Tinh Hoa

“Tam Tự Kinh” (bài 1): Chuyện Châu Xứ trừ tam quái

“Tam Tự Kinh” là di sản quý giá được truyền lại của nền văn hóa Thần truyền Trung Quốc từ xa xưa. Những bài học làm người đầu tiên giản dị mà sâu sắc này sẽ giúp trẻ ghi nhớ suốt cuộc đời mình.

 

Giới thiệu “Tam Tự Kinh”

Tam Tự Kinh được sử dụng trước tiên cho việc giáo dục tại gia suốt triều Tống. Không ai biết chính xác ai là người đầu tiên viết ra những đoạn thơ 3 chữ này. Một vài người cho rằng là của Vương Ứng Lân triều Tống. Người khác cho rằng tác giả là Khu Quát Tử, sống vào cuối những năm triều Tống.

“Kinh” trong tiếng Trung nghĩa là “đạo lý bất biến”. Cổ nhân gọi sách là kinh nếu sách thể hiện giá trị to lớn. Trong những kinh thư Trung Quốc cổ đại, Tam Tự Kinh là đơn giản và dễ đọc nhất. Phạm vi của nó bao trùm cả văn học, lịch sử, triết học, thiên văn, địa lý, luân thường đạo lý và những nhân tố đạo đức. Hơn nữa, nội dung phong phú, thú vị và truyền cảm.

Những đoạn thơ ngắn và đơn giản, tất cả đều là 3 chữ, và vì thế chúng rất thích hợp để đọc miệng. Khi một học trò đọc Tam Tự Kinh, chúng sẽ học lễ nghi xã hội, tiếng Trung và văn học, các sự kiện lịch sử. Vì những phẩm chất này, Tam Tự Kinh luôn là văn thư đầu tiên được chọn khi bắt đầu giáo dục nghi thức cho trẻ.

Tam Tự Kinh dễ nhớ, và vì nội dung giáo dục nhiều lĩnh vực, đã được sử dụng rộng rãi từ triều Tống. Nó không chỉ rèn luyện sự hiểu biết về văn hóa Trung Quốc truyền thống, mà còn đảm bảo cho học trò những mô hình để đi theo và ứng xử những tình huống mà chúng có thể gặp sau này trong cuộc sống.

Bài 1

Nguyên văn:

人(rén) 之(zhī) 初 (chū),性(xìng) 本(běn) 善(shàn),
性(xìng) 相(xiāng) 近(jìn),習(xí) 相(xiāng) 遠(yuǎn)。
苟(gǒu) 不(bú) 教(jiào),性(xìng) 乃(nǎi) 遷(qiān),
教(jiào) 之(zhī) 道(dào),貴(guì) 以(yǐ) 專(zhuān)。

Nhân chi sơ, Tính bản thiện,
Tính tương cận, Tập tương viễn.
Cẩu bất giáo, Tính nãi thiên,
Giáo chi đạo, Quí dĩ chuyên.

Tạm dịch:

Con người mới sinh ra, bản tính vốn hiền lành,
Tính ban sơ giống nhau, thói quen dần khác xa.
Nếu chẳng được giáo dục, bản tính sẽ đổi dời,
Đường lối để giáo dục, quý ở sự chuyên cần.

Giải nghĩa văn tự

Bản tính tiên thiên của con người là thiện. Bản tính thiện này mang con người đến gần với nhau khi họ còn trẻ. Nhưng khi lớn lên, học từ xã hội và tiếp xúc với môi trường xung quanh, họ lớn lên theo cách tách riêng ra và trở nên khác nhau. Nếu họ không nhận được sự hướng dẫn đúng đắn, họ có thể bị lệch khỏi bản tính thiện nguyên thủy. Để học và dạy, chuyên cần là quan trọng nhất, nếu không nỗ lực của người đó sẽ không mang lại kết quả.

Tam Tự Kinh – Tập 1 – Câu chuyện Châu Xứ trừ Tam Quái (Nguồn: Chanhkien)

Câu chuyện Châu Xứ trừ tam quái

Ngày xưa, vào triều Tấn ở Trung Quốc, ở một làng nhỏ của Nghĩa Hưng, có một người thanh niên tên gọi là Châu Xứ. Cha mẹ đều qua đời sớm khi cậu còn nhỏ. Cậu lớn lên khỏe mạnh và dũng cảm, nhưng vì không được giáo dục và chăm sóc tốt, cậu ta thường đánh nhau với người khác, gây nhiều phiền phức trong làng. Ngày thành tuần, tuần thành tháng, tháng thành năm, những rắc rối mà Châu Xứ gây ra trở nên càng tồi tệ. Giống như một quái vật, cậu bị tất cả những người trong làng xa lánh.

Một ngày nọ khi đi tản bộ xuống phố, Châu Xứ khi ấy đã là một thanh niên, thấy một đám đông đang nói chuyện rất căng thẳng về việc gì đó. Tò mò, anh ghé lại gần, nhưng đám đông liền tản đi.

Cảm thấy một chút bực mình, anh ta tóm lấy một người già và hỏi: “Mọi người đang nói về điều gì?”. Ông già sợ hãi trả lời : “Làng này đang bị 3 con quái vật tấn công. Một là con hổ ở Nam Sơn. Một con khác là giao long ở Trường Kiều Hà. Chúng giết rất nhiều người…”. Không đợi người đàn ông già nói xong, Châu Xứ hét to lên: “Là hổ hay giao long, chúng ta không có gì phải sợ. Tôi sẽ giết những quái vật này trong tức khắc”.  Sau khi lập lời thề, Châu Xứ liền lập tức bắt đầu thực hiện phận sự.

Khi Châu Xứ đến Nam Sơn, anh tìm hổ khắp nơi trên núi. Sau một thời gian dài tìm kiếm, cuối cùng anh đã tìm được dấu vết của con vật hung ác. Nhưng sự vui mừng kéo dài không lâu, con hổ ẩn trong bóng cây và nhảy qua đầu với những chiếc răng bén như dao cạo. Nhưng trước khi con hổ kịp đáp xuống đất, trong nháy mắt, Châu Xứ đã quay lại, nhảy lên lưng hổ. Với tất cả sức mạnh của mình, Châu Xứ đã nắm nhanh được đầu hổ và đập nó vào tảng đá sắt bén, cho đến khi nó chết.

Trước khi Châu Xứ kịp lấy lại hơi, anh ta bắt đầu đi đến Trường Kiều Hà. May mắn thay, anh không phải mất thời gian lâu để tìm con giao long độc ác. Anh thấy giao long đang tắm nắng trên hòn đảo giữa sông. Châu Xứ âm thầm bơi ra đảo, bò đến sau con thú, và chụp lấy cổ nó mà bóp cho nghẹt thở. Nhưng giao long khỏe hơn cọp và ném Châu Xứ vào cái cây. Châu Xứ không để yên và rít lên, “Ta sẽ không để yên cho cổ ngươi cho đến khi ngươi ngừng thở!”. Không kể là con giao long khỏe đến thế nào, nó vẫn không thể thoát khỏi sự kiềm chặt của Châu Xứ. Sau 3 ngày 3 đêm cuối cùng con thú đã chết. Kiệt sức, Châu Xứ lăn ra ngủ và không tỉnh dậy liền trong 2 ngày 2 đêm.

Những lời bàn tán nhanh chóng truyền đi trong làng rằng Châu Xứ đã giết được các quái vật và chết sau khi kiệt sức. Dân làng tổ chức ăn mừng linh đình trong 3 ngày 3 đêm, và cuối buổi lễ tất cả đều hát hân hoan, “3 con quái vật đã chết, 3 con quái vật đã chết. Hoan hô, hoan hô, hoan hô!”. Khi những người làng đang hát, Châu Xứ trở về nhà. Chỉ khi đó, anh mới nhận ra những người trong làng xem anh như quái vật thứ ba.

Châu Xứ cảm thấy xấu hổ vô cùng và nguyện sẽ cải tà quy chính. Anh ta muốn thay đổi và trở thành một người tử tế. Anh nhờ một người thầy giỏi là Lục Vân dạy dỗ, rồi quyết tâm dùng cả đời để học. Cuối cùng Châu Xứ đã trở thành một vị quan lớn và vì dân chúng mà làm rất nhiều việc tốt.

Theo Chanhkien.org