Theo nhà vật lý lý thuyết Henry P. Stapp, người từng làm việc với một số nhà sáng lập cơ học lượng tử, ông không phải muốn chứng minh linh hồn tồn tại, nhưng ông phát biểu rằng sự tồn tại của linh hồn vẫn phù hợp với các quy luật vật lý.
Theo ông Stapp, không đúng khi nói niềm tin vào linh hồn là phản khoa học. Ở đây, chữ “linh hồn” đề cập đến một nhân cách độc lập với bộ não hoặc phần còn lại của cơ thể con người và vẫn có thể tồn tại sau khi người ta chết đi. Trong nghiên cứu “Khả năng tương thích của lý thuyết vật lý đương đại với sự sống sau khi chết”, ông viết: “Người ta nghi ngờ mạnh mẽ về sự tồn tại của sự sống sau cái chết, bởi họ tin rằng nó không phù hợp với các định luật vật lý, sự nghi ngờ này là vô căn cứ”.
Stapp nghiên cứu dựa trên giải thích của Copenhagen về cơ học lượng tử, ít nhiều cũng chính là giải thích mà một số nhà sáng lập cơ học lượng tử sử dụng, bao gồm Niels Bohr và Werner Heisenberg. Ngay cả Bohr và Heisenberg cũng có một số bất đồng về cơ chế của cơ học lượng tử, và sự hiểu biết về lý thuyết lượng tử từ thời điểm đó cũng đã trở nên đa dạng. Nghiên cứu của Stapp về giải thích của Copenhagen cũng có tầm ảnh hưởng rộng, được thực hiện vào những năm 1970 và Heisenberg đã viết một phụ lục trong đó.
Stapp lưu ý về các khái niệm mà ông đưa ra: “Trong các mô tả (hoặc quan niệm) trước đây của tôi về cơ học lượng tử chính thống, không có đả động gì tới quan niệm sự sống sau cái chết.”
Vì sao thuyết lượng tử có thể dung nhập ‘sự sống sau cái chết’
Stapp giải thích rằng những người sáng lập lý thuyết lượng tử đã yêu cầu các nhà khoa học phải cắt thế giới thành hai phần. Ở phía trên đường cắt, toán học cổ điển có thể mô tả các quá trình vật lý theo kinh nghiệm thực nghiệm. Phía dưới ranh giới, toán học lượng tử mô tả một khu vực “không tuân theo toàn bộ các định luật vật lý”.
Nói về phạm vi phía dưới đường cắt, Stapp đã viết: “Người ta thường thấy rằng, trạng thái tiến hóa của hệ thống dưới đường cắt không thể phù hợp với mô tả cổ điển bất kỳ về các tính chất mà người quan sát nhìn thấy”.
Vậy các nhà khoa học quan sát cái vô hình này như thế nào? Họ chọn các đặc tính cụ thể của hệ lượng tử và thiết lập các thiết bị để xem ảnh hưởng của chúng lên các quá trình vật lý “ở phía trên đường cắt”.
Điều quan trọng là lựa chọn của người làm thí nghiệm. Khi làm việc với hệ lượng tử, sự lựa chọn của người quan sát đã được chứng minh là có ảnh hưởng đến biểu hiện khả kiến ở phía trên đường cắt.
Stapp trích dẫn điều tương tự trong các báo cáo của Bohr về sự tương tác giữa nhà khoa học và các kết quả thí nghiệm: “Giống như một người mù với cái gậy: khi cây gậy được giữ lỏng, ranh giới giữa người mù với thế giới bên ngoài là sự phân chia giữa bàn tay và cây gậy; nhưng khi nắm chặt thì cây gậy thì trở thành một phần của bản thân anh ta: người đó cảm thấy bản thân mình kéo dài đến tận đầu cây gậy”.
Thể xác và tinh thần được kết nối một cách linh hoạt. Về mối quan hệ giữa tâm trí và bộ não, người quan sát thí nghiệm có thể chọn duy trì một loại hoạt động tư duy, nếu không thì tư tưởng của anh ta sẽ suy nghĩ lung tung. Đây là một sự lựa chọn tương tự như khi nhà khoa học quyết định chọn tính chất nào của hệ lượng tử cần nghiên cứu.
Lượng tử có thể giải thích về việc ý thức và não có thể tách rời hay khác biệt, nhưng vẫn nằm trong các quy luật vật lý, “đây là một khám phá được hoan nghênh”, Stapp viết. “Nó giải quyết được vấn đề đã gây đau đầu cho khoa học và triết học trong nhiều thế kỷ – rằng làm khoa học thì bắt buộc phải đánh đồng ý thức và não bộ, hoặc coi não bộ độc lập một cách linh hoạt với ý thức”.
Stapp nói rằng nhân cách của một người chết có thể bám vào một người sống (trường hợp ‘nhập hồn’), đây là điều không trái với các quy luật vật lý. Nó không đòi hỏi sự thay đổi cơ bản nào trong lý thuyết chính thống, nhưng sẽ cần “phải thả lỏng quan niệm rằng các hiện tượng vật lý và tinh thần chỉ xảy ra khi chúng đi chung với nhau”.
Lý thuyết vật lý cổ điển chỉ có thể lảng tránh vấn đề, và các nhà vật lý cổ điển chỉ có thể hạ thấp trực giác như một sản phẩm khi con người bối rối mơ hồ, theo Stapp. Lẽ ra khoa học nên thừa nhận “những ảnh hưởng của ý thức lên vật chất là vấn đề vật lý cần được giải đáp theo những thuật ngữ linh hoạt”.
Điều này ảnh hưởng thế nào đến nền tảng đạo đức của xã hội?
Để duy trì đạo đức của xã hội, chúng ta không được chỉ coi con người như là các cỗ máy cấu thành từ thịt và máu.
Trong một bài báo khác có tiêu đề “Sự tập trung, mục đích, và ý chí trong Vật lý lượng tử”, Stapp viết: “Hiện nay công chúng nói chung đã tiếp thu quan điểm ‘khoa học’ rằng mỗi con người cơ bản chỉ là một robot cơ học, điều này có tác động đáng kể và ăn mòn nền tảng đạo đức của xã hội”.
Stapp đã viết rằng “người ta có khuynh hướng biện hộ rằng người có lỗi không phải là ‘tôi’, mà là một quá trình cơ học trong cơ thể: ‘các gen đã khiến tôi làm việc đó’; hay ‘lượng đường trong máu cao khiến tôi làm việc đó’”.
Ví dụ nổi tiếng là vụ án ‘Twinkie Defense’ ở California vào cuối thập niên 70, trong đó hung thủ Dan White đã đột nhập vào tòa nhà và bắn chết 2 người. Các luật sư đã thuyết phục quan tòa rằng anh ta bị trầm cảm, dẫn đến tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có đường, “một người đàn ông bị thúc ép quá giới hạn chịu đựng”. Cuối cùng, Dan White chỉ bị kết tội ‘ngộ sát.’
Theo Trithucvn.net