16/5/2016 là ngày đánh dấu kỷ niệm 50 năm Đại Cách mạng Văn hóa, một phong trào chính trị tại Trung Quốc, được Mao Trạch Đông phát động nhằm phá hoại văn hóa truyền thống. Nạn nhân của chiến dịch là hàng chục triệu người thuộc giới trí thức và “kẻ thù giai cấp”. Điều đáng nói là thế hệ trẻ ngày nay không biết gì hoặc khá mơ hồ khi nói về giai đoạn lịch sử này.
Trong mười năm hỗn loạn và đầy bạo lực được nhà cầm quyền phát động, hàng triệu chục người đã bị giết chết hoặc phải tự tử. Trong khi đó, thế hệ trẻ đầy nhiệt huyết, sôi sục tham gia lực lượng Hồng vệ binh khét tiếng, đi khắp nơi ra sức phá hoại và bôi nhọ truyền thống và các di sản văn hóa Trung Quốc.
Thế hệ lãnh đạo và doanh nhân Trung Quốc hiện tại đều đang sống và làm việc với những vết nhơ từ thời Cách mạng Văn hóa, thời kì định hình và bộc lộ bản chất của đảng. Tuy nhiên, cho đến nay dưới gọng kìm của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những phản ánh trung thực và nhu cầu đánh giá lại về Cách mạng Văn hóa luôn bị triệt tiêu và kìm hãm.
Điều này dẫn đến tình trạng đáng lo ngại khi phần lớn giới trẻ hiện đại của Trung Quốc không biết hoặc hoàn toàn hiểu sai về diễn biến và nguyên nhân khởi nguồn Cách mạng Văn hóa, theo kết quả thu được từ một chương truyền hình gần đây được phát sóng trên kênh Phoenix.
“Bạn có thể mô tả cuộc Cách mạng Văn hóa trong một cụm từ không?”
“Tôi không hiểu lắm về những chuyện xưa cũ”, một người nói.
“Nó mang lại những thay đổi đến không còn nhận ra nữa!”, một người phụ nữ trẻ cho biết. Hai người khác cho rằng cuộc cách mạng này gắn liền với “tự do tín ngưỡng” và “chủ nghĩa duy tâm”.
Đa phần những suy nghĩ của họ đều rất hời hợt. Họ lặp lại các định nghĩa đã được viết trong các sách giáo khoa và các ấn phẩm của nhà nước như tờ Global Times: Cách mạng Văn hóa là công cuộc sai lầm, bị một số phần tử cơ hội lợi dụng, và là khoảng thời gian hỗn loạn.
Khi được hỏi về nơi chốn xảy ra chiến dịch, các bạn trẻ đã cho thấy sự thiếu hiểu biết hoặc không quan tâm đến giai đoạn lịch sử này.
“Không phải là tôi không quan tâm, nhưng ở nước mình có một số điều bị cấm nói đến”, một thanh niên với mái tóc nhuộm nói.
Một số bạn trẻ nắm bắt được thông tin chi tiết hơn do những người lớn tuổi trong gia đình kể lại. Tuy nhiên nhìn chung, tấn thảm kịch nhân loại và cuộc tàn sát vô tội vạ đã bị lãng quên bởi thế hệ trẻ Trung Quốc đầy sợ hãi, hoài nghi và cay nghiệt, một thế hệ được tạo nên từ guồng máy giáo dục bài bản của nhà nước.
Vài người trả lời rằng Cách mạng Văn hóa là cuộc thảm sát xảy ra ở Nam Kinh, nơi Nhật Bản xâm lược Trung Quốc năm 1937. Vài người khác cho rằng đây là chiến dịch vì sự phát triển tích cực.
“Dường như chắc chắn là chiến dịch đã dẹp bỏ những nhân tố tham nhũng”, một cô gái đeo kính nói. “Chủ tịch Mao đã giáng một đòn nặng và nghiêm ngặt vào vấn nạn tham nhũng bằng cách chém trước tâu sau”.
Còn những người khác cho rằng bạo lực Cách mạng Văn hóa, trong đó học sinh vu khống, đánh đập và thậm chí giết chết giáo viên của mình, đó là điều mà người Trung Quốc lúc bấy giờ có cố ngăn cản cũng không ngăn nổi.
Một người đàn ông nói, “Nếu tôi là trong thời đại đó, tôi cũng sẽ giống như những người đó. Tôi chắc chắn sẽ ủng hộ Chủ tịch Mao”.
“Tôi nghĩ rằng tôi sẽ tham gia vào đó, vì tôi là một người trẻ tuổi rất nhiệt thành”, một cô gái cho biết.
“Tôi đoán, đó là sự kiện khai phóng năng lượng cho đất nước”, một cô gái trẻ tóc mái ngang trả lời.
Cũng có người trả lời khá cẩn trọng, họ cho rằng áp lực từ tổ chức có thể đã khiến những người đó hành động mà bất chấp việc bản thân đã nhận ra sai lầm.
Một cậu thanh niên cho biết: “Dưới môi trường này, những điều này không thực sự liên quan đến chúng tôi”.
Theo Epoch Times