Nhằm kiềm chế sự lây lan của những loại bệnh chết người như HIV, viêm gan B.., tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố, đến năm 2020, tất cả các bệnh viện và cơ sở y tế trên thế giới đều phải sử dụng “ống tiêm thông minh” được thiết kế để sử dụng cho 1 lần duy nhất.
Theo số liệu thống kê gần đây của WHO, tính đến năm 2010, việc sử dụng ống tiêm nhiều lần đã tạo ra thêm 1,7 triệu ca nhiễm viêm gan siêu vi, hàng chục nghìn ca nhiễm HIV mới và hàng trăm nghìn trường hợp viêm gan siêu vi C. Đó là lý do WHO luôn nỗ lực tìm cách phát triển một loại ống tiêm thế hệ mới, vừa có giá thành rẻ và vừa phải “thông minh”.
Trong một cuộc họp báo hôm 23/2, WHO tuyên bố sẽ áp dụng trên toàn cầu chuẩn ống tiêm không thể tái sử dụng với giá thành vào khoảng 0,06 đến 0,08 USD. Mức giá này đắt hơn gấp đôi so với ống tiêm không có tính năng an toàn, nhưng WHO cho rằng giá tăng lên vẫn còn rẻ hơn nhiều lần so với chi phí điều trị bệnh. Cụ thể, loại ống tiêm mới sẽ có 2 dạng: 1 loại có chốt kim loại để khóa lại vĩnh viễn sau khi tiêm hết thuốc; 1 loại khác với piston được thiết kế yếu và nếu sẽ bị gãy nếu kéo lên để hút thuốc thêm lần nữa. Ngoài ra, thế hệ ống tiêm thông minh còn có thêm tính năng bảo hộ, hạn chế vô tình gây chấn thương cho nhân viên y tế.
Trên thực tế, từ những năm 1980 của thế kỷ trước, người ta đã nhận thấy được vấn đề trên và luôn tìm cách phát triển thế hệ ống tiêm mới. Cho tới hiện tại, nhiều bằng sáng chế có liên quan tới lĩnh vực này đã được cấp. Một trong số đó là loại ống tiêm được phát triển hồi năm 1988 với piston chỉ có thể đẩy lên 1 lần và sau đó không thể kéo lên được nữa (hình bên trên). Một ý tưởng khác là thiết kế một cơ chế khóa bên trong lòng xy lanh hoặc piston được làm mỏng manh hơn. Sau khi tiêm xong, nếu người ta cố tình kéo nó lên thì piston sẽ tự bị gãy nên không thể dùng được nữa.
Tuy nhiên, việc trang bị khóa bên trong hoặc làm piston yếu đi đều có những nhược điểm nhất định. Điển hình như trường hợp bác sĩ cần phải trộn nhiều loại thuốc khác nhau trong mỗi liều tiêm, thiết kế ống tiêm này sẽ gây khó khăn rất lớn do người dùng không thể điều chỉnh chính xác được. Do đó, người ta phát triển một loại ống tiêm khác, cho phép piston vẫn có thể chuyển động lên xuống bao nhiêu lần cũng được, nhưng sau khi tiêm xong, vị bác sĩ, y tá cần phải làm một động tác khóa ngằm ngăn việc tái sử dụng sau đó. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cách làm này vẫn chưa ổn vì vẫn còn trường hợp người đó thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức và cố tình không khóa lại để dùng nhiều lần.
Theo BBC, Tinhte