nâng cao lòng nhân ái trong các em học sinh nói riêng, cũng như trong toàn xã hội nói chung.
Theo VN TinNhanh