Lý thư sinh không hiểu sao người bạn cùng phòng của mình luôn đeo một chiếc găng tay bên tay trái ngay cả vào những ngày vô cùng nắng nóng. Cho đến một hôm người bạn đã kể với anh ta một bí mật …
Vào những năm Đồng Trị, triều đại nhà Thanh, có một câu chuyện được lưu truyền rộng khắp trong dân gian như sau:
Một năm trong những năm Đồng Trị ở phủ Hoàng Châu, Hồ Quảng có tổ chức một kỳ thi. Trong kỳ thi ấy có một vị thư sinh họ Lý quê quán ở Hy Thủy, Hồ Bắc đến ứng thí. Anh ta ở cùng phòng với một người đồng hương họ Trần cũng tới dự thi. Họ Lý cảm thấy rất kỳ lạ bởi vì người họ Trần này dù là làm việc gì hay bất kể lúc nào thì bên tay trái của anh ta đều đeo một chiếc găng tay màu đỏ và mặc áo dài che phủ. Cho dù trời nắng nóng đến mấy anh ta cũng không cởi chiếc găng tay này ra.
Mọi người sống cùng phòng, ai nấy đều cảm thấy họ Trần rất kỳ quái. Họ to nhỏ bàn tán với nhau về những nghi hoặc và phỏng đoán của mình để giải thích cho việc này. Chỉ có Lý thư sinh là im lặng, không lên tiếng. Sau khi cuộc thi được tổ chức xong, mọi người đều chờ đợi kết quả nên không ai trở về nhà ngay.
Một hôm, khi các bạn sống cùng phòng đều đã đi ra ngoài, trong phòng chỉ còn lại một mình Lý thư sinh. Trần thư sinh đột nhiên nói: “Lý huynh, ta thấy huynh là người thành thật nên rất tin tưởng ở huynh. Ta có chuyện muốn kể với huynh. Huynh có biết vì sao mà ta luôn phải mang găng tay và mặc áo dày kể cả những hôm trời nóng bức hay không? Đó là vì ta trải qua luân hồi ba đời mới được là người đấy!”.
Lý thư sinh nghe xong giật mình hỏi: “Trần huynh nói gì vậy?”
Trần thư sinh trầm tĩnh nói: “Lý huynh hãy từ từ nghe ta kể…
Ta nhớ kiếp trước nữa ta là một con tê tê. Vào năm ấy trời hạn hán kéo dài, mấy tháng liền mà không có một hạt mưa. Vì thế ta cũng rất ít khi được uống nước, thậm chí còn phải chịu khát một thời gian dài. Hơn nữa loài vật chúng ta không thể được tùy tiện xuống núi.
Hôm đó vì quá khát nên ta đã xuống chân núi để đi đến bờ sông tìm nước uống. Khi vừa đến gần bờ sông, ta lại phát hiện ra ở ngay bên cạnh bờ sông có một phụ nữ đang mang thai ngồi ở đó giặt quần áo. Lúc ấy, ta liền nghĩ: ‘Nếu giờ mình xuống bờ sông, chắc chắn sẽ khiến người phụ nữ mang thai kia sợ hãi. Có thể mình sẽ hại chết hai mạng người. Nhưng nếu không xuống thì mình sẽ chết vì khát’.
Ta đứng ở đó do dự, suy nghĩ một hồi lâu và cuối cùng quyết định: ‘Một mình mình chết khát vẫn còn tốt hơn so với hai người chết’. Thế là ta đã chọn cách chịu khát mà chết.
Sau khi chết xuống âm phủ, Diêm Vương nói với ta: ‘Lần này ngươi đã tích được đại đức nên có thể được chuyển sinh đến một nơi tốt’. Ta nói rằng bản thân không muốn chuyển sinh, nhưng Diêm Vương nói rõ ràng rằng: ‘Không thể thuận theo ý của ngươi được!’.
Thế là đời sau ta chuyển sinh thành một con heo. Chủ của ta là một đôi vợ chồng già nhưng không có người con nào. Họ chăm sóc và đối xử với ta tốt. Ta cũng rất nhanh lớn, chớp mắt cái mà đã đến cuối năm. Hai vợ chồng ông lão bàn bạc với nhau đem ta đi bán. Ta nghe thấy và thầm nghĩ: ‘Chẳng phải lại sắp bị chết sao? Mình phải chạy mau’.
Ngày hôm sau ta chạy trốn được lên ngọn núi gần nhà và ẩn náu ở trên đó. Hai vợ chồng ông lão đưa cả người mua heo đi bốn phía tìm kiếm, hô hào. Ta ở trong bụi rậm cảm thấy lòng mình vô cùng khó chịu. Trong đầu ta, những suy nghĩ đối lập nhau cứ liên tục hiện ra, lúc thì thúc giục ta ‘Ra ngoài đi!’ nhưng vừa dứt suy nghĩ ấy thì suy nghĩ ‘Đi ra ngoài là chết!’ lại xuất hiện. Ta cứ nghĩ đi nghĩ lại như vậy một hồi, nếu không đi ra ngoài thì uổng phí công nuôi dưỡng và tiền bạc của hai vợ chồng họ. Cuối cùng ta đi ra ngoài và lại chết một lần nữa.
Sau khi chết xuống âm phủ, Diêm Vương lại nói: ‘Lần này ngươi lại tích được đại đức nên có thể được chuyển sinh làm người’. Ta nói rằng không muốn chuyển sinh. Diêm Vương nói: ‘Bởi vì cả hai lần ngươi đều là suy nghĩ cho người khác mà hy sinh chính mình, tích được đại đức. Cho nên lần này người được gửi hồn vào một người tốt để hưởng phúc.
Và đây là ta ở kiếp này”.
Vừa nói, Trần thư sinh vừa kéo bao tay ra và nói: “Lý huynh không tin có thể xem, trên người ta vẫn còn ấn ký 2 đời trước”.
Lý thư sinh vội cúi người xuống nhìn và phát hiện ra trên tay trái của Trần thư sinh vẫn còn một cái dấu là móng của con heo và trên lưng có 9 cái dấu là vẩy của con tê tê hiện ra rõ mồn một.
Lý thư sinh nhìn xong thở dài mãi không thôi. Từ đó trở đi Lý thư sinh cũng từ bỏ các cuộc thi làm quan, một lòng tu Phật hướng thiện.
Đắc được thân người là vô cùng trân quý, bởi vì giáo lý nhà Phật cho rằng, chỉ có con người mới được phép tu luyện. Động vật là không được phép tu luyện. Cho nên, mỗi người đều nên trân quý bản thân và tìm con đường đi đúng đắn cho sinh mệnh của mình!
Theo Daikynguyenvn