Tinh Hoa

Sự đau đớn tốt cho bạn thế nào?

Khi nào thì cách chữa trị tốt nhất cho những cơn đau là thêm những cơn đau khác?


Đây là câu hỏi được đặt ra trong công trình nghiên cứu của nhà tâm lý học Daniel Kahneman.

Trong quá trình nghiên cứu, Kahneman và các đồng nghiệp quan sát sự đau đớn mà các tình nguyện viên cảm nhận khi họ đút tay vào nước đá hai lần.

Một lần, nước được đặt ở nhiệt độ 14 độ C trong 60 giây. Một lần khác, nước được đặt ở nhiệt độ 14 độ C trong 60 giây, nhưng sau đó tăng dần lên 15 độ C sau 30 giây nữa.

Cả hai lần thử nghiệm cho thấy những sự đau đớn tương đương nhau trong vòng 60 giây – thể hiện bằng một đĩa số mà các tình nguyện viện phải điều chỉnh liên tục để thông báo mức độ đau đớn họ đang cảm nhận.

Tính trung bình, cảm giác khó chịu của những người này bắt đầu từ vị trí thấp trên đĩa số và tăng dần đều.

Tuy nhiên khi họ trải qua 30 giây trong nhiệt độ cao hơn một chút, sự khó chịu này bắt đầu biến mất hoặc giảm dần.

Tiếp theo, những người tham gia thử nghiệm được hỏi họ sẽ chọn lặp lại thử nghiệm nào.

Gần 70% chọn thử nghiệm thứ hai, dù điều đó đồng nghĩa với việc họ phải bị ngâm thêm 30 giây nữa trong nước lạnh.

Một số người nói cuộc thử nghiệm kéo dài càng lâu thì cơn đau càng ít đi và dễ chịu đựng hơn.

Một số người thậm chí còn nghĩ rằng cuộc thử nghiệm ngắn hơn thời gian thực.

Kahneman cũng nhận thấy những kết quả tương tự khi ông phỏng vấn một số bệnh nhân từng trải qua khám nghiệm ruột – một quy trình bị cho là rất khó chịu.

Một số bệnh nhân tham gia thí nghiệm của Kahneman nói họ đã bị khám nghiệm từ bốn đến 69 phút.

Thời gian khám nghiệm không phải yếu tố tác động tới cảm giác của họ, mà là cơn đau cực điểm và sự khó chịu mà họ cảm thấy ở gần cuối đợt khám nghiệm.

Theo Kahneman, cảm nhận của chúng ta về cơn đau phụ thuộc vào mức đỉnh điểm của nó và cảm giác ở giai đoạn cuối cơn đau. Thời gian xảy ra cơn đau, trên thực tế, không có nhiều ý nghĩa.

Kahneman tự hỏi rằng liệu các bác sỹ phẫu thuật có nên kéo dài sự đau đớn nhằm giúp bệnh nhân cảm thấy khá hơn về toàn bộ cuộc phẫu thuật.

Tuy nhiên kết luận của công trình nghiên cứu này cũng chứng minh tầm quan trọng của tác động của não bộ với yếu tố thời gian.

Cái mà chúng ta gọi là ‘trải nghiệm’, đôi khi chỉ là điều tùy hứng.

Nếu một tuần tách khỏi công việc và quên hết mọi thứ có thể khiến bạn cảm thấy như vừa trải qua kỳ nghỉ hai tuần lễ, thì có lẽ chìa khóa để tìm tới hạnh phúc là tổ chức cuộc sống của bạn theo hướng giúp bạn có được càng nhiều trải nghiệm riêng biệt càng tốt.

Theo BBC