Vào những năm 1980, các nhà khảo cổ đã khai quật được một số lượng thẻ tre từ thời nhà Hán ở Trương Gia Sơn, Kinh Châu, Hồ Bắc. Tổng cộng có hơn 1.000 thẻ tre, điều này gây chấn động Trung Quốc vào thời điểm đó, vì những chiếc thẻ tre này có giá trị khảo cổ lớn hơn rất nhiều so với những văn vật khác.
Việc khai quật được hơn 1.000 nan tre đã khơi dậy sự quan tâm của một nhóm chuyên gia, và cuối cùng họ đã dịch nội dung của những mảnh tre thành sách, có tên là “Dẫn thư” và “Toán số thư”.
“Dẫn thư” là một kỹ thuật giữ gìn sức khỏe do Đạo gia hướng dẫn, sách còn ghi chép về việc tái tạo trật khớp hàm dưới và thuật gõ răng. Nhiều người không tin rằng đây là ghi chép của người Trung Quốc cổ đại.
Cuốn “Toán số thư” gồm khoảng 200 nan tre, trong đó có 185 chiếc hoàn chỉnh và hơn 10 chiếc bị gãy. Các chuyên gia cho rằng, sự xuất hiện của “Toán số thư” đã đẩy lịch sử toán học Trung Quốc lên hàng trăm năm, sớm hơn “Cửu chương toán thuật” hơn 300 năm.
Về thời đại hình thành nội dung của “Toán số thư”, hầu hết các câu hỏi về số học của nó được hình thành không muộn hơn thời nhà Tần, và một số thậm chí vào thời Chiến quốc. Cuốn sách có tổng cộng hơn 7.000 từ và được chia thành 69 đề mục phụ, chẳng hạn như “Phương điền”, “Giá vàng”, “Chia và nhân”, v.v. Nó thường bao gồm 3 phần: câu hỏi, câu trả lời và phương pháp thực hiện.
Trong “Toán số thư” có nhiều khái niệm và thuật ngữ tương tự như cuốn “Cửu chương toán thuật”, vì vậy một số người suy đoán rằng hai cuốn sách có mối quan hệ kế thừa trong đó. Tuy nhiên, “Toán số thư” có niên đại xa xưa hơn, cho nên nếu như là kế thừa thì cũng là “Cửu chương toán thuật” kế thừa nội dung của “Toán số thư”.
“Toán số thư” có ý nghĩa lịch sử vô cùng lớn, hóa ra các công thức nhân chia thường được sử dụng trong cuộc sống của chúng ta hiện nay đã có từ thời Chiến quốc cổ đại.
Tử Vi (Theo Sound Of Hope)