“Mỗi người san sẻ một ít, giá dưa 5.000 đồng/kg chứ 7.000-8.000 đồng/kg mình cũng mua để ủng hộ bà con nông dân trong thời buổi khó khăn”, chị Tiên (ngụ quận 9) vừa nói vừa khệ nệ tay bưng tay xách 4 trái dưa mà chị xếp hàng mua được…
Sáng sớm 7/2, trên bãi đất trống của đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, TP.HCM), ba xe tải với hơn 60 tấn dưa hấu đã được các hộ nông dân tập kết sẵn chờ người dân đến giải phóng.
Giữa trưa nắng gắt người dân Sài Thành vẫn xếp hàng ‘giải cứu’ dưa hấu
Biết đây là dưa hấu trồng tại Gia Lai, không thể xuất khẩu sang Trung Quốc vì biên giới đóng cửa do ảnh hưởng của virus corona vậy nên dù giữa trưa nắng gắt nhưng lượt người đến mua không hề ngớt, người dân nối nhau đứng xếp hàng để chờ đến lượt mua dưa với giá 5.000 đồng/kg.
Người ít thì 2 trái, người nhiều thì 4 đến 5 trái dưa, không những vậy có những người còn mua đến cả tấn để đi làm từ thiện nên chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ, gần 1/3 số dưa hấu trên xe tải đã hết sạch…
Chia sẻ với phóng viên, bà Trần Thị Mai (trú tại Q.Thủ Đức) cho biết, đi làm về thấy đông người dân đứng mua dưa, hỏi ra mới biết dưa ‘giải cứu’ nên bà liền vào mua 5 trái để về biếu bà con trong xóm mỗi người một trái.
Tương tự, nữ công nhân Lê Kiều Tiên (ngụ Q.9, TP.HCM) cũng cho hay thấy thương bà con nên chị cùng người bạn của mình cũng mua 4 trái dưa hơn chục ký để về chia cho cả dãy trọ ăn cùng.
“Mỗi người san sẻ một ít, giá dưa 5.000 đồng/kg chứ 7.000-8.000 đồng/kg mình cũng mua để ủng hộ bà con nông dân trong thời buổi khó khăn”, chị Tiên nói.
Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hồng Phúc, thành viên nhóm hỗ trợ giải phóng dưa hấu cho biết: “Bà con đã trụ tại đây được ba ngày, trong ngày hôm nay đã giải phóng được hơn khoảng 30 tấn dưa. Nhiều ngày nay nhóm cho mở bán tại nhiều điểm ở Bình Dương và TP.HCM”.
‘Kiếm được chừng nào hay chừng đó’
Bà Lê Thị Thu, chủ một xe dưa hấu cũng tâm sự rằng thời điểm này năm ngoái giá dưa tại vườn là 7.000-8.000 đồng/kg, song năm nay giảm xuống cả chục lần chỉ còn 800-1.000 đồng/kg loại 1.
Mỗi sào bà con nông dân phải chi khoảng 8 triệu đồng tiền vốn để thu về được khoảng 2 tấn dưa, với giá như hiện nay thì bà con lỗ cả trăm triệu và khó có khả năng thu hồi vốn khi dưa đã chín rộ.
Dù bán đổ bán tháo với giá rẻ như cho nhưng nông dân trồng dưa đợi mỏi mòn mà vẫn chẳng thấy thương lái nào tới mua. Muốn giúp bà con đỡ được đồng vốn nào hay đồng ấy nên bà Thu đành phải mang dưa xuống TP.HCM bán giúp với giá lẻ 5.000 đồng/kg và giá sỉ là 3.000 đồng/kg. Món tiền tuy nhỏ, nhưng hành động ấm lòng ấy lại là món quà to lớn.
Do đó, bà Thu mong muốn các mạnh thường quân, tình nguyện viên cùng hỗ trợ để các nông dân được trực tiếp theo các xe mang dưa về bán tại TP.HCM để ‘kiếm được chừng nào hay chừng đó’…
Theo lãnh đạo tỉnh Gia Lai thì trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng hơn 1.000 ha dưa hấu, tập trung tại các huyện phía đông nam của tỉnh như Ia Pa (450 ha), Krông Pa (608 ha), thị xã Ayun Pa…
Với những nông dân có đất tại chỗ và có công lao động, mức đầu tư khoảng 8 – 10 triệu đồng/sào (1.000m2). Còn với những người ở Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi lên thuê đất ở Gia Lai thì mức đầu tư lên đến 15 triệu đồng/sào.
Với năng suất trung bình 4 – 5 tấn/sào, giá 4.000 – 5.000 đồng/kg như mọi năm thì bà con nông dân còn có lãi nhưng do ảnh hưởng của dịch nCoV nên giá xuống còn vài trăm đồng/kg và không có người mua, dưa hấu chất đống tại đồng thì nông dân lỗ nặng. Đó là chưa kể tiền công thu hoạch 1 triệu đồng/sào.
Không chỉ dưa hấu mà hiện nay các loại nông sản xuất khẩu nhiều sang Trung Quốc như thanh long, mít… cũng đang rớt giá thảm. Trước tình cảnh này, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp nhu cầu của ngành nông nghiệp, trình Chính phủ có các biện pháp hỗ trợ tương tự để giúp đỡ bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhất là với trái cây, vốn có thời gian bảo quản rất ngắn.
Vũ Tuấn (t/h)