Vào thời Trung Quốc cổ đại, có một người đàn ông luôn ghen tị và không thể chịu được những chuyện tốt đẹp xảy đến với người khác. Bởi vậy, những điều tồi tệ bắt đầu xảy ra với chính ông. Tuy nhiên, khi ông ngừng đố kị và bắt đầu làm việc tốt, cuộc sống của ông đã có những thay đổi.
Khương Nguyên là một viên chức trong triều đại nhà Chu. Ông có 10 đứa con trai, một người bị gù, ba người què cụt, một mất trí, một khùng điên, một người điếc, một mù và một câm. Người con trai cuối cùng thì chết trong ngục.
Có một người đàn ông tên là Tử Cao cảm thấy xót xa và hỏi ông ta: “Ông đã làm gì mà lại ra nông nỗi này vậy?“
Khương Nguyên tin rằng ông không làm bất cứ điều xấu nào lớn trong cuộc đời của mình.
“Tôi nghĩ rằng có lẽ mình đã quá đố kỵ. Tôi thù ghét với những ai làm tốt hơn tôi. Tôi thấy vui sướng khi được tâng bốc. Tôi hoài nghi khi nghe ai đó làm việc tốt, và dễ bị ảnh hưởng khi nghe thấy những việc ác. Tôi cảm thấy thất bại bất cứ khi nào người khác đạt được một điều gì đó; cười trên nỗi đau của người khác là khoái lạc của tôi.”
Tử Cao thở dài.
“Tâm trí của ông như vậy là quá sai lệch rồi! Điều này có lẽ đang hủy hoại gia đình của ông đó. Những vị thần ở trên cao có thể nhìn thấy con người dù cho họ là ai. Nếu ông có thể thay đổi cách suy nghĩ mình và thực sự từ bi, mọi thứ xung quanh sẽ biến đổi. Vẫn chưa phải là quá muộn đâu”, Tử Cao nói.
Khương Nguyên nghe theo, ông dần buông bỏ tâm hẹp hòi và đố kị của mình. Ông bắt đầu khuyến khích những người có năng lực và tài giỏi. Trong một vài năm, các con ông đã trở nên tốt hơn.
Ghen tị xuất phát từ một tâm trí hẹp hòi và ích kỷ. Nó làm cho bạn cảm thấy bức bối và tức giận khi những người khác thực hiện tốt hơn so với bạn, nó khiến bạn nói xấu và làm tổn thương người khác. Điều đó lại mang đến những hậu quả khôn lường.
Khương Nguyên chính là một ví dụ điển hình. Tâm tật đố của bản thân lại đặt cuộc sống của những đứa con của mình trong tình trạng nguy hiểm. Sau khi ông thay đổi suy nghĩ, mọi rắc rối đã biến mất, và ông được hưởng một gia đình hạnh phúc.
Một người phải biết cách tôn trọng và bao dung với người khác, đó mới chính là cách đối tốt thực sự với chính mình
Câu chuyện được lấy từ cuốn sách Đức Dục Cổ Giám, một cuốn sách cổ điển Trung Quốc, bao gồm những câu chuyện về đạo đức xưa.
Thiên Long, theo Vision Times