Tinh Hoa

Quan niệm về chữ “Hiếu” của người xưa

Hiếu đạo là một phần của lễ tục cổ đại, dần dần trở thành giá trị truyền thống quan trọng bậc nhất của người Trung Quốc trong suốt lịch sử 5000 năm cho đến tận thời cận đại.

Vào những năm đầu của triều đại Tây Chu, Chu Công Đán chế tác Lễ Nhạc, đồng thời đề xuất ra tư tưởng trung tâm của Lễ là “Tôn tôn, thân thân”. Ông tin rằng, con người phải biết kính phụng Thiên, thần dân phải biết kính phụng quân vương, con cháu phải biết kính phụng cha ông tổ tiên. Bách tính đều nên lấy tâm nhân ái đối đãi với người thân và bạn bè của mình. 

Thời xưa quan niệm: Thần dân phải biết kính phụng quân Vương, con cháu phải biết kính phụng song thân, ông bà
Thời xưa quan niệm: Thần dân phải biết kính phụng quân Vương, con cháu phải biết kính phụng song thân, ông bà. (Ảnh qua Facebook)

Thời đại hiếu đạo thịnh hành, người già yếu sẽ không lẻ loi hiu quạnh, không phải lâm vào cảnh không người cung dưỡng. Người thiếu niên hiểu được “ẩm thủy tư nguyên” (uống nước nhớ nguồn), luôn luôn nhớ ơn một khi được giúp đỡ. Khi gia đình hòa thuận, xã hội cũng sẽ tự nhiên triển hiện ra trạng thái hưng thịnh. Vì lẽ đó, các vua cổ đại đều chủ trương hiếu đạo, thường xuyên làm gương, khi bổ nhiệm quan chức cũng chú trọng tuyển chọn người có hiếu hạnh xuất chúng.

Trong quan niệm của người xưa, chữ Hiếu được thể hiện trên rất nhiều phương diện. 

• Ví như biết quý tiếc thân thể của mình là biểu hiện của lòng hiếu thảo, vì thân thể là cha mẹ ban cho. 

• Sau khi cha mẹ mất, ba năm không được ăn cá, không mặc áo gấm, không ở nhà đẹp, vì cha mẹ mà thủ tang. Bởi vì cha mẹ sau khi sinh con, đã từng ba năm không thể an tâm sinh hoạt, ngày đêm chăm sóc con thơ, con cái thủ tang là để đáp lại ân tình đó của song thân.

Lại thêm “Phụ mẫu tại, bất viễn du” (cha mẹ còn, không đi xa), “Sự tử như sự sanh” (sự chết như sự sống) v.v… Kinh điển “Đệ tử quy” phổ biến vào triều đại nhà Thanh, bên trong có câu khuyên bảo trẻ em rằng: “Thân ái ngã, hiếu hà nan. Thân tăng ngã, hiếu phương hiền.” (Cha mẹ thương, hiếu đâu khó. Cha mẹ ghét, hiếu mới tốt), ân đức sinh thành của cha mẹ là lớn nhất, cho dù họ có đối đãi với chúng ta không tốt, phận làm con sao lại có thể ôm hận trong lòng đây?

Câu chuyện về hiếu trên sân khấu Shen Yun (Thần Vận)

Câu chuyện kể về một phần trong quyển “Hiếu trì chương” bức “Nữ hiếu kinh đồ” của một tác giả vô danh thời Tống.

Vào thời cổ đại, ‘Hiếu kinh’ là một trong mười ba kinh, là quyển sách cổ mà nho sinh  nhất định phải đọc. Ngoài ra còn có ‘Nữ hiếu kinh’ viết cho nữ nhân, sách giải thích rằng phẩm đức hiếu thuận của phụ nữ cũng quan trọng không kém nam nhân. 

Câu chuyện về Hoa Mộc Lan được ghi lại trong các bài dân ca, lưu truyền vào thời Nam Bắc triều. Hoa Mộc Lan vốn là một thiếu nữ khuê phòng, vào thời loạn thế triệu tập binh sĩ, Mộc Lan thương cha già nên đã cải trang thành nam nhân, thay cha tòng quân, xông pha chiến trường. 

Năm 2009, Shen Yun đã thông qua hình thức nghệ thuật múa cổ điển Trung Quốc thuần chánh thuần mỹ, tái hiện sinh động trên sân khấu câu chuyện khắc sâu trong lòng người này. Vở vũ kịch ‘Mộc Lan tòng quân’ đã nhận được sự tán thưởng của khán giả toàn thế giới.

Câu chuyện của Mẫn Tử Khiên 

Có một điểm chung của những người hiếu thảo, đó là họ luôn biết giữ nhân nghĩa. Trong sách cổ và truyền thuyết nhân gian có vô số kể các tấm gương hiếu thảo được lưu truyền.

Mẫn Tử Khiên là đệ tử của Khổng Tử. Tương truyền mẹ Tử Khiên mất sớm, cha ông lấy vợ kế và sinh thêm hai con. Người mẹ kế tật đố với Mẫn Tử Khiên, vì thế mà thường xuyên ngược đãi ông. 

Vào mùa đông, hai cậu em trai mặc quần áo bông làm từ bông vải, nhưng Tử Khiên lại mặc “áo bông” làm từ bông lau. Một ngày nọ khi cùng cha đi ra ngoài, Mẫn Tử Khiên run rẩy vì lạnh khi kéo xe, làm rơi dây thừng xuống đất, bị cha khiển trách và đánh đập. Bông lau thuận theo áo bị đánh rách mà bay ra, lúc đó người cha mới biết Tử Khiên bị vợ kế ngược đãi. 

Cha ông quay về nhà muốn đuổi vợ đi. Mẫn Tử Khiên quỳ xuống cầu xin tha thứ cho mẹ kế và nói: “Mẹ ở lại chỉ mình con chịu lạnh, mẹ đi rồi cả ba đứa sẽ phải rét sương”

Cha ông rất cảm động và thuận theo ý ông. Mẹ kế nghe vậy liền thấy vô cùng hối hận với lỗi lầm của mình, từ đó đối đãi với Mẫn Tử Khiên như con ruột. Khi Khổng Tử nghe về câu chuyện này, ông đã khen ngợi: “Tử Khiên là hiếu tử chân chính vậy!”

Thuận theo sự sa sút của văn hóa truyền thống, quan niệm về chữ Hiếu đã dần bị tư tưởng hiện đại lấn át, người già neo đơn không nơi nương tựa ngày càng nhiều. Song vẫn còn có nhiều người thiện đãi thân nhân, tôn kính trưởng bối, tận tâm tận lực cung dưỡng cha mẹ già, trong sinh hoạt hết sức không làm ngược tâm ý của song thân. Dù cho họ có lỗi cũng sẽ ‘hòa nhan duyệt sắc’ (thuận mày đẹp mặt), khuyên giải họ không ngại rắc rối. 

Nếu một người làm được như vậy, cũng có thể nói là mẫu người hiếu hạnh trong xã hội hiện đại. Hoàng đế Khang Hy đã từng tổ chức “Thiên tẩu yến” (tiệc ngàn cụ già) để tỏ rõ quốc gia thái bình, hưởng phúc khí dài lâu. 

Nếu người già có thể sống lâu hơn, hẳn là vì thân tâm khỏe mạnh, cũng là do hiếu đạo thịnh hành. Hầu hết những cụ sống lâu đều có thể an hưởng tuổi già, chính là quốc gia hữu đạo, bách tính hữu đức mà ra.

Văn hóa truyền thống Trung Quốc có nội hàm bác đại tinh thâm, bên trong các giá trị truyền thống là bảo vật trân quý của mọi thời đại, là tinh hoa kết lại từ phẩm hạnh đạo đức. Bất luận hình thức xã hội thay đổi như thế nào, quan niệm đạo đức chính thống như: Chính trực, thiện lương, dũng cảm, kiên nhẫn vẫn sẽ đánh thức tâm linh con người. 

Đoàn Nghệ thuật Shen Yun chính là quảng bá, và khôi phục những giá trị chính thống đang phai nhạt bằng hình thức âm nhạc, múa cổ điển truyền thống, cùng vô số truyền kỳ cảm động lòng người trong lịch sử 5000 năm. Đó cũng là kho tàng sáng tác vô tận của Thần Vận để thực hiện “sứ mệnh” thiêng liêng của mình.

Việt Anh